Từ đường Bùi Quang Dũng nằm cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 3 km, thuộc thôn Đồng Thanh, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình - nơi còn lưu giữ nhiều tư liệu quý giá về thân thế và sự nghiệp của danh tướng Bùi Quang Dũng.
Trinh Quốc công Bùi Quang Dũng sinh ngày 10 tháng Giêng năm
Nhâm Ngọ (922) tại đất Phong Châu, huyện Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ. Xuất thân
trong một gia đình nông dân nghèo, ông sớm nổi tiếng là người đức độ, thông
minh hơn người. Đến tuổi trưởng thành, với tài thao lược, văn võ tinh thông, đức
ôn Bùi Quang Dũng sớm nuôi ý chí được mang tài trí của mình ra giúp dân, giúp
nước. Năm 944, sau khi vua Ngô Quyền mất, đất nước lâm vào cảnh loạn 12 sứ
quân.
Nghe tin vua Đinh Bộ Lĩnh giương cờ dẹp loạn, đức ông Bùi
Quang Dũng đã tìm theo và trải qua 20 năm, ông đã phò giúp vua Đinh bình yên
thiên hạ, ổn định nhà nước Đại Cổ Việt, giúp dân vùng thêm sông Bạch Lãng và
sông Cái khai khẩn đất hoang, lập làng để an cư lạc nghiệp.
Với công trạng đóng góp của mình, Bùi Quang Dũng đã được triều
đình phong tặng nhiều tước hiệu cao quý, được dân chúng tôn vinh và cảm tạ. Sau
khi vua Đinh bị sát hại, ông trở về ở ẩn tại quê nhà giúp dân Hàm Châu (xã Tân
Bình, thành phố Thái Bình ngày nay) khẩn hoang, lập nghiệp.
Đến năm 91 tuổi, cám cảnh đất nước chưa yên, ông lại quay ra
phò giúp Lý Thái Tổ dẹp loạn, giữ yên đất nước và góp công trạng lớn vào quá
trình dựng xây Kinh đô Thăng Long. Với công trạng lớn lao những năm cuối đời, danh
tướng Bùi Quang Dũng đã được vua Lý phong cho tước cũ và ban tặng Hiệu danh:
‘‘Minh Triết phu tử’’ - với tấm lòng kính trọng.
Trinh Quốc công Bùi Quang Dũng mất năm Thuận Thiên thứ 9,
ngày 13 tháng 6 năm Mậu Ngọ(1018) tại ấp Hàm Châu, thọ 97 tuổi. Nghe tin ông mất,
vua Thái Tổ đã cho quan bộ Lễ về tổ chức an táng và truy phong là Trinh Quốc
công; và sau đó 2 tháng, đích thân vua ngự bút đề văn bia Sự trạng Bùi Quang
Dũng, sai khắc vào đá đặt tại Từ đường để thờ tự.
Từ đường Bùi Quang Dũng được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng
công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 5 tháng 8 năm 1999. Trong tư
liệu Gia phả của dòng họ Bùi thôn Đồng Thanh bằng chữ Hán có ghi chép lại rằng:
Từ đường được xây mới vào năm Giáp Tý tại đất của cụ Bùi Đức Tiêu đời thứ 30.
Toàn bộ từ đường nằm trên khu đất thổ diện tích một sào, tòa
nhà ba gian, dàn mái làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói, tường xây gạch, có đá tảng
lót chân nền. Khung cửa và cánh cửa làm bằng gỗ lim. Ban thờ chính giữa thờ cụ
Thái Tổ Bùi Quang Dũng cùng cụ Khải tổ và các vị tổ các đời thứ hai tức Thái
Tôn công (cụ Bùi Quang Anh, chức Anh Dực tướng quân lãnh Trấn đông Tiết độ sứ,
tước Tuy An hầu, Thụy Phấn liệt tướng quân), vị tổ đời thứ ba tức Thế Tôn công
(cụ Bùi Quang Chiếu chức Chinh bắc Phó tướng quan, Bình Nam đại tướng quân
thăng Thái úy tước Uy viễn hầu, thụy Tráng liệt).
Gian bên phải đặt ban thờ, thờ cụ tổ thược chi Ất, làm quan
chức Thiếu khanh Thanh Thọ bá và hậu duệ của cụ. Gian bên trái đặt ban thờ, thờ
các cụ tổ hai chi Giáp và chi Ất tức là cụ Phúc Liệt và Phúc Minh (hai vị tổ
chi được suy tôn từ đời thứ 19 sau sự kiện tái lập dòng họ do truy sát của chúa
Trịnh) và phối thờ trong dòng họ các vị tiên hiền có học vấn Tú Tài trở lên, nếu
thuộc hàng chức sắc thì từ Cửu phẩm trở lên.
Mặc dù tên tuổi không có trong sử sách, song qua rất
nhiều nguồn tư liệu (Gia phả, văn bia, câu đối, địa danh cổ...) còn lưu giữ
xung quanh ngôi từ đường cổ kính của dòng họ Bùi tại làng Đồng Thanh - xã Tân
Bình, thành phố Thái Bình nay, chúng ta vẫn như thấy được một cách sống động
toàn bộ thân thế sự nghiệp Trinh Quốc công Bùi Quang Dũng - danh nhân có tầm
vóc trong giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước của Thái Bình cũng như của cả
dân tộc cách đây hơn 1000 năm.
Đức Ngọc