Phủ Thượng Vỹ thuộc xóm 12 thôn Thượng Vỹ, xã Nhân Chính, tên chữ là Khoan Vỹ Linh Từ. Phủ thờ phụng Mẫu Đệ nhất Thượng thiên Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hai bên thờ phụng Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn La Bình Công chúa, Mẫu Đệ tam Thoái phủ Thủy cung Thánh Mẫu.
Phủ Thượng Vỹ có từ thời Hậu Lê (từ trước năm 1783). Trải
qua những năm tháng của lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, Phủ Thượng Vỹ là
nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của địa phương.
Phủ Thượng Vỹ tọa lạc trên khu đất rộng với khuôn viên trên
5000 m2, cảnh quan không gian đẹp. Phủ gồm 3 tòa nối liền với nhau bằng những
quãng cửa . Tòa thứ hai gồm 5 gian bít đốc giật cấp, nối tiếp tòa thứ nhất qua
máng xối. Kiến trúc kiểu vì kèo quá
giang, gồm 2 hàng trên cột, vì nóc thiết kế kiểu vì chồng rường giá chiêng, thân rường chạm lá
lật, chữ thọ cách điệu.
Từ tòa thứ hai tới tòa thứ ba qua một quãng cửa cao 0,4m,
tòa này được xây bít đốc giật cấp gồm 5 gian, mái lợp ngói nam, hoành vuông,
rui bản. Toàn bộ mặt trước được bưng kín bằng hệ thống cửa bức bàn, gồm 5 chuồng
cửa, khoảng cách từ ngưỡng tới xà hạ được trang trí bằng một hàng chấn song con tiện.Quá giang, thân
xà đều là những thân gỗ tròn nhẵn bóng, trụ trồn, thân rường đỡ hệ mái được gia
công chắc khỏe, vững chãi.
Nối tiếp với tòa thứ ba là tòa hậu cung gồm 3 gian, xây dựng
kiểu bít đốc, giật cấp. mái lợp ngói nam đều đặn. Vì nóc tạo kiểu vì kèo cọc ván, kẻ bẩy. Hai gian hồi phía trước hậu
cung tạo kiểu chồng rường cụt, thân rường chạm khắc lá lật. Trang trí trên kiến
trúc ở Phủ Thượng Vỹ tập trung chủ yếu trên các cấu kiện: Vì nóc, vì nách, bẩy
với các đồ án rồng, phượng và các hoa văn họa tiết như văn kit hà, vân mây, lá
lật, chữ triện ,ang đậm phong cách nghệ thuật triều Nguyễn.
Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, Phủ Thượng Vỹ còn lưu giữ được nhiều
đồ thờ, hiện vật có giá trị, tiêu biểu như Tượng thờ, hoành phi, câu đối, nhang
án, bát hương, chuông, cửa võng, phù điêu, kiệu…
Treo gian giữa tòa tiền đường là cuốn thư có niên hiệu vua Bảo Đại ngũ niên (1930) triều
Nguyễn được sơn đỏ, khắc chìm bài châm chữ Hán màu đen, hai bên cuốn thư chạm
khắc nền gấm, thếp vàng, đan xen là chữ triện tròn, diềm xung quanh trạm thông
phong nhiều đồ án độc đáo; diềm trên trạm đôi rồng chầu mặt nguyệt, diềm hai
bên chạm đăng đối phượng vũ, cuộn mây, đan xen là long mã, sóng nước; diềm dưới
chạm mặt hổ phù.
Treo chính giữa trên ban thờ chính giữa tòa trung đường là bức
phù điêu chạm nổi chính giữa là Mẫu Đệ nhất Thượng thiên Thánh Mẫu Liễu Hạnh,
hai bên là phù điêu Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn La Bình Công chúa, Mẫu Đệ tam Thoái
phủ Thủy cung Thánh Mẫu và thị nữ theo hầu, được chạm khắc tinh tế, sinh động
và vẫn giữ được lớp sơn thiếp cổ, mang đạm phong cách nghệ thuật triều Nguyễn.
Phủ còn lưu giữ được nhiều bát hương bằng đồng, bằng sành được
trang trí coogn phu, tỉ mỉ nhiều họa tiết, hoa văn độc đáo mang đậm giá trị nghệ
thuật thế kỷ XVIII-XIX.
Phủ lưu giữ một cỗ kiệu võng được tạo tác sơn thép độc đáo ở
đòn khiêng và các tay đòn, mái che mang đạm giá trị nghệ thuật triều Nguyễn như
chạm nổi hình rồng phượng uốn lượn mềm mại ở đòn dọc chính, đòn ngang.
Hiện nay Phủ Thượng Vỹ còn giữ được 8 đạo sắc phong của triều
Hậu Lê, Nguyễn (đạo sắc phong sớm nhất là năm niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783), đạo sắc cuối cùng là năm niên hiệu Khải Định 9
(1924)) sắc cho Thánh Mẫu và hai Ngọc nữ à Thượng đẳng thần cho phép dân làng
thờ phụng mãi mãi
Năm 1930, một số chi bộ ghép trong huyện Lý Nhân được thành
lập như chi bộ Dũng Kim – Mạc Thượng, Đồng
Vũ – Thọ Ích và một số chi bộ của các xã ven sông Châu huyện Bình Lục gần địa
bàn tổng Công Xá thúc đẩy phong trào cách mạng toàn huyện nói chung và của xã
Nhân Chính nói riêng. Từ đây dưới sự lãnh đạo của các chi bộ phong trào cách mạng
của xã Nhân Chính đã phát triển lên một bước mới. Tại Phủ Thượng Vỹ diễn ra các
buổi tuyên truyền, mít tinh, cắm cờ Đảng trên cây đa cổ thụ đầu làng nhằm ủng hộ
phong trào cách mạng trong toàn quốc.
Cách mạng tháng Tám thành công, cả nước đối mặt với nhiều
khó khăn, thử thách, trong đó có nạn đói, giặc dốt. Thời điểm đó, Phủ Thượng Vỹ là nơi sử dụng để mở lớp bình dân học vụ xóa
mù chữ cho nhân dân địa phương, đồng thời Phủ cũng là nơi đặt hũ gạo kháng chiến,
nơi phát động cuộc vận động “Tuần lễ vàng”, xây dựng “Quỹ độc lập”.
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cùng với nhân
dân cả nước, nhân dân Thượng Vỹ sôi nổi tham gia các hoạt động sẵn sàng chiến đấu,
Phủ là nơi tiễn con em thôn Thượng Vỹ lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trước đây Phủ Thượng Vỹ thường diễn ra các hoạt động văn
hóa, tín ngưỡng , lễ hội của nhân dân trong làng, nổi bật là các kỳ lễ sau:
(tính theo âm lịch)
1. Ngày 15 tháng Giêng lễ Thượng Nguyên: Đồ lễ có xôi, thịt,
hoa quả, oản …
2. Ngày mồng 3 tháng
3, Ngày Kị Đế thích tiên đình tiên nhiên thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa. (Lễ hội
chính trong năm) và được tổ chức lớn 2 năm một lần giao hảo với xã Nhân Khang,
mỹ tục giao hảo của thôn Thượng Vỹ, xã Khoan Vỹ (nay là thôn Thượng Vỹ xã Nhân
Chính) và thôn giá, xã Nhân Khang có từ xa xưa và vẫn giữ được đến hiện
nay được tổ chức trong 5 ngày (từ ngày mồng
1 đến ngày mồng 5 tháng 3).
Phủ Thượng Vỹ thuộc xóm 12 thôn Thượng Vỹ, xã Nhân Chính,
huyện Lý Nhân. Phủ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2015.