Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, đồng hành cùng dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Ngay từ thời lập quốc, Thanh Hóa thuộc đất Cửu Chân, một trong số 15 bộ của nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước.
Ngày mùng 10 tháng 3 hàng năm là ngày Quốc giỗ. Hiếm có quốc
gia nào mà đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc và cả những người Việt xa
quê hương đều xem mình con cháu của vua Hùng, chung một nguồn cội như ở Việt
Nam.
Các di tích thờ cúng Hùng Vương trên phạm vi cả nước nói
chung, tỉnh Thanh nói riêng thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, nhân lên
lòng tự hào, đoàn kết dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
ngày càng giàu mạnh, hạnh phúc, văn minh.
Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống lịch
sử và văn hóa, đồng hành cùng dân tộc trong quá trình dựng nước và
giữ nước. Ngay từ thời lập quốc, Thanh Hóa thuộc đất Cửu Chân, một trong số 15
bộ của nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước.
Chính điều đó dã mang đến cho tục thờ và tín
ngưỡng tâm linh của vùng đất xứ Thanh này nhiều dấu ấn sâu đậm, mà trong đó nổi
bật là lòng thành kính, uống nước nhớ nguồn, biết ơn tiên tổ, tiền nhân đã tạo
dựng nên non sông gấm vóc.
Xứ Thanh - miền đất gọi về cội nguồn dân tộc,
nơi có biển xanh sóng vỗ, đồng bằng sông Mã mỡ màu và miền tây núi non trùng điệp.
Lắng trong không gian và thời gian, miền đất nơi đây trầm tích các lớp văn hóa
đồ đá cũ - đồ đá giữa, đồ đá mới, thời kỳ tiền kim khí và văn hóa Đông sơn - nền
văn minh rực rỡ thời các vua Hùng tỏa sáng.
Miền đất có biển có rừng ấy cũng gắn với
truyền thuyết cha Lạc Long Quân, mẹ Âu cơ sinh ra bọc trứng hồng - trăm trứng với
50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển lao động, dựng
xây để làm nên non sông đất Việt, trong đó có những người con tài giỏi của cha
Rồng, mẹ Tiên sau này trở thành Vua Hùng.
Nhớ ơn cha Rồng, mẹ Tiên, đời nối đời, con
dân đất Việt nói chung, người xứ Thanh nói riêng đã lập đền thờ tưởng kính tiền
nhân đã khai sinh ra dân tộc. Tín ngưỡng và tục thờ mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân
ngày nay vẫn bắt gặp ở các làng quê tỉnh Thanh từ miền non cao đến
vùng biển rộng hãy còn hiện hữu các đền miếu thờ mẹ Âu Cơ với hình thức thờ lộ
thiên trên tảng đá rộng, những điểm thờ này thuộc địa bàn cư trú của đồng bào
Mường ở xã Xuân Du, khu di tích Phủ Na (Như Thanh), Điền Trung (Bá Thước) và
xưa kia thờ ở thôn Bản Định, huyện Mỹ Hóa... Thờ cúng Lạc Long Quân ở một số
làng ven biển các xã Nga Phú, Nga Bạch (Nga Sơn), Hải Hà, Hải Yến (Tĩnh Gia),
xưa có thôn Ngọc Hoạch, huyện Thụy Nguyên thờ...
Di tích thờ cúng Hùng Vương và những tướng
lĩnh cùng ông trên đất xứ Thanh ngày nay còn lại không nhiều, nhưng qua một số
di tích được người dân đời nối đời thờ phụng cũng cho thấy khá rõ lòng tri ân,
tưởng nhớ tiền nhân, hướng về cọi nguồn dân tộc của các thế hệ người dân tỉnh
Thanh.
Đền thờ Hùng Trinh Vương ở làng Hổ Bái, xã Yên
Bái, huyện Yên Định.
Di tích Đền Đồng cổ in dấu ấn Vua Hùng với vùng núi sông kỳ
tú và linh thiêng này. Theo sách Tam Thai sơn linh tích cho biết: Vào
thời Hùng Vương, nhà vua đi dẹp loạn Hồ Tôn xâm lược ở phương Nam.
Đại quân theo đường núi tiến đến chan núi Khả Lao (nay thuộc
làng Đan Nê, Yên Thọ, Yên Định) nghỉ đêm trên bến Trường Châu bờ phải sông Mã.
Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là thần núi Ðồng Cổ báo mộng rằng
dưới chân núi có trống đồng cổ, đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc.
Vua tỉnh giấc còn nghe tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới
chân ba ngọn núi. Nhà vua làm theo những điều mà sơn thần báo mộng. Khi giáp trận,
quân giặc nghe tiếng trống đồng âm vang đã sợ khiếp vía và rút chạy. Khi thắng
trận trở về, vua Hùng phong cho thần núi Khả lao là "Đồng Cổ đại
vương", cho xây miếu thờ thần Đồng Cổ để nhớ công lao của thần...
Sách Lĩnh nam chích quái cũng ghi lại: năm 258
TCN, Vua Hùng (không rõ vị vua thứ mấy) khi đi đánh giặc Lâm Ấp nghỉ chân ở núi
Tam Thai được thần báo mộng giúp sức. Khi thắng trận trở về phong cho thần là
“Đồng Cổ đại vương”... Ghi chép ở Thượng Điện đền Đồng cổ: “Miếu Đồng Cổ được
khởi dựng từ thời Hùng Vương (256 - TCN), đến thời Lý (1020) miếu được sửa sang
lại, sang thời Lê - Trịnh (1630), miếu được xây dựng khang trang, to đẹp
hơn...Miếu thờ thần núi Đồng Cổ, vị thần đã giúp các triều đại đánh thắng giặc
ngoại xâm và diệt trừ phản loạn: Giúp vua Hùng đánh thắng giặc Hồ Tôn; giúp vua
Lý đánh thắng giặc Chiêm và diệt trừ phản loạn; giúp vua Lê - chúa Trịnh đánh
tan nghịch Mạc; các đời Đinh, Lý, Trần, Lê thờ cúng đều ứng nghiệm, giúp việc
giữ gìn đất nước...”.
Như vậy, từ thuở dựng nước miền đất Cửu Chân từng lưu lại dấu
tích của vua Hùng và chính Đồng Cổ - nơi tụ khí thiêng của non nước đã giúp vua
Hùng thắng giặc ngoại xâm, giữ bình yên cho muôn dân, trăm họ, nên việc thờ thần
trống đồng không chỉ là ý chỉ của Hùng Vương mà còn chính là sự ngưỡng vọng và
chiêm bái vua Hùng được người dân bao đời luôn ngưỡng vọng, ghi nhớ người có
công đầu dựng nước và mở nước.
Trong không gian thiêng của di tích đền Đồng Cổ, cách đó
không xa là Đền thờ Hùng Vương. Đền Hổ Bái được tọa lạc trên đất Trang
Chân Bái, phủ Thiệu Thiên (xã Yên Bái, huyện Yên Định ngày nay) hiệu
nước lúc bấy giờ là Văn Lang (Đông giáp Nam hải, Tây tới Ba Thục, Bắc đến
Động Đình, Nam tới Hà Tôn và cả nước chia làm 15 bộ), là một trong những
di sản quốc gia gắn với truyền thuyết Âu Cơ Lạc Long Quân; thờ người con
thứ 11 của Long Quân tên húy là Hợp Lang, tước Lạc Hầu (tướng văn).
Theo người dân trong vùng kể lại, một lần nhà vua đi dọc
sông Mã thì bị đi lạc vào một nhánh cụt (nhánh cụt đó sau này được chia nhỏ ra
làm các hồ nuôi cá, hiện nay vẫn còn).
Khi ấy, nhà vua thấy một bãi đất bằng phẳng (vị trí của ngôi
đền bây giờ) nên đã neo thuyền lên nghỉ. Phía trước có 3 cái cồn đất, tựa như
kiềng 3 chân, ở cồn này cách đây không lâu người dân đã tìm đươc rất nhiều đồ cổ.
Thấy vị trí ngôi đền rất đẹp: bằng phẳng, có cồn (tựa núi), có sông nên vua
nghĩ là đây là mảnh đất thiêng và cho dựng đền.
Đến thời Hai Bà Trưng tự xưng Vua được 3 - 4 năm thì nhà Hán
sai Mã Viện và Lưu Long cùng 4 chục vạn quân sang chiếm đánh nước ta. Hai Bà
Trưng bèn sai sứ thần đến đất Trang Chân Bái ngầm cầu dòng dõi con cháu Vua
Hùng linh vương giúp nước và đã đến tại Đền Hổ Bái làm lễ bái yết. Ngay sau đó
đưa quân tiến thẳng đến cửa quan Chi Lăng đánh một trận lớn phá tan quân giặc.
Trưng Vương thấy Đền Hổ Bái là nơi linh thiêng kỳ lạ và lệnh
cho binh lính thủy, bộ cùng nhân dân trở về đền thiêng Trang Chân Bái làm lễ yết
tạ, mở tiệc ăn mừng và hạ lệnh cho tu sửa đền thờ chính. Ngôi đền được được xây
dựng bằng gỗ lim và phong mỹ tự "Thượng Đẳng Phúc Thần".
Hiện nay trong khuôn viên di tích còn lại ngôi đền chính 5
gian và hai giải vũ dài và rộng, chạm khắc tứ linh, tứ quý công phu, tinh xảo.
Nghinh môn với cấu trúc hai tầng mái uy nghi và cổ kính. Hàng năm lễ hội tổ chức
vào ngày mùng Mười tháng Ba âm lịch, thu hút đông đảo nhân dân khắp các làng
trong vùng về thắp hương, tưởng niệm và tham gia các trò chơi, trò diễn trong
ngày hội lễ.
Ở Nga Sơn cũng có đền thờ Hùng Vương. Đền thờ tọa lạc trên đất
làng Xa Liễn, xã Nga Thắng nằm trong không gian văn hóa thời Văn Lang, trong quần
thể di tích thờ Mai An Tiêm - tương truyền là một trong số những người con của
vua Hùng đã có công tìn ra giống dưa lạ đưa sự sống cho con người về đảo hoang.
Thần tích trong đền cho biết, đền Xa Liễn cũng thờ vị vua thứ
11 là Hùng Trinh Vương. Người đã có công khai mở vùng biển, hải đảo, dạy cho
dân biết làm nông nghiệp, canh tác trên những doi đất cát ven biển, nhiễm mặn
và làm nghề đánh cá. Ngôi đền thờ vua Hùng ở Xa Liễn có kiến trúc thấp để tránh
gió bão. Trong ngày Quốc giỗ, lễ vật dâng cúng Vua Hùng bao giờ cũng có bánh
chưng, bánh dày và sản vật của cư dân chài lưới... Trải thời gian, đền bị đổ
nát, ngày nay thánh vị và hương án cùa vua được rước vào thờ tại Phủ Sến, xã
Nga Thắng.
Cùng với các di tích phụng thờ vua Hùng, trên đất tỉnh Thanh
còn có một số di tích là các vị tướng lĩnh đã cùng vua Hùng có công lập quốc
như: Quang Tế, Linh Thông được thờ ở xã Vân Trai, huyện Cẩm Thủy; Quý Minh tôn
thần có 9 làng ở các huyện Nga Sơn, Hà Trung, Quảng Xương, Tĩnh Gia thờ phụng; Ấp
Lãng Chân Nhân tôn thần thờ ở thôn Hà, thôn Ngoại, phối thờ cùng với Mai An
Tiêm ở đền thờ xã Nga Phú (Nga Sơn).
Di tích thờ Thánh Gióng ở làng Yến, xã Thạch Lập, thuộc Mường
Lập, huyện Ngọc Lặc. Trong số các di tích phụng thờ các vị tướng thời Hùng
Vương phải kể đền di tích thờ Phan Nhạc tôn thần ở xã Hà Bắc, đình Ngọc Đới
xã Hà Thanh, đền Hạ xã Hà Tiến (Hà Trung) tôn vinh Phan Tây Nhạc,
vị tướng tài cùng vua Hùng đánh tan kẻ thù hung bạo.
Danh tướng Phan Tây Nhạc (còn gọi là Phan Vĩ Nhạc), người
con của đất Tống Sơn có công chống giặc ngoại xâm, dạy cho dân chăm lo việc
nông tang từ thủa vua Hùng. Thần tích về Tây Nhạc tướng quân ở Ngọc Đới nói
riêng, Hà Trung nói chung cho biết: Nước Việt xưa cõi Nam mở rộng, vua Lạc
Long họ Hồng Bàng lấy nàng tiên là Âu Cơ sinh 100 trứng, nở trăm con trai, 50
người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi, chia thành 15 bộ lạc xây dựng
quốc gia.
Thánh tổ trải duyệt sông núi muôn nơi thấy đất Châu Hoan cảnh
đẹp bèn lập Kinh đô và xây cung điện ở núi Nghĩa Lĩnh, hơn hai nghìn năm cha
truyền con nối đều lấy hiệu Hùng Vương.
Ông Phan Tây Nhạc, tổ tiên họ Phan là người Hà Trung, Châu
Ái (Thanh Hóa) có tài năng sức mạnh hơn người, văn chương võ nghệ toàn diện
không ai sánh nổi. Thuở ấy, quân Thục kéo đại binh sang đánh nước ta, nhà vua
phong cho Phan Ông làm Nhạc Tướng Quân, giao cho cầm 3 vạn quân sĩ đi tiên
phong.
Quân Thục đông, nhưng không chống đỡ nổi. Trải bốn triều
Ðinh, Lê, Lý, Trần đều ban phong sắc mệnh: Phan Tây Nhạc Ðại Vương, Hộ quốc cứu
dân, muôn đời huyết thực, hương hỏa bất tuyệt. Tri ân công đức của Phan
Tây Nhạc Ðại Vương có công với dân với nước, vào dịp mùa xuân không chỉ có quê
gốc của ngài ở Hà Trung, xứ Thanh mà cả những địa phương ông từng lưu dấu, nhân
dân đều tổ chức nấu cơm thi. Mỹ tục này có từ thời Hùng Vương, gắn với sự kiện
Phan Tây Nhạc trẩy quân dẹp giặc, ngài bèn mở cuộc thi thổi cơm để chọn người
nuôi quân giỏi, vừa cấp tốc hành quân diệt giặc.
Di tích thờ cúng Hùng Vương trên đất tỉnh Thanh luôn là điểm
đến, tri ân tiền nhân có công dựng nước của các thế hệ người tỉnh Thanh hôm
qua, hôm nay và cả mai sau tìm về nguồn cội nguồn dân tộc; chung sức, đồng lòng
xây dựng non nước và tỉnh Thanh ngày càng giàu đẹp, cho thỏa lòng mong đợi của
tiền nhân.
Hoàng Minh Tường