Đình - Chùa Xuân Trù nằm tại thôn Xuân Trù, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, là một quần thể di tích tín ngưỡng lâu đời thờ các vị thần Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương, Diên Bình công chúa triều đại Hùng Duệ Vương.
Tại đây còn lưu giữ được nhiều di sản Hán Nôm quý giá phác họa
lịch sử, văn hóa của địa phương, chứng minh xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên là một trong những làng cổ ở ven sông Cầu.
Rất nhiều di vật, cổ vật có thể kể đến như: 1 thần tích có
giá trị được viện Hán Nôm sao chép và lưu trữ tại Viên nghiên cứu Hán Nôm, một
bản thần sắc sao 7 sắc phong của đình từ thời vua Thiệu Trị thứ 6 (1850) đến thời
vua Khải Định thứ 9 (1924), câu đối, hoành phi, cây hương đá, bia đá ghi tên
chùa, chuông đồng ghi tên chùa, và họ tên người công đức, tuy không khắc niên đại
nhưng qua phong cách nghệ thuật đúc và trang trí có thể biết được chuông có từ
thời vua Tự Đức (1852 - 1882).
Đặc biệt nhất trong bộ di vật quý giá ấy là thần tích đình
Xuân Trù. Bản thần tích này có tên “Xuân Trù xã Tam vị đại vương linh tích”, được
chép lại bằng chữ nho do Hàn lâm viện Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính vào tháng
mười năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) đời vua Lê Anh Tông (1572 - 1573), sau đó
được quan nội các bộ Lại chép lại vào tháng tám năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) đời
vua Lê Ý Tông (1735 - 1740) và sao chép lần cuối cùng vào năm Duy Tân thứ 6
(1910).
Đây là bản thần tích có văn phong và là một trong những bản
thần tích có niên đại cổ vào loại sớm trong tỉnh.
Cổng đình Xuân Trù
Công nhận những giá trị lịch sử - văn hóa mà cụm di tích này
mang lại, ngày 3/2/2007, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xếp hạng cụm di tích Đình -
Chùa Xuân Trù là di tích lịch sử cấp tỉnh
Hằng năm, Đình – Chùa Xuân Trù vẫn tổ chức lễ hội vào ngày
mùng 9 tháng Giêng âm lịch. Người dân địa phương nô nức đi trẩy hội, thắp hương
tưởng nhớ Cao Sơn, Quý Minh và Diên Bình công chúa, khấn cầu một năm mới bình
an may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trong Đình, các bậc cao niên trong làng mặc trang phục chỉnh
tề làm lễ tắm tượng, rước ngài từ giếng đình vào đình và dâng hương. Đây chính
là phần Lễ, còn phần Hội, là những trò chơi mang đậm nét dân gian truyền thống
của dân tộc như: Kéo co, cờ người, đánh đu, vật cổ truyền, cầu phao, bịt mắt bắt
dê,.. thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương tham gia.
Đây cũng là dịp để
người dân địa phương tổ chức ăn tết lại với ý nghĩa gặp mặt quây quần, động
viên nhau cố gắng dành được nhiều thành công trong năm mới.