Đền Phạm Thái uý xây năm 1035, sau thành đình làng Lương Sử. Thờ: Thái uý Phạm Cự Lượng (Phạm Cự Lạng), thần núi Cao Sơn, Mẫu Liễu Hạnh.
Theo bản thần phả còn lưu trong đền-đình Lương Sử, đức
thành hoàng Hồng Thánh Đại Vương Phạm Cự Lượng sinh ngày 20 tháng 10 năm Giáp
Thìn (tức ngày 8 tháng 12 năm 944), tại thôn Trà Hương, huyện Nam Sách, tỉnh Hải
Dương (nay là thôn Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).
Lớn lên trở thành một trong những danh tướng tham gia
dẹp "loạn 12 sứ quân", phò giúp vua Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi
hoàng đế. Ngài được phong chức Phòng Ngự sử tiên phong Tướng quân, trấn giữ
cửa biển Đại Ác (Nam Định), rồi làm Tâm phúc Tướng quân, coi quản thị vệ quân.
Sách Đại Việt Sử ký toàn thư và Việt Điện U Linh cho biết
Phạm Cự Lượng 范
巨
量
còn gọi Phạm Cự Lạng 范 巨 倆 (944–986). Sau khi Đinh Tiên Hoàng cùng Đinh Liễn bị
ám sát, ngài dẫn các tướng vào tâu thái hậu nhiếp chính Dương Vân
Nga đưa Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua và mở ra nhà Tiền Lê.
Ngài được phong đến chức Thái úy tức là quan đầu triều
vì có công rất lớn trong các cuộc phá Tống năm Tân Tỵ (981), bình
Chiêm năm Nhâm Ngọ (982) và làm đường giao thông thuỷ nội địa đầu tiên của Việt
Nam tại Thanh Hóa năm Quý Mùi (983) v.v..
Cổng đền-đình Lương Sử
Năm Đinh Sửu niên hiệu Thông Thụy (1035), quan bộ Lễ soạn
giúp vua Lý Thái Tông (1028–1054) ban sắc phong Phạm Cự Lượng danh hiệu
"Hoằng Thánh Đại Vương" với mỹ tự và tước vị “Đô Hộ Phủ Ngục
Trung Minh Chủ”. Sau đó vua còn cho lập đền thờ ngài tại thôn Ngự Sử ở
phía nam hoàng thành Thăng Long.
Đến thời Nguyễn, thôn Ngự Sử sáp nhập với Lương Tỷ
thành thôn Lương Sử. Ngôi đền Ngự Sử trở thành đền-đình Lương Sử và thờ
thêm Cao Sơn Đại Vương cùng Liễu Hạnh Thánh Mẫu của Lương Tỷ. Danh hiệu của
Phạm thái úy đổi thành Hồng Thánh Đại Vương là do triều đình kiêng huý.
Từ năm 1997 dân làng Lương Sử đã dần dần đòi lại được một phần
đất và trùng tu khôi phục di tích này sau một thời gian dài bị lấn chiếm.
Ngày 7-6-2017, đền-đình Lương Sử đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng là
Di tích lịch sử cấp thành phố theo Quyết định số 3469/QĐ-UBND.
Sân đền Lương Sử. Photo ©NCCong 2019
Kiến trúc
Đền-đình Lương Sử trải qua gần nghìn năm với bao lần
trùng tu, tôn tạo đã thay đổi hẳn diện mạo. Diện tích bị thu hẹp
rất nhiều, giếng nước và khu vườn cổ thụ đã thành những nhà dân xây
tầng vây quanh di tích. Dáng vẻ bên ngoài hiện nay nhìn chung mang đậm
nét của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Cổng tam quan gồm 3 cửa
vòm cuốn đắp đại tự ở trên và 4 trụ biểu cũng đều đắp câu đối chữ
Hán.
Toà tiền tế có thềm đá và hàng hiên với cột đỡ,
cửa gỗ bức bàn chia làm 3 gian rộng nhìn về hướng đông-bắc qua một
sân gạch khá dài và nghi môn. Tường bao hai bên sân gạch được xây cao
và mỗi bên mở ra ngõ một cửa ngách 2 tầng 8 mái lợp ngói giả. Toà
đại đình xây tường hồi bít đốc và kết nối với hậu cung theo hình
chữ "Đinh" truyền thống. Các mái đều lợp ngói ta, trên bờ
nóc có đắp lưỡng long triều nguyệt.
Trong đền-đình Lương Sử
Di sản văn hóa, lịch sử
Trong hậu cung của đền-đình Lương Sử hiện còn lưu giữ được
thần phả và nhiều đạo sắc phong của các triều đại phong kiến xưa kia. Hàng
năm, dân Lương Sử vẫn tổ chức các kỳ hội họp và lễ tế theo âm lịch
vào ngày 20 tháng Giêng ̣(Tế Xuân), 20 tháng 7 (Tế Thu) và 12 tháng 9 (lễ giỗ).
Ngoài Lương Sử, dân nước ta còn lập nhiều đền thờ Thái úy
Phạm Cự Lượng ở Đồng Cổ (Thiệu Yên – Thanh Hóa, nơi ngài cho đào sông làm đường),
Hưng Nguyên – Nghệ An, Phú Bình – Thái Nguyên (nơi ngài phụ trách việc khai
thác gỗ về xây dựng thành Hoa Lư và chuẩn bị cho trận đánh Tống ở Bạch Đằng),
Ninh Bình và vùng biển Nam Định (nơi ngài được vua ban 7 thực ấp).