Đình An Cố, tại xã An Cố, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình thờ Đức Nam Hải Đại Vương Thượng Đẳng Thần. Vị thần được thờ tại đình An Cố, huyện Thái Thụy cũng chính là vị thần “Vĩnh Công Đại vương” hay “Bát Hải Đại vương” được thờ tại đền Đồng bằng (đền vua cha Bát Hải) tại xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ.
Theo thần tích đền Đồng Bằng, Trang An Cố là quê mẹ của Vĩnh
Công Bát Hải.
Đức Nam Hải Đại Vương có tên là Phạm Hải. Nghe tin vua Hùng
kêu gọi người hiền tài ra cứu nước, Ngài đã cùng 2 em trai, con trai và các hầu
cận tham gia đánh giặc. Đất nước thái bình, Ngài xin về quê trông nom thân mẫu,
khai khẩn vùng duyên hải, chiêu dân lập ấp, giúp vua giữ yên 8 cửa biển phía
Đông Lạc Việt. Khi Ngài mất, được vua Hùng sắc phong “Vĩnh Công Đại vương Tối
Thượng Đẳng Linh Thần”.
Ngôi đình có diện mạo hiện nay được khởi dựng năm 1527 –
1528, thời nhà Mạc (năm 1527- 1593), là một trong những ngôi đình cổ nhất ở các
huyện ven biển duyên hải Bắc bộ.
Truyền thuyết về sự tích ngôi đình
Ngôi đình An Cố ngày nay, theo truyền thuyết được dựng đầu
thời Mạc. Hậu chủ hưng công là Tiến sĩ Nguyễn Thế Ân. Tương truyền ông là một bậc
thâm viễn, một chính khách nhìn xa, trông rộng, buổi đầu xuất gia là môn khách
cho thế tử Lê Chiêu Tôn.
Năm 1516, Hoàng đế Lê Tương Dực bị triều thần Trịnh Duy Sản
giết hại, đình thần chọn dòng đích của Cẩm Giang Vương Lê Sùng (Anh ruột vua Lê
Tương Dực) tôn làm vua, từ đó ông thành cánh tay phải của vua Lê Chiêu Tôn.
Không may, đời đang lúc nhiễu nhương, triều thần chia bè, kết
đảng, các phe cánh đánh nhau triền miên, trong đám danh thần như Nguyễn Hoàng Dụ,
Nguyễn Kính,.. Mạc Đăng Dung được lòng người quy thuận, trong lúc ấy thì vua bạc
nhược, nay nghe dèm pha, mai nghe thỉnh thác, khi tin tướng này, khi chèn tướng
khác,... Nguyễn Thế Ân đành theo lòng người mà hướng theo Mạc Đăng Dung.
Năm 1526 Mạc Đăng Dung giết vua Lê Chiêu Tôn, sau đó ép vua
Lê Cung Hoàng nhường ngôi. Ngày 16 tháng 6 năm 1527 (âm lịch) đăng quang làm
vua, phong cho Nguyễn Thế Ân chức Trung Quan, hàm Ly Quốc công, coi như công thần
bậc nhất trong việc mở vương triều.
Trước đó, Nguyễn Thế Ân vâng mệnh vua Lê Chiêu Tôn định xây
thêm một điện lớn ở kinh thành Thăng Long. Việc chuẩn bị gần hoàn tất thì xảy
ra biến loạn, vua Mạc đăng quang bãi việc ấy, hạ chiếu xây dựng Dương kinh (Thuỷ
Nguyên - Hải Phòng). Trung quan Nguyễn Thế Ân xin đưa công trình đang làm dang
dở ở Thăng Long về để trả nghĩa cho dân An Cố và ngoại tổ đã cưu mang ông thuở
thiếu thời.
Vì điện cũ chưa xong, mới hoàn tất hai vì trung tâm, còn hai
vì hồi vì mải lo việc nước, Trung quan cấp tiền cho dân An Cố lo viêc hoàn tất.
Bấy giờ, thợ thuyền giỏi đang sửa sang kinh kì, tân tạo Dương kinh. Các cánh thợ
khác không đủ tài theo được phong cách các vì đã hoàn tất nên đình An Cố còn có
hai vì cạnh trung tâm không được chạm khắc gì cả.
Kiệt tác kiến trúc điêu khắc thời Lê - Mạc
Toàn cảnh đình
Đình An Cố có bố cục hướng Tây, về phía ao đình. Đình gồm
Nghi môn, Sân đình, Đại đình và những ngôi nhà phụ trợ khác.
Đình An Cố có tầm vóc một đại điện (vì thiết kế cho đại điện
ở Kinh thành) bố cục kiểu chữ Đinh. Bái đình cao 0.32m, thềm dài 18 m, rộng 12
m. Đại bờ soi chỉ mớ, trổ hoa chanh.
Hai đỉnh hồi đắp ngọc long lớn, cao 0.6 m, dài 1.2m, miệng lớn,
răng nhọn ngậm chặt bờ nóc, mắt tròn trợn ngược, mi nhọn như mác, bờm sắc như
dao, dựng ngược như chông gai, hất ngược ra phía sau như cờ bay trong gió. Hai
chân sau tỳ góc hồi, giống thế hổ ngồi, tạo dáng uy nghi cho đại đình trong những
ấn tượng đầu tiên.
Hệ thống bờ cánh, bờ đao cũng soi hai tầng chỉ mớ, trổ hoa
chanh; góc bờ cánh đắp nghê thần, dàn đao guột đắp, rồng chầu, phượng múa; nghê
thì tư thế hiên ngang, bờm rồng, mắt hổ, chân ôm quả cầu, chân vờn mây cuộn,
chân đạp hoa chanh. Đao phượng mỏ dài, bờm xoắn, cánh sải như chim phượng, đuôi
dài như chim công. Đao rồng: Râu bờm phất phới, cổ dài vươn cao, cưỡi tản vân
như đang cất cánh bay.
Phối cảnh mặt sau (phía Đông) đình An Cố, Thái Thụy, Thái
Bình
Phối cảnh mặt bên (phía Nam) đình An Cố, Thái Thụy, Thái Bình
Nghi môn
Phía trước Nghi môn là ao đình; hiện chỉ còn một phần nhỏ,
chưa được tu bổ.
Nghi môn bao gồm 4 trụ biểu xây gạch.
Hai trụ biểu tại giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng;
thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí câu đối, đế thắt
dạng cổ bồng. Giữa hai trụ biểu chính giữa thay vì cổng vào chính của đình là bức
bình phong. Hai trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu.
Giữa hai trụ biểu cao và thấp là khối cổng, phía trên có mái
2 tầng, 8 mái.
Phối cảnh mặt trước (phía Tây) với Nghi môn, đình An Cố,
Thái Thụy, Thái Bình
Sân đình
Sân đình An Cố lát gạch Bát Tràng. Sân đình không có đường
trục chính dẫn từ Nghi môn đến Tiền đường.
Bên ngoài sân đình, tại phía bên phải là một giếng cổ của
làng.
Giếng làng bên cạnh đình An Cố, Thái Thụy, Thái Bình
Đại đình
Đại đình An Cố có mặt bằng hình "chữ đinh" hay chữ
T, gồm Chính điện và Hậu cung. Chính điện nằm trên một bệ đá cao 3 bậc so với mặt
sân, dài 18m và rộng 12m.
Tòa Chính điện (hay Tiền đường) dài 25,4m, rộng 10m, gồm 7
gian, 2 dĩ; gian giữa rộng nhất khoảng 3,8m; 4 mái. Kết cấu đình kiểu chồng rường;
đường kính cột cái, cột quân đều từ 40-50cm. Các cột hiện nay phần lớn là các cột
từ thời dựng đình với 500 năm tuổi.
Phía trước và phía sau là hệ thống cửa gỗ. Tại 3 gian chính
giữa là hệ thống cửa bức bàn. Tương truyền, bộ cửa bức bàn này được chạm khắc
hoa văn công phu, song đã bị hư hỏng theo thời gian. Khi trùng tu, do thợ không
thể dựng lại được nền đành thay bằng bộ cửa trơn, không chạm khắc.
Hai đầu hồi đình xây gạch.
Nền của đình phẳng, được lát bằng gạch. Có thể hệ thống sàn
gỗ xưa đã hư hỏng, không được phục dựng lại.
Tòa Hậu cung (hay Hậu điện) 3 gian, đầu hồi bít đốc, 2 mái.
Mặt trước Chính điện, đình An Cố, Thái Thụy, Thái Bình
Hàng hiên Chính điện, đình An Cố, Thái Thụy, Thái Bình
Trang trí mặt trước Chính điện, đình An Cố, Thái Thụy, Thái
Bình
Hệ thống cửa bức bàn tại 3 gian giữa đình An Cố, Thái Thụy,
Thái Bình
Bên trong Chính điện, đình An Cố, Thái Thụy, Thái Bình
Ban thờ phía trước Hậu đường, đình An Cố, Thái Thụy, Thái
Bình
Kết cấu mái đình An Cố, Thái Thụy, Thái Bình
Nghệ thuật chạm khắc
Cũng tương tự như những ngôi đền nổi tiếng khác, các mảng chạm
khắc trong đình An Cố như hòa vào làm một với giải pháp kiến trúc. Trong đình
An Cố, các bức chạm được để mộc, nội dung không bao chùm các chủ đề thường có
trong các ngôi đình truyền thống về Cõi trần và cõi tiên; Tự nhiên, Cảnh lễ hội,
Đời sống thường nhật mà tập trung vào cảnh Tự nhiên. Tại đây có các hình ảnh Tứ
linh (Long, ly, quy, phượng), Tứ quý (Mai, Lan, Cúc, Trúc), hoa lá cách điệu.
Trong khoảng 56 mảng chạm khắc, rồng là linh vật được chạm
khắc nhiều nhất với khoảng trên 500 con, đủ các hình tượng quen thuộc trong các
ngôi đình: Đầu rồng, ổ rồng, long cuốn thủy…gắn với các trang trí mây hình đao
lửa. Hình tượng rồng được đặc biệt miêu tả tại hệ thống cửa võng 2 lớp tại phía
trước Hậu điện.
Tại đây còn có nhiều bức chạm về con nghê (ly hay lân), chim
phượng với đủ tư thế như chầu, bay, nhảy múa…
Ngoài ra, trong đình An Cố còn có các bức chạm miêu tả con vật
như hổ, khỉ, chuột đồng….
Trang trí cửa võng tại đình An Cố, Thái, Thái Bình
Chi tiết trang trí tại cửa võng, đình An Cố, Thái Thụy, Thái
Bình
Các bức chạm khắc trang trí trên kết cấu mái đình An Cố,
Thái Thụy, Thái Bình
Bức chạm "Ổ rồng', định An Cố, Thái Thụy, Thái Bình
Một bức chạm thể hiện rồng lớn, rồng nhỏ đối nghịch nhau. Rồng
và lửa là đề tài phổ biến được thể hiện trong điêu khắc hai triều Lê, Mạc. Đây
là thời kỳ mâu thuẫn chính quyền phong kiến Lê - Trịnh, Lê - Mạc tranh chấp quyền
lực lên tột đỉnh.
Hoa văn cầu kỳ trong phần gỗ dựng đình.
Đình An Cố còn lưu giữ được 13 đạo sắc phong, nhiều đồ thờ tự,
y phục tế lễ quý giá.
Trong kháng chiến chống Pháp, đình An Cố là cơ sở của bộ đội
Việt Nam.
Hội làng An Cố, Xã Thụy An, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
tổ chức vào ngày 15/11 hàng năm.
Đình An Cố, xã Thụy An, huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình là một
ngôi đình có quy mô hoành tráng nhất trong các ngôi đình ở Thái Bình, là một
trong những công trình kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu thời Hậu Lê, còn lưu giữ
được tại Thái Bình. Đình được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa Nghệ
thuật Quốc gia từ năm 1962.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN,
ĐHXD
Nguồn: Bộ môn KTCN, ĐHXD