Đình An Đông được xếp hạng di tích cấp tỉnh
Đình An Đông thờ ba vị Thành hoàng là các đức ông Phan Chí,
Phan Khí và Phan Minh, những danh tướng thời Hùng Vương.
Theo Thần tích - thần sắc làng An Đông Bình, vào thời Hùng
Vương thứ 18, gia đình ông Phan Tiệp cùng vợ là bà Nguyễn Thị Phúc, quê ở xã
Bảo Tháp có nghề làm thuốc đến sinh sống tại chùa thôn Cao Xá.
Ông bà là người đức độ nhân từ, sẵn có lòng thương người,
trong tay lại có nghề làm thuốc nên mỗi khi dân làng có ai yếu đau, ông bà đều
cứu chữa, nhiều người qua khỏi nên nhân dân trong vùng rất quý trọng.
Thời gian ở Cao Xá, ông bà sinh hạ ba người con trai, đặt
tên là Phan Chí, Phan Khí và Phan Minh. Các con lớn lên ông bà cho theo học thầy
giỏi ở làng Nhữ Thị. Ba anh em học hành chăm chỉ, tôn sư trọng đạo nên được thầy
quý, bạn yêu.
Đất nước có giặc xâm lăng, vua cho sứ giả đi kén chọn người
tài giỏi ra giúp nước đánh giặc. Từ biệt mẹ cha, làng xóm, ba anh em lên đường
ra trận. Chiến đấu dũng cảm, tài trí thông minh, ba anh em lập nhiều chiến công
và được phong thưởng.
Trong quá trình chiến đấu, hai người anh là Phan Chí, Phan
Khí đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường, còn người em Phan Minh đã chiến đấu đến
ngày toàn thắng, trở về quê hương Cao Xá phụng dưỡng mẹ già và mất tại đây.
Để truy tặng công lao của ba anh em, triều đình đã sắc chỉ tấn phong Phan Chí
(còn gọi là ông Cả) là Đệ nhất chí công, quản lĩnh tả đạo Đại tướng quân dũng
khí hầu; Phan Khí (còn gọi là ông Hai) là Đệ nhị chí công, quản lĩnh hữu đạo Đại
tướng quân kinh khí hầu; Phan Minh (còn gọi là ông Ba) là Đệ tam minh công, đề
giám sát hậu quân thông minh hầu. Giao cho ba địa phương lập đình thờ, ngàn năm
hương hỏa.
Hiện nay, đình còn lưu giữ nhiều cổ vật, di vật có giá trị về
mặt niên đại, nghệ thuật, khoa học gắn liền với di tích và khẳng định tầm vóc của
ngôi đình trong văn hóa làng xã cổ truyền.
Theo văn bia tại di tích, đình An Đông khởi dựng từ trước
năm Chiêu Thống thứ hai (1788), tọa lạc ở phía đông nam khu dân cư, có kim tinh
ứng chiếu, ngồi hướng quý (tây bắc), nhìn hướng đinh (đông nam), xa có gò cao,
gần có sông nước giao nhau hội tụ khí tốt. Tháng 11 năm Canh Ngọ 1810, bản xã
và dân chúng dốc sức hết lòng góp của, góp công tu tạo đình vũ cho khang trang,
báo đáp ân đức đối với ba vị linh thần.
Các cụ cao niên tại địa phương cho biết ngôi đình có kiến
trúc kiểu chữ đinh (J) gồm 7 gian đại bái và 3 gian hậu cung làm bằng gỗ tứ thiết.
Tòa đại bái bề thế, xây đao tàu déo góc, bộ mái xòe rộng bốn phía.
Bờ nóc không gắn phù điêu trang trí mà thay bằng những dải
hoa chanh. Hai đầu hồi có hai kìm nóc, đuôi cuộn tròn vắt lên trụ vuông, các đầu
đao uốn cong rồng chầu phượng mớm.
Phối hợp với bộ mái cao, dốc là phần hiên rộng bao quanh bó
vỉa bằng đá tạo một không gian đệm, ngăn cách giữa trong đình và ngoài sân. Nghệ
thuật trang trí kiến trúc cũng tập trung tại tòa nhà này trên các vì kèo, xà
nách, cốn, bảy hiên với các bức chạm bong kênh theo đề tài tứ linh, tứ quý, các
đầu dư chạm rồng ngậm ngọc.
Tòa hậu cung xây nối phía sau đại bái, tường hồi bít đốc.
Phía trước đình là một khoảng sân rộng, bên phải sân có ba gian nhà nhỏ.
Năm 1950, thực dân Pháp đóng bốt Nhữ Thị (cách làng An Đông khoảng 200 m), hai
sàn hồi tòa đại bái được tháo dỡ làm hầm trú ẩn cho người dân. Trong những năm
cuối của thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đình là địa điểm bộ đội
Lê Lợi của huyện Bình Giang và dân quân địa phương thường xuyên tập luyện, cũng
là nơi tập trung đi chiến đấu và làm hư hại hệ thống đường giao thông dọc quốc
lộ 5 để ngăn cản sự tiến quân của giặc.
Năm 1962, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, 7 gian
đại bái bị hạ giải hoàn toàn lấy nguyên vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi.
Năm 1967, ba gian hậu cung cũng bị xuống cấp và hư hại.
Năm 1997, bằng lòng hảo tâm công đức của người dân địa
phương ngôi đình được phục dựng lại để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng với quy mô
nhỏ và tới năm 2014 tôn tạo lại khang trang như hiện nay, kiến trúc kiểu chữ nhị
(=) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung.
Trải qua bao biến cố lịch sử, đình An Đông vẫn giữ được nhiều
hiện vật quý. Thần tích về ba vị thành hoàng trở thành niềm tự hào của nhân dân
địa phương. Hiện trong đình còn 2 bia đá, 16 đạo sắc phong, 1 bản in khắc gỗ
cùng hệ thống câu đối, đại tự, giá đài, hòm sắc, ngai, bài vị... và nhiều đồ tế
tự cổ khác có niên đại vào thời hậu Lê và thời Nguyễn. Năm 2016, đình An Đông
được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Để tưởng nhớ công lao của các vị thành hoàng, hằng năm, nhân dân mở hội vào
ngày 11 và 12 tháng giêng. Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của chính
quyền, nhân dân địa phương đã đóng góp hàng tỷ đồng trùng tu, xây dựng lại ngôi
đình và một số hạng mục phụ trợ tạo cho khuôn viên di tích ngày một khang
trang, trở thành điểm tham quan, chiêm bái của du khách gần xa.