Đình An Hòa, thuộc thôn An Hòa, xã Yên Hòa trước đây, nay là phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Đình thờ Bạch Hạc Tam Giang và vua Lý Thần Tông, đã có công tổ chức chống giặc ngoại xâm từ phương Nam.
An Hòa thời Nguyễn thuộc xã Yên Hòa, tổng Dịch Vọng, phủ Quốc
Oai, là một địa danh có nhiều di tích lịch sử văn hóa. Thời Lý thế kỷ 11, khu vực
này thuộc trung tâm Phật giáo lớn ở phía Tây kinh thành Thăng Long.
Nhiều quý tộc của triều Lý đã xây dựng dinh thự ở đây như:
Diên Thành Hầu, Sùng Hiền Hầu (Thân sinh ra vua Lý Thần Tông). An Hòa cũng nổi
tiếng là một làng văn hiến, khoa bảng với nhiều người đỗ đạt cao và giữ trọng
trách ở trong triều đình. Làng còn nổi danh về vẻ đẹp, về sự tài hoa của nghề
thủ công truyền thống, một trong tứ danh hương được truyền tụng trong lịch sử.
Dấu ấn lịch sử của làng An Hòa xưa được in đậm trong các di
tích lịch sử văn hóa của làng như: đình, đền, chùa, nhà thờ họ và hệ thống truyền
thuyết dân gian. Đình An Hòa là một di tích còn lưu giữ khá nguyên vẹn kiến
trúc, di vật cổ. Đình phụng thờ các vị phúc thần có công với đất nước và với
người dân làng An Hòa, thần Bạch Hạc Tam Giang và vua Lý Thần Tông.
Hai vị phúc thần gắn bó mật thiết với dân cư và làng xóm nơi
đây. Vua Lý Thần Tông có tên húy là Dương Hoán, cháu gọi Thánh Tôn bằng ông,
cháu gọi Nhân Tôn bằng bác, là con Sùng Hiền Hầu và phu nhân Đỗ Thị, vốn chào đời
ở đất An Hòa này.
Do có nhiều công đức với nước, với dân, Lý Thần Tông được
dân làng An Hòa phụng thờ làm thành hoàng làng, các vương triều sau ban tặng sắc
phong làm “Bảo hộ phương độ hiển tôn thành hoàng chi thần”. Đặc biệt đạo sắc
phong niên hiệu Khải Định còn lưu tại đình đã ghi rõ niên hiệu của thần “Dực bảo
Trung hưng Lý Thần Tôn hoàng đế”.
Đình tọa lạc trên một khu đất cao, rộng thoáng. Các nếp nhà
cổ ẩn mình dưới những cây cổ thụ tạo cho di tích một vẻ đẹp thâm nghiêm. Đình gồm
cổng nghi môn, sân, tòa kiến trúc chính kết cấu kiểu chữ công.
Tòa đại đình năm gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai,
mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Nội thất sáu hàng chân, các bộ
vì kèo đỡ mái kết cấu kiểu “giá chiêng kẻ chuyền”.
Nối đại đình với hậu cung là ba gian nhỏ của nhà cầu có kết
cấu gồm bốn bộ vì kèo kiểu “giá chiêng kẻ chuyền”. Tòa hậu cung ba gian xây kiểu
tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, vì kèo đỡ mái làm kiểu “giá chiêng kẻ chuyền”,
nhà xây trên nền cao hơn nền nhà đại đình 30cm.
Giá trị của đình An Hòa còn được thể hiện ở những di vật cổ.
Trước hết phải kể đến cuốn thần tích chữ Hán, 14 đạo sắc phong thần, trong đó sắc
sớm nhất có niên hiệu Cảnh Hưng 29 (1767), muộn nhất niên hiệu Khải Định 9
(1924).
Cùng với đó là một cỗ kiệu long đình sơn son thiếp vàng nghệ
thuật thế kỷ XIX, hai cỗ kiệu bát cống thời Nguyễn, hai cỗ long ngai bài vị chạm
rồng nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX. Đây là những tác phẩm nghệ thuật được trang
trí bằng nghệ thuật chạm thủng rất công phu, tinh xảo. Ngoài ra còn nhiều đại tự,
hoành phi, câu đối.
Nội dung của những chữ được thể hiện trên các di vật này đều
tập trung ca ngợi cảnh đẹp, đất thiêng, nơi ngôi đình tọa lạc, công trạng, đức
độ của các vị thần được thờ. Các bức đại tự khẳng định giá trị của đình như:
“thánh cung vạn tuế” (đức thánh muôn năm).
Còn các câu đối lại mang ý nghĩa ca ngợi cảnh đẹp của di
tích và công tích của thần. Đình An Hòa đã được Bộ VHTT xếp hạng di tích lịch sử
văn hóa cấp quốc gia năm 1996.
Đình An Hòa đã được tu bổ tôn tạo khang trang. Hiện nay di
tích là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn trong tuyến tham quan du lịch phía
tây Hà Nội, xuất phát điểm là đình, chùa An Hòa tiếp đến là đình, chùa Hà, đình
thôn Hậu và điểm dừng chân là chùa Thánh Chúa.
Đình An Hòa cũng nơi là nơi diễn ra hội làng An Hòa, lễ hội
này mang sắc thái của hội cư dân lúa nước được tổ chức từ mùng 10 đến 12 tháng
2 âm lịch. Trong lễ hội có nhiều hoạt động khác nhau đa dạng và phong phú.
Nghi lễ đáng lưu ý nhất là lễ rước kiệu thánh, giống như các
lễ hội vùng ven sông Hồng, rước nước mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa,
mùa màng bội thu. Cùng với đó là các trò chơi dân gian như cờ người, trọi gà,
hát thờ cửa đình…