Đình An Khoái ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) là nơi hiếm hoi thờ Vua Hùng ở Hải Dương. Ngôi đình mang nhiều nét cổ kính, giá trị lịch sử - văn hóa...
Đình An Khoái thờ phụng Vua Hùng ở Hải Dương
Giàu kiến trúc nghệ thuật
Ngoài thờ Vua Hùng, đình An Khoái còn thờ 3 vị thành hoàng
làng là Đào Đại Hùng, Võ Công Trực và Bùi Khán đều có công giúp nhà Hậu Lê.
Căn cứ vào quy mô, kiến trúc hiện tại, các nhà nghiên cứu
cho rằng công trình này có niên đại đầu thế kỷ 20. Đình An Khoái có kiến trúc
kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian đại bái, 3 gian hậu cung. Trải qua thời gian, ngôi
đình đã nhuốm màu rêu phong, phơi bày nét cổ kính.
Tòa đại bái đình An Khoái khá rộng rãi với quy mô kiểu thu hồi
bít đốc. Điểm nhấn của tòa đại bái là phần mộc gồm hệ thống giằng ngang và giằng
dọc được làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Cùng với hệ thống các vì kèo, tòa đại bái
còn lưu giữ khá nhiều mảng chạm khắc đạt trình độ nghệ thuật cao với các bức chạm
độc đáo như trúc hóa long, lá hóa long, lá hóa quy... ở các thanh bẩy.
Tại gian trung tâm, các xà nách được chạm các bức sóng nước
thủy ba, hoa sen, tứ linh. Ở các đầu dư chạm rồng cách điệu, bức cốn chạm đề
tài tứ linh, long quần, cúc hóa long, mai hóa long... Nét độc đáo trong các bức
chạm nằm ở sự giản dị từ cuộc sống đời thường của người nông dân Việt Nam. Từ
cành cúc, nhành mai, cây lá cũng có thể biến hóa thành con rồng, con phượng.
Tòa hậu cung đình An Khoái có kiến trúc kiểu "giá
chiêng". Tại đây còn lưu giữ nhiều bức chạm mang tính nghệ thuật như tứ
linh, tứ quý, triện tàu lá dắt, hổ phù ngậm chữ thọ... Vì kèo thứ nhất của tòa
hậu cung được tạo dựng công phu, vừa là tấm bình phong ngăn cách ước lệ giữa 2
tòa nhà, vừa là nơi bài trí đồ thờ tự gian trung tâm tòa đại bái. Đây là lối
sáng tạo trong tạo dựng các công trình tín ngưỡng truyền thống thời Nguyễn.
Các cụ cao niên trong thôn kể trước đây tại đình An Khoái
còn 2 dãy dải vũ phía bắc và phía nam, mỗi dãy 3 gian song song với hậu cung. 2
dãy dải vũ này đến nay chưa khôi phục được. Trước kia, di tích có nhiều cổ vật
quý, nhất là hệ thống bia ký, câu đối, đại tự, dụng cụ rước thần... Do chiến
tranh và thiên nhiên, những cổ vật đó đã bị mất hoặc hư hỏng.
Tuy nhiên, hiện di tích vẫn còn lưu giữ được một số đồ tế tự
có giá trị, điển hình là cuốn thư sơn son thếp vàng làm bằng gỗ được tạo vào
tháng 11 năm Kỷ Dậu (1909) có nội dung: "Đất Việt cương thổ rõ ràng, từ thời
Hồng Bàng trong sáng thiêng liêng. Công lao rạng ngời mở mang đất nước, khai
hóa dân sinh. Thuần phong mỹ tục, mãi mãi lưu truyền".
Ngoài ra, đình còn đang lưu giữ một bức đại tự, 2 khám thờ,
1 mâm đài, 3 cỗ ngai sơn, 1 long đình, 1 tam sơn, 1 cỗ kiệu bát cống, 1 bát
hương đồng, 1 quả chuông đồng, 9 đạo sắc phong...
Giữ gìn nét đẹp truyền thống
Đình An Khoái được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc
gia từ năm 2007. Thời gian qua, nhiều hạng mục trong đình bị xuống cấp. Năm
2017, chính quyền địa phương huy động các nguồn lực, vận động nhân dân trùng
tu, tôn tạo gian hậu cung, lợp lại mái ngói.
Những năm qua thôn An Khoái luôn quan tâm gìn giữ những nét
đẹp văn hóa truyền thống thông qua việc dâng hương vào ngày Giỗ Tổ và tổ chức lễ
hội hằng năm. Ngày Giỗ Tổ mùng 10.3, thôn không tổ chức lễ hội nhưng vẫn mở cửa
đình, dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước. Nhiều người dân
trong thôn, con em xa quê có lòng hướng về nguồn cội đều dâng bánh chưng, bánh
dày, hoa thơm, quả ngọt... vào ngày này.
Lễ hội đình An Khoái diễn ra từ ngày 20-23.3 âm lịch hằng
năm. Vào ngày này, dân làng tổ chức dâng hương, tế lễ và rước kiệu thành hoàng
xung quanh làng. Vui nhất là phần hội với nhiều hoạt động được thôn tổ chức như
đi cầu kiều, đấu vật, đập niêu, kéo co... Không chỉ người dân, con em xa quê mà
nhiều du khách thập phương cũng đến tham dự. Lễ hội được duy trì không chỉ góp
phần giáo dục truyền thống, giữ gìn nét đẹp văn hóa mà còn bồi đắp tình làng
nghĩa xóm, đoàn kết trong nhân dân để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp,
Việc lập đình thờ Vua Hùng và các vị thành hoàng cho thấy từ
xa xưa người dân thôn An Khoái đã luôn trân trọng cội nguồn dân tộc, lịch sử dựng
nước, giữ nước.
BÌNH MINH