Đình An Lạng, xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam thờ phụng tam vị Nam Hải Đại Vương, Liễu Ngư Đại Vương và Yến Hiệu Đại Vương, những thần tướng có công lớn chống giặc phương Bắc, chống thiên tai bão lũ triều đại Hùng Vương thứ 6
Đình An Lạng (trước đây gọi là An Lãng) thuộc thôn An Lạng,
xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đình là một trong những công trình kiến
trúc xây dựng lâu đời, mang đậm phong cách kiến trúc, nghệ thuật thời nhà Nguyễn.
Hiện nay, đình vẫn giữ được tương đối nguyên vẹn kiến trúc cổ và những mảng chạm
khắc dân gian có giá trị.
Công trình kiến trúc
Theo ghi chép để lại, đình An Lạng quay hướng Tây, tọa lạc ở
giữa thôn với khuôn viên di tích rộng 3316m². Vườn đình rộng với nhiều cây bóng
mát quanh năm, vừa tạo sự tôn nghiêm, vừa tạo
cảnh quan thoáng đãng, mát mẻ cho di tích. Khi bước chân vào khuôn viên,
đầu tiên sẽ bắt gặp nghi môn. Nghi môn gồm 4 cột đồng trụ: hai cột giữa tạo
thành 2 cổng chính, đăng đối 2 bên là 2 cột có kích thước nhỏ hơn và thấp hơn.
Từ nghi môn tới sân đình khoảng 27m. Sân đình rộng, lát gạch
Bát Tràng hình chữ Công. Phía trước đình An Lạng có bức bình phong cao 1m, hai
bên có hai cột cao 1,2m, mặt trước có nhấn vữa đôi câu đối ca ngợi công trạng
các vị thần được thờ. Bức bình phong này mang ý nghĩa chắn gió độc, tà khí.
Đình An Lạng có bố cục hình chữ Đinh, gồm 2 tòa: Tiền đường
và hậu cung, mang đậm phong cách thời Nguyễn. Tiền đường được xây dựng theo kiểu
tường hồi bít đốc, mái lợp ngói nam. Hậu cung được thiết kế cao hơn tiền đường,
dùng làm nơi thờ cúng, giao mái bắt vần với tiền đường tạo nên một không gian
khép kín liên hoàn.
Tiền đường gồm 5 gian với các gian kích thước không bằng
nhau. Trên giữa bờ nóc là mặt nhật, đăng đối hai bên bờ nóc là hai đầu kìm ngậm
chặt bờ nóc, chầu về phía mặt nhật. Bộ khung chịu lực của tòa tiền đường có 6 bộ
vì, các vì nóc thiết kế kiểu chồng rường giá chiêng.
Kết cấu vì nách theo kiểu bì ván mê, chạm nổi đề tài “tứ
linh", đan xen là hoa lá, mây cuộn, sóng nước,…Các hàng và cột mái đều được
làm bằng gỗ lim giá, chân cột kê chân tảng bằng đá xanh, cao 0,37m có cạnh dài
0,50m tạo cảng giác cổ bồng vững chãi.
Kiến trúc và đồ thờ phụng
Công trình kiến trúc
Để phù hợp với dáng vẻ bề thế của kiến trúc, các nghệ nhân
xưa rất chú trọng đến các mảng chạm khắc, từ ý tưởng sáng tạo và bàn tay khéo
léo các nghệ nhân, các thợ mộc của địa phương đã thể hiện các đề tài tứ linh, tứ
quý và đề tài đân gian tạo mọi nét hoa văn chạm khắc Rồng phượng sinh động và độc
đáo.
Ngoài các giá trị về kiến trúc, điêu khắc thì đình An Lạng
còn lưu giữ được nhiều đồ thờ cổ, quý hiếm đa dạng về loại và chất liệu tạo
tác, có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm phong cách thời Hậu Lê và thời Nguyễn.
Các vị nhân thần thờ phụng tại đền
Căn cứ vào tài liệu Hán văn và theo thần tích còn lưu giữ tại
di tích, đình An Lạng thờ tam vị đại vương gồm: Nam Hải Đại Vương, Liễu Ngư Đại
Vương và Yến Hiệu Đại Vương. Các vị đều là tướng có công lớn trong việc chống
giặc phương Bắc, chống lại thiên tai bão lũ dưới thời Hùng Vương thứ 6.
Tương truyền ba vị là con của ông Hùng Nhật Tuệ, làm quan ở
huyện Nam Xương. Hai vợ chồng ông tuy đã cao tuổi nhưng lại không có con.
Trong một lần đi lễ cầu tự ở chùa Long Đọi Tam, huyện Duy
Tiên, tỉnh Hà Nam, khi đi qua bến sông An Lãng, bà dừng thuyền xuống sông tắm.
Bỗng nhiên có một con giao long cuốn lấy người bà ba vòng, cơ thể bà tự nhiên tỏa
ra mùi thơm ngào ngạt.
Đêm hôm ấy, ông bà nằm mơ thấy có một người trên tay cầm chiếc
mâm vàng, trên mâm 3 ba con cá mình vẩy rồng đem đến trước mặt và bảo “Nhà
khanh vốn là người phúc hậu, nay có ba vị thủy thần do trời ban xuống, lại có
bài thơ để báo cho biết". bài thơ đó là:
“Nước sống An Lãng bến sông hề
Ba vị thủy thần hứa ban cho
Khác gì cá gặp nước, rồng gặp mây
Giống rồng rồi lại sinh ra rồng"
Đến mồng 10 tháng 7 năm Giáp Tý, bà Loan sinh ra một bọc ba
người con trai có tướng mạo rất lạ: đầu hổ, mặt rồng, màu tằm, hàm yến, trên
lưng lại có vẩy rồng giống như 28 vì sao. Ông Tuệ ngẫm lại giấc mộng, làm biểu
tấu lên nhà vua.
Cả ông và vua đều nghĩ đây đúng là thủy thần giáng thế, vua
liền đặt tên cho 3 ông lần lượt là ông Hải, ông Liễu và ông Hiệu, ban cho ba
ông bến An Lãng làm nơi ăn lộc và khi các ông hóa làm nơi thờ phụng. Ba ông
tính sẵn thông minh, không dạy mà biết, không học mà hay chữ, có tấm lòng độ lượng,
văn hay võ giỏi.
Mỗi khi các ông đi chơi thường có một đám mây tán lớn che
trên đầu các ông, dù mưa gió sấm chớp thì chỗ các ông đi vẫn tạnh, nhân dân ai
nhìn cũng nể sợ. Năm ấy, nước lụt dâng khắp thiên hạ, chính 3 ông là người tiêu
diệt giặc nước, trả lại cuộc sống bình an cho nhân dân, được vua phong thành
Nam Hải Đại Vương, Liễu Ngư Đại Vương và Yến Hiệu Đại Vương, trấn giữ các đầu
sông.
Không chỉ có thế, ba ông còn có công trong việc chống giặc
phương Bắc. Bấy giờ ở làng Phù Đổng có gia đình phú ông sinh được một người con
trai tên là Thiết Xung.
Tuy hay ăn chóng lớn nhưng lên ba tuổi vẫn không biết nói.
Mãi đến khi sứ thần nhà vua đi qua thì mới nói chuyện, bảo mẹ mời sứ giả vào và
xông pha đi đánh giặc.Vua biết tin thì mừng lắm, ban cho 10 vạn binh, ngày đêm
đúc ngựa, vũ khi cho Thần Vương, lệnh cho ba anh em ông Hải đem quân theo đường
thủy phụ chiến.
Hai bên đánh một trận lớn, quân Ân tan tác. Sau trận chiến
này cả Thần Vương và Ba ông hóa về trời. Nhân dân để tưởng nhớ công ơn của ba
ông, liền lập đền thờ phụng và tấu lên nhà vua. Vua nghe xong bèn phong thêm mĩ
tự: Thượng đẳng phúc thần, mãi trường tồn cùng đất nước.
Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng
Văn Lý là địa phương có truyền thống yêu nước, tinh thần chống
giặc ngoại xâm. Thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền và trong hai
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình An Lạng là cơ sở hoạt
động, địa điểm bí mật, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của địa phương.
Đình An Lạng giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh
thần của cộng đồng cư dân làng xã, trong đó chứa đựng sinh hoạt văn hóa, tín
ngưỡng cộng đồng. Việc tổ chức lễ hội hàng năm để tưởng nhớ tới công lao của
các vị thần được thờ là một truyền thống tốt đẹp mà ở thôn An Lạng từ lâu đã lệ
định gồm các ngày sau, tính theo âm lịch:
Ngày 10 tháng Giêng: ngày phong sắc của ba vị Đại Vương
Ngày 10 tháng 7: ngày của ba vị Đại Vương
Ngày 10 tháng 11: ngày kỵ của ba vị Đại Vương
Ngày 10 tháng Giêng và ngày 10 tháng 11 âm lịch hàng
năm dân làng dâng lễ Thành hoàng làng.
Riêng ngày 10 tháng 7, kỷ niệm ngày sinh của ba vị Thành hoàng, làng tổ chức lễ
hội chính.