Ngay từ thời Hùng Vương, đất nước ta đã sản sinh ra những danh tướng góp công lớn đánh tan quân xâm lược, giữ yên bờ cõi. Trong số đó, không ít nhân vật được ghi lại trong sử sách đến ngày nay, thể hiện tinh thần quật cường, anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, được nhân dân ngàn năm thờ phụng.
Đình An Vũ, phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên)
Tại Hưng Yên, xứ sở nhãn lồng có ngôi đình tĩnh mịch nằm ở
khu vực trung tâm thành phố Hưng Yên, thờ phụng một danh tướng của Vua Hùng là
Cao Sơn Đại Vương, được nhân dân truyền tụng là Thần Vàng.
Đó là đình An Vũ, phường Hiến Nam. Đình An Vũ được Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc
gia và là một trong 16 di tích trong khu Di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến.
Đình An Vũ tọa lạc trên một khu đất cao, thoáng, tương truyền
là thế đất hình chim Phượng Hoàng với khuôn viên rộng trên 3000m2, mặt tiền
quay hướng tây nam. Trước cửa đình là một sân rộng, xung quanh sân trồng nhãn tỏa
bóng xum xuê.
Theo thần phả, Cao Sơn Đại Vương người huyện Thanh Ba, tỉnh
Phú Thọ. Ông là danh tướng thời Vua Hùng Duệ Vương, có công phò giúp Vua Hùng
đánh thắng quân Thục xâm lược giành độc lập cho dân tộc.
Tương truyền, ông khôi ngô tuấn tú, có sức khoẻ hơn người, tự
đặt ra các môn võ nghệ, thường dùng tay không bắt cọp như bắt lợn con. Sau khi
mất, ông được dân làng An Vũ tôn làm thành hoàng của làng và xây đình để ngàn
năm thờ phụng.
Đình An Vũ xây dựng từ thời Lê (năm 1741) và được trùng tu,
tôn tạo vào thời Nguyễn (năm 1929). Hiện nay, đình An Vũ còn bảo lưu được nhiều
hiện vật, đồ thờ có giá trị như: Tượng Cao Sơn Đại Vương, đỉnh đồng, chuông đồng
và đặc biệt là 5 đạo sắc phong thời Nguyễn...
Nhìn bề ngoài, ngôi đình không có gì đặc biệt với hình dáng
kiến trúc hình chữ Đinh (giống chữ T), gồm đại bái và hậu cung, quy mô không lớn.
Tuy nhiên, khi bước vào bên trong đình, khách đến chiêm bái sẽ ngạc nhiên bởi
khác hẳn với kiến trúc bên ngoài, hệ thống cột, kèo, đầu dư đều được làm bằng gỗ,
chắc khỏe, chạm trổ công phu, tỉ mỉ các đề tài tứ linh (long, lân, quy, phụng),
tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) cách điệu, tinh xảo.
Đình An Vũ được đánh giá là di tích có kiến trúc tổng thể
còn tương đối đồng bộ, các mảng chạm khắc trang trí thời Lê đan xen thời Nguyễn
mang giá trị văn hóa, mỹ thuật cao. Kiến trúc tổng thể đình An Vũ gồm có toà đại
bái 5 gian, hậu cung 3 gian, với các cấu kiện được làm từ vật liệu gỗ. Tòa đại
bái 5 gian kiến trúc bộ vì theo kiểu giá chiêng chồng rường, bốn hàng chân cột
kết cấu phần mái được bố trí theo kiểu thượng tứ hạ ngũ.
Nổi bật về chạm khắc là gian trung tâm toà đại bái. Ở đây
các cấu kiện được chạm khắc với nhiều đề tài dân gian quen thuộc như hoa lá, rồng,
phượng. Những cột cái sơn son thếp vàng có vẽ rồng quấn được kê trên những chân
tảng bằng đá xanh tạc hình cổ bồng. Cũng tại gian trung tâm này có bức đại tự
được chạm khắc hoa lá ghi: “Thánh cung vạn tuế” (Thánh cung muôn năm), cùng đôi
câu đối ca ngợi công đức của Cao Sơn Đại Vương:
Muôn đời chăm lo giúp nước an dân, sáng vàng nhật nguyệt
Nghìn thu truyền tụng lòng trung trinh, lẫm liệt rạng với
non sông.
Tiếp nối toà Đại bái là ba gian hậu cung, có lối kiến trúc
theo kiểu con chồng đấu kê hai hàng chân cột, các khoảng hoành được bố trí theo
kiểu thượng tứ hạ ngũ. Các cấu kiện được chạm khắc bởi nhiều đề tài hoa văn cổ
truyền Việt như tứ linh, tứ quý... khiến không gian di tích vừa linh thiêng vừa
gần gũi, thân thuộc...
Những kết quả khai quật khảo cổ học trong thời gian qua tại
nhiều địa điểm khác nhau ở Hưng Yên đã phát hiện nhiều dấu tích gắn liền với sự
phát triển của nơi đây từ thời các Vua Hùng dựng nước tiếp nối tới ngày nay.
Đình An Vũ phụng thờ một vị danh tướng của Vua Hùng là một trong những minh chứng
sống động cho điều đó. Hơn nữa, nằm trong quần thể di tích Phố Hiến, đình An Vũ
còn là một bằng chứng về sự phồn thịnh của Phố Hiến một thời “tiểu Trang
An”.
Hằng năm, vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, đúng dịp giỗ Tổ
Hùng Vương, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công
lao vị danh tướng thời Hùng Vương. Đây cũng là dịp tri ân công lao của các bậc
tiền nhân đã có công đánh giặc cứu nước, đồng thời ôn lại quá khứ hào hùng của
cha ông ta trong buổi đầu đấu tranh dựng nước và giữ nước, cùng ôn lại và tự
hào về truyền thống con Lạc cháu Hồng.