Đình Bái Sanh thôn Bài Sanh, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là công trình tín ngưỡng văn hoá tiêu biểu của nhân dân địa phương từ xưa, nơi thờ Thành hoàng làng, đức thánh Cao Sơn Đại Vương.
Từ thành phố Bắc Giang theo đường quốc lộ 1A mới (Bắc
Giang-Hà Nội) đến Khu công nghiệp Đình Trám khoảng 11 km rẽ trái 4km theo đường
cấp phối liên thôn là đến di tích đình, chùa Bài Sanh. Thuộc thôn Bài Sanh, xã
Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Thôn Bài Sanh, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang
Đường đến di tích rất thuận lợi cho quý khách đến tham quan,
tìm hiểu, nghiên cứu bằng nhiều phương
tiện giao thông đường bộ.
Đình Bài Sanh nằm dưới sườn núi phía Tây của núi Bài (một
trong những dẫy núi thuộc dải Nham Biền hay núi Neo 99 ngọn). Đình ngoảnh về hướng
Nam (ghé Tây) dựa lưng vào núi. Ở hai phía tả hữu, hồi chếch góc đao đằng sau
là hai hồ ao nước nhỏ mà nhân dân trong thôn gọi là mắt rồng.
Đình Bài Sanh được khởi dựng từ thời Lê, gồm 3 gian hai
chái, do hai hiệp thợ cùng làm. Trải qua bao năm tháng, qua thiên tai địch hoạ
đến nay đình vẫn đứng vững trên đất cũ nền xưa. Công trình kiến trúc đã phải
trùng tu, sửa chữa nhiều lần vào thời Nguyễn và các giai đoạn sau này. Song vẫn
bảo lưu được nhiều tài liệu hiện vật quý.
Thời kỳ chống Mỹ, đình Bài Sanh còn là 1 trong những nơi chứa
vũ khí của cơ quan quân đội (Bộ Quốc phòng). Các di vật bên trong không còn nhiều
như những đình chùa khác, nhưng chúng cũng đủ để góp phần cho giá trị nội dung
của di tích này thêm phong phú: Đó là hệ thống bia đá, câu đối, đại tự, sự
tích, sắc phong và nhiều đồ thờ tự khác...
Đây là một công trình tín gưỡng văn hoá tiêu biểu của nhân
dân địa phương từ xưa để lại. Là nơi thờ Thành hoàng làng là đức thánh Cao Sơn
Đại Vương. Đức Cao Sơn quê ở Động Lăng Xương, huyện Thanh Châu, phủ Gia Hưng, đạo
Sơn Tây. Ông là con của hai cụ Nguyễn Hành và Đẩu Thị Loan, ông sinh ra là do bố
mẹ được báo mộng-người thần đầu thai.
Khi lớn lên ông rất thông minh võ nghệ, am hiểu thiên thư. Đất
nước có giặc ngoại xâm, vua Duệ Vương đã hạ chiếu đi khắp nơi tìm người tài giỏi,
đức hiền ra giúp nước. Ông liền về triều ứng tuyển và được trọng dụng ngay, ông
được Tản Viên Sơn Thanh phong làm tiền đạo thượng tướng quân.
Được nhân dân địa phương hết lòng giúp đỡ- thần nhân âm phù,
chẳng mấy thời gian Ngài đã làm xong, khi gặc Thục tới nơi liền bị quân tướng của
Ngài đánh cho tơi tả (sau đó phải cầu hoà với nhà Hùng). Giặc Thục bình xong,
ông trở lại tráng khi trước đã đóng luỹ đồn để báo đáp lòng dân. Xong xuôi ông
lại được lệnh hồi triều.
Rồi vua cho ông về ăn lộc ở Thanh Hoá và ở đó triều đình có
sắc phong cho ông làm Thượng Đẳng Phúc thần và sức cho các nơi mà khi trước đi
đánh giặc đã qua được dân trợ giúp phải lập nơi thờ phụng mãi mãi về đức thánh
Cao Sơn Đại Vương.
Những nét đặc sắc của đình:
Giá trị cơ bản của di tích là công trình kiến trúc nghệ thuật:
Nó được xây dựng sớm, cấu trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khăc điêu luyện. Công
trình kiến trúc đình Bài Sanh bao gồm hai hạng mục công trình là đại đình và hậu
cung. Mái đình trên bờ nóc không còn bờ dải hoa chanh và rồng chầu mặt nguyệt.
Bốn đao đình tạo dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển cho công trình kiến trúc cổ này.
Toà đại đình được kết cấu 3 gian, 2 chái. Kết cấu kiến trúc kiểu con chồng đấu
kê. Ba vì giữa, ở bụng hai phía câu đầu đều có các đầu dư gánh đỡ hài hoà, hình
đầu rồng bờm râu nét tua tủa, phần đuôi thò sang đầu cột đằng sau, gắn chặt hài
hoà với các cốn hạ.
Đình Bài Sanh là một di tích, một công trình kiến trúc cổ,
nghệ thuật kiến trúc mang tính chất truyền thống sâu sắc, tiêu biểu thuộc loại
hình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Nơi đây không chỉ là nơi phục vụ nhu cầu
sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân mà còn là nơi để nhân dân tổ chức hội hàng
năm.
Từ những giá trị cơ bản đó, có thể xác định Đình Bài Sanh là
một quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật cổ, quý giá, cần được bảo tồn, phát
huy giá trị bằng pháp luật của Nhà nước và sự quản lý sử dụng thường xuyên tu tạo
gìn giữ, bảo quản của chính quyền và nhân dân địa phương.
Năm 1995, Đình Bài Xanh được Bộ văn hoá Thông tin ra quyết định
công nhận là di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp Quốc gia (Quyết định số 2233 ngày
26 tháng 06 năm 1995).
Phòng Văn hóa và Thông tin - Sưu tầm biên soạn