Đình Bảo Tháp, thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh thờ phụng Thành hoàng là Doãn Công, danh tướng phò giúp Nhị vua Hai Bà Trưng đánh tan giặc Tô Định và Thái sư Lê Văn Thịnh.
Đình Bảo Tháp được xây dựng từ lâu đời, đến khoảng nửa đầu
thế kỷ XIX, đình được chuyển về vị trí ngày nay với quy mô to lớn hơn.
Theo Thần phả, sắc phong còn lưu giữ, đình thờ phụng là nhị
vị nhân thần là Doãn Công và Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh. Bản thần tích
do Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc thứ nhất, năm 1572, được
Vũ Cầu phụng sao ngày 2 tháng 2 năm 1850 cho biết: Đức thánh Doãn Công là danh
tướng của Hai Bà Trưng có công đánh giặc Tô Định nhà Đông Hán. Thánh được thờ tự
tại 53 địa điểm, Bảo Tháp là trung tâm vì đây là nơi ông chiêu mộ nghĩa binh, tập
kết lương thực vũ khí, thiết lập doanh trại để đánh giặc cứu nước.
Các triều đại sau này đều gia phong mỹ tự là “Thượng đẳng
phúc thần” muôn đời phụng thờ cúng tế. Các tiết hành lễ, phải cung thỉnh Đào
Nương Phu nhân phối hưởng.
Nghi môn đình Bảo Tháp.
Đình Bảo Tháp nằm ở trung tâm của làng, đình bao gồm có Nghi
môn, Sân đình và Đại đình.
Toà Đại đình.
Nghi môn xây kiểu truyền thống với Tứ trụ biểu, hai bên là cổng
nhỏ mái chồng diêm, trên đỉnh trụ biểu đắp trang trí trái dành cách điệu hình
phượng chụm đuôi và nghê chầu, thân trụ trang trí câu đối cổ đắp nổi.
Bờ nóc tòa Đại đình có đắp đôi rồng chầu mặt trời.
Đại đình có kiến trúc hình chữ đinh gồm Đại bái và Hậu cung.
Toà Đại bái được xây 3 gian 2 chái, 4 mái uốn cong đầu đao, bờ nóc trang trí lưỡng
long quán nhật.
Cửa vào tòa Đại đình.
Kết cấu ngôi đình được xây dựng trên bộ khung gỗ lim, vì nóc
có cấu trúc “thượng chồng rường giá chiêng, hạ cốn mê”.
Bàn thờ chính tòa Đại đình.
Hậu cung có 3 gian, cấu trúc các bộ vì kèo kiểu “kẻ truyền
giá chiêng”. Nghệ thuật trang trí chạm khắc đình tập trung tại những bức cốn, đầu
dư, con rường, bẩy hiên.
Các mảng chạm khắc trang trí trong đình mang phong cách nghệ
thuật thời Nguyễn, với các chủ đề tập trung vào tứ linh, tứ quý với trình độ
nghệ thuật đỉnh cao của các nghệ nhân dân gian.
Ngai thờ.
Bát hương cổ.
Sắc phong.
Hiện đình còn lưu giữ được những di vật lịch sử như: Sắc
phong các triều đại, ngai thờ, bài vị, sập thờ, đài, ống hương, mâm bồng, bát
hương, hệ thống bia “Hậu thần bi ký” khắc vào các năm 1785, 1813, 1849, 1893,
1916, 1926.
Giá văn.
Bài vị.
Ngựa gỗ.
Hội đình Bảo Tháp thuộc hội “Thập đình” được mở vào ngày mồng
6 tháng 2 âm lịch vào các năm Thân, Tý, Thìn, đây là hội chung của 10 đình thờ
thái sư Lê Văn Thịnh.
Đình làng Bảo Tháp đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn
hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 237 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc ninh, cấp ngày
20/2/2004.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh