Đình Bến là một minh chứng tiêu biểu cho vùng đất Tế Giang xưa vốn từng là một trung tâm quyền lực thời 12 sứ quân. Do có công cai quản và lập ấp ở địa phương, giúp dân mở mang phát triển kinh tế trong thời loạn, tướng Lã Đường được lập đền thờ ở đình Bến, xã Phụng Công.
Người Phụng Công thường gọi chệch từ "đường" thành
"đàng" để khỏi phạm húy và khi cúng thành hoàng làng thường có con
heo không có đầu do sự tích ông bị tướng Chu Công Mẫn chém đầu.
Lã Đường hay Lữ Đường là một sứ quân trong thời 12
sứ quân cuối triều nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam, cát cứ
vùng Tế Giang tức Văn Giang ngày nay. Lã Đường vốn là một thổ hào địa phương ở
vùng Tế Giang.
Thời bấy giờ, nơi đây đất bùn lầy rất nhiều, quanh co, địa
thế hiểm yếu. Khi nhà Ngô suy yếu, không còn khả năng kiểm soát địa phương, Lã
Đường tự chiêu mộ và xây dựng lực lượng cát cứ, dựa vào địa thế hiểm yếu để cố
thủ.
Đầu năm 968, vua Đinh Bộ Lĩnh chuyển quân về Siêu Loại,
Thuận Thành, cho Đinh Liễn và Nguyễn Bặc đem ba ngàn quân
tiến đánh quân Lã Đường. Lã Đường chủ trương tản quân, đóng giữ chỗ hiểm yếu.
Khi quân Hoa Lư đi đông thì tránh mà đi lẻ là chặn đánh, diệt một vài
lính, rồi lại bỏ chạy.
Nguyễn Bặc bày kế cho quân Hoa Lư tập trung,
tập kích quân lương tiếp vận của quân Lã Đường. Trong vòng 7 ngày, vòng
đai phòng thủ bên ngoài của quân Lã Đường bị tiêu diệt hoàn
toàn, Đinh Liễn, Nguyễn Bặc, Chu Công Mẫn đánh sâu vào trung tâm, bắt
được Lã Đường, chém chết, thu phục hoàn toàn đất Tế Giang.
Theo thần tích đình Thắm, làng Đan Nhiễm, thị trấn Văn Giang
thì Lã Tá Đường bị tướng Chu Công Mẫn đánh bại, Lã Tá Đường bị chém,
đầu mang về thành Hoa Lư. Chu Công Mẫn là người làng Đan Nhiễm, nên xưa
dân 2 làng Phụng Công và Đan Nhiễm thường có hiềm khích với nhau. Gần đình Bến
có đình Phi Liệt cũng thờ Lã Đường và đình Phù Liệt thờ Đinh
Tiên Hoàng.