Đình Bì Châu (Hạ Bì Châu), xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, thờ phụng thành hoàng làng là ông Hà Công Hoàng, một trong 3 anh em đã khởi binh chống lại vua Triệu Vũ Đế (Triệu Đà).
Theo truyền thuyết còn lưu truyền cho đến ngày nay, thời An
Dương Vương ở Châu Tự Long, xứ Tuyên Quang có đôi vợ chồng là Hà Công Sung và
Đào Thị Quyền sống rất hòa thuận, đức hạnh, không nửa ý hại người, không ham điều
lợi dù chỉ bằng sợi tơ, sợi tóc. Song chỉ hiềm một nỗi, ông bà đã đến tuổi tri
thiên tuế mà vẫn chưa có con.
Một hôm hai vợ chồng ông lên chùa Thiên Quang trên núi Đảo
Lĩnh làm lễ cầu khấn với đất trời, thành thần, sông núi minh xét cho gia cảnh,
phù hộ độ trì để ông bà thỏa lòng ao ước có được người con để sau này hương hỏa,
trông giữ gia thất. Sau đó bà Đào Thị có thai, sau 16 tháng mang thai, vào giờ
tý ngày 7 tháng giêng năm Giáp Dần bà sinh hạ một bọc 3 người con trai đặt tên
là Hà Công Tính, Hà Công Quang và Hà Công Hoàng, tướng mạo khôi ngô tuấn tú.
Năm 19 tuổi, ông Sung qua đời, ba người con bàn với mẹ thu xếp
gia đình khăn gói tìm nơi khác cư ngụ; khi đi đến trang Xuân Dương huyện Bất Bạt,
phủ Đà Giang thấy phong cảnh đẹp, thế đất tựa con phượng xòe cánh bay lên, bên
tả có Thanh Long, bên hữu có Bạch Hổ chầu vào. Ba ông liền dừng lại làm nhà,
đào giếng rồi cùng mẹ sinh sống, dạy dân trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm. Thấy
ba ông là những người thông minh, đức độ nên nhân dân trang Xuân Dương đã hết
lòng giúp đỡ.
Khi các con ổn định cuộc sống và trưởng thành, bà Đào Thị đã
đến chùa Sơn Quang thuộc xã Thượng Nông huyện Tam Nông để đèn nhang trông coi cửa
phật, tích đức làm việc thiện. Một năm sau, ngày 01/5 năm Mậu Tuất bà Đào Thị về
canh Xuân Dương thăm các con rồi hóa tại đây, sau khi làm lễ mai táng mẹ tại giếng
người con thứ hai đã về trang Hạ Bì Thượng, người con út về trang Hạ Bì Châu
sinh sống, người con cả ở lại Trang Xuân Dương đèn nhang, hương hỏa.
Khi Triệu Đà lên ngôi hoàng đế đã tìm cách chiêu dụ các tướng
lĩnh của Thục Vương và sai sứ giả đến chiêu dụ ba ông. Các ông liền nói rằng:
“Bề tôi trung không thờ hai chủ, sao Vua các ngươi lại giám dụ dỗ bọn ta” Triệu
Đà nghe vây nổi giận liền cho quân đến đánh, ba ông chiêu mộ quân binh đánh trẻ,
hai bên đánh nhau vài chục trận mà vẫn không phân thắng bại; rồi vào một ngày,
Triệu Đà đem quân vây kín bốn hướng, biết là điềm trời đã báo, ba ông cùng nhảy
xuống giếng để hóa, hôm đó là ngày 1/5.
Như vậy đình Bì Châu (Hạ Bì Châu) thờ người con út là Hà
Công Hoàng. Thần tích một lần nữa cho thấy Chùa Thiên Quang ở Nghĩa Lĩnh còn gọi
là Đảo Lĩnh đã có từ thời An Dương Vương. Khu vực này cũng có nhiều sự tích
giao tranh Thục (Tần) và Triệu).
Vì đây thuộc khu vực thờ Thánh Tản nên bên tiền tế vẫn có
ban với hoành phi Tản Viên Sơn Thánh.