Đình Bình Kiều hiện nay thuộc địa bàn tổ dân phố Bình Kiều 1, phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng, là nơi thờ phụng Đức Vương Ngô Quyền
Theo các cụ cao niên kể lại, vùng đất này xưa kia được gọi
theo tên nôm là “Quàn Thượng”, còn tên gọi Bình Kiều chính thức có từ bao giờ
cho đến nay chưa có câu trả lời chính thức.
Lần theo các tài liệu, di vật còn để lại, đặc biệt là căn cứ
nội dung trong văn bia tại chùa Bình Kiều (Linh Quang Tự) có ghi “Bình Kiều
thôn, Hạ Đoạn tổng, Kiến Thụy phủ, Hải Dương tỉnh” tấm bia này được xác định là
niên đại Tự Đức thứ 27 (1874).
Nói đến tổng Hạ Đoạn, lịch sử triều Nguyễn có ghi tổng Hạ Đoạn
xưa kia bao gồm: Hạ Đoạn, Bình Kiều, Đoạn Xá, Phú Xá, Vạn Mỹ, Vĩnh Lưu, Thượng
Đoạn. Đến năm 1951 thôn Bình Hải được sát nhập vào xã Đông Hải, sau đó thôn Vạn
Mỹ và Bình Hải thuộc về quận Ngô Quyền.
Năm 2003, quận Hải An được thành lập, năm 2007 phường Đông Hải
được tách ra thành hai phường: Đông Hải 1 và Đông Hải 2 và đình Bình Kiều hiện
nay thuộc địa bàn phường Đông Hải 2.
Đình Bình Kiều thời xưa bố cục theo chữ Đinh truyền thống,
Đình quay về hướng Tây Nam. Gồm 7 gian tiền Tế, 3 gian Hậu Cung, 7 gian tiền Tế
chia làm 2 phần, 3 gian giữa là nơi dân làng làm Lễ, mỗi bên 2 gian là sàn gỗ
Lim để dân làng hội họp và mở tiệc. Phía ngoài sân Đình có 6 gian giải vũ chia
đều 2 bên.
Toàn bộ khuôn viên Đình là 01 mẫu 03 sào, sân Đình rộng ở giữa
là sân Tế, hai bên để nhân dân đứng dự lễ. Đình Bình Kiều được trùng tu vào năm
Duy Tân (1915). Hiện tấm bia ở Đình còn ghi công đức của những người tham gia
trong việc trùng tu đình.
Năm 1968 khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc,
với tinh thần tất cả cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, nhân dân Bình Kiều
đã chuyển toàn bộ đồ thờ gửi nhờ Đền Phú Xá, để nhường lại toàn bộ ngôi Đình
làm kho chứa vũ khí.
Đến năm 1978 do nhu cầu phát triển của địa phương, ngôi Đình
Bình Kiều được dỡ đi để xây dựng Hội trường và nơi làm việc của Ủy ban nhân dân
xã Đông Hải (nay là Ủy ban nhân dân phường Đông Hải 2).
Năm 2015, Đình Bình Kiều đã được xây dựng lại trên khuôn
viên của đất Văn Chỉ làng Bình Kiều bằng nguồn công đức của nhân dân cùng quý
khách thập phương. Nhân dân Bình Kiều (nay là các Tổ dân phố Bình Kiều 1, Bình
Kiều 2 và Vườn Dừa) vẫn lấy Đình làng là nơi sinh hoạt tâm linh và văn hoá cộng
đồng của nhiều thế hệ.
Đình Bình Kiều sau khi tu sửa gồm 3 gian tiền tế và 2 gian hậu
cung; sân lát gạch đỏ Giếng Đáy, mái lợp ngói mũi.
Qua nghi môn vào sân đình, sân lát gạch đỏ Giếng Đáy. Phía
trước sân, chiếu theo trục thần đạo là đôi voi phục nằm chầu; chính giữa là bức
cuốn thư lớn đắp bằng xi măng cát tạo thành bức bình phong. Từ vị trí giữa sân
quan sát: Ngay trước cửa bái đường đặt một lư hương lớn bằng đồng; hướng lên
trên là kiến trúc mái đình: mái đình lợp ngói mũi, chính giữa bờ nóc đắp lưỡng
long chầu nguyệt; hai đầu bờ nóc đắp đôi kìm ngậm bờ nóc.
Tòa đại đình xây theo
kiểu “tường hồi bít đốc, đấu trụ hồi văn, tay ngai trụ biểu”; trụ biểu và bậc
thềm tam cấp được làm bằng vật liệu đá xanh. Đại đình lắp 3 bộ cửa bức bàn, ván
bức bàn chạm nổi hoa lá thiêng đề tài “tứ quý”. Kết cấu bộ khung chịu lực tòa đại
đình gồm 4 bộ vì bằng chất liệu bê tông cốt thép. Kết cấu vì nóc kiểu chồng rường
giá chiêng truyền thống, vì nách kiểu thuận chồng 3 con. Các con rường đều kê
trên những đấu sen thót đáy. Trang trí vì nóc và vì nách theo đề tài hoa lá
thiêng.
Thiết chế và cách bài trí đồ thờ tự tại tòa đại đình: chính
giữa đặt nhang án công đồng, hai bên nhang án đặt đôi ngựa thờ (hồng mã và bạch
mã) bằng gỗ; bên tả và nhang án thờ Hậu thần; bên hữu đặt nhang án thờ các anh
hùng liệt sĩ.
Tại hậu cung, chính giữa đặt khám thờ thần tượng Đức Ngô
Vương, hai bên tả hữu đặt long ngai, bài vị thờ hai vị tướng thân tín Ngô Xương
Ngập (là con) và Ngô Xương Xí (là cháu) của Ngài.
Trải qua các triều đại phong kiến, Đình Bình Kiều đã được nhận
48 sắc phong, sắc chỉ và lưu giữ được những đồ thờ quý hiếm như: 01 đôi chóe gốm;
02 chén gỗ; 03 chén ngọc màu trắng đục; 01 bát hương; kiệu bát cống một bộ; 01
bức đại tự; 01 đôi câu đối; 01 quyển văn tế chữ Hán. Toàn bộ số hiện vật trên đều
có niên đại thời Nguyễn thế kỷ 19 và được bảo tồn khá nguyên vẹn đến ngày nay.
Tượng thành hoàng Ngô Vương Thiên Từ: Tượng chất liệu gỗ, tạc
kiểu tượng tròn; kích thước gần bằng người thực; hai tay đặt tự nhiên trên gối,
mặt vuông chữ điền, mắt nhìn thẳng; lông mày lưỡi mác, râu ba chòm, thần thái
uy nghi trong tư thế thiết triều.
Năm 2019, Đình Bình Kiều đã được cấp bằng công nhận di tích
lịch sử văn hóa cấp thành phố.
Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng