Đình Bình Sơn (cách chùa - tháp Bình Sơn khoảng hơn 1km) thuộc làng Bình Sơn, xã Tam Sơn nay là tổ dân phố Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, thờ phụng Đức Thánh Ông Minh Lang Đại vương (Quý Minh Đại vương) và Đức Thánh Bà Ả Nương nương thời hùng vương thứ 18.
Làng Bình Sơn trước đây là một trong 13 làng thuộc tổng Đạo
Kỷ, huyện Lập Thạch, gồm: Đạo Kỷ, Như Sơn, Lạc Sơn, Bình Sơn, Sơn Cầu, Thụy
Sơn, Thụy Điền, Đồng Thị, Man Thạch, Cẩm Bình, Quế Nham, Quế Trạo, Ân Hộ. Đạo Kỷ là một tổng có diện tích lớn trong thời
gian đó; nay thuộc 5 xã và 01 thị trấn là: Nhạo Sơn, Như Thụy, Tân Lập, Đồng Quế
và thị trấn Tam Sơn.
Thị trấn Tam Sơn ngày nay được hình thành bởi các làng cổ:
Bình Sơn, Bình Lạc, Lạc Kiều và Sơn Cầu. Là thị trấn huyện lỵ huyện Sông Lô,
Tam Sơn có diện tích tự nhiên 376,4 ha, dân số trên 4.000 người. Phía Đông, Tam
Sơn giáp xã Nhạo Sơn; phía Tây, Tam Sơn giáp dòng sông Lô, phía Nam giáp xã Như
Thụy, phía Bắc giáp xã Đồng Quế và xã Phương Khoan, đều cùng huyện Sông Lô.
Theo tài liệu Xã chí làng Bình Sơn hiện đang lưu trữ tại Viện
Nghiên cứu Hán Nôm do chức dịch làng Bình Sơn kê khai tại mục 2 (Thần sắc) thì
đình Bình Sơn thờ Nhị vị đại vương là Đức Thánh Ông Minh Lang Đại vương và Đức
Thánh Bà Ả Nương nương được các triều đại phong kiến gia phong thần.
Về lịch sử, hành trạng của vị thần Minh Lang và Thánh Bà hiện
nay chưa được xác minh rõ, chỉ còn sự tích tương truyền trong nhân dân địa
phương là hai ông bà sống vào thời Hùng Vương đã có công dạy dân làm nông nghiệp
và lập làng, mở đất vùng Bình Sơn.
Theo truyền, vị thánh Minh Lang là khảo dị của thánh Quý
Minh Đại Vương (cùng với Cao Sơn là một trong hai bộ tướng, em họ của Tản Viên
Sơn Thánh) được dân gian truyền tụng là người có công dạy dân làm nông nghiệp
(ba ông được coi là tổ nghề nông) và được thờ ở rất nhiều địa phương thuộc vùng
đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Về lịch sử, hành trạng của Qúy Minh Đại vương được
sưu tầm, khảo cứu như sau:
Thời Hùng Duệ Vương, ở động Lăng Xương, phủ Gia Hưng, đạo
Sơn Tây có người tên là Nguyễn Xương, lấy vợ cùng quê tên là Lưu Thị Hạnh. Hai
vợ chồng chăm chỉ làm ăn nên chẳng mấy chốc mà giàu có, lại có lòng nhân đức,
phúc hậu, luôn làm việc thiện, không làm phật lòng ai bao giờ. Mọi người trong
vùng ai nấy đều hết lòng ngợi khen và quý mến. Tuy nhiên đến năm ông Xương
ngoài 60 tuổi, bà Hạnh cũng đã quá 50 tuổi mà hai vợ chồng vẫn chưa có người
con nào, họ rất lấy làm buồn phiền.
Một ngày nọ, nhân lúc tiết trời xuân ấm áp, thanh nhàn, ông
Xương cùng người anh là Nguyễn Cao mang theo gia quyến lên núi Tản Lĩnh (núi Ba
Vì) nổi tiếng là nơi thắng tích linh thiêng để du xuân, ngắm cảnh. Đoàn người
đi tới chân núi, bỗng một ông lão râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc xuất hiện,
vừa đi, vừa hát.
Lấy làm lạ, hai anh em ông Nguyễn Xương thầm bảo nhau rằng:
“Cụ già này nếu không phải là thần tiên trên trời thì nhất định là thần núi Tản
Viên, chứ quyết không thể là người trần được”. Hai anh em cùng bước tới chắp
tay vái lạy: “Chúng con sinh ra ở cõi trần, nay của cải không thiếu, hiềm một nỗi
tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi. Nay may mắn được gặp tiên ông, dám xin tiên
ông mở lòng từ bi ban cho đặc ân, anh em chúng con xin được đội ơn”.
Ông lão cả cười mà rằng: “Ta không phải là tiên cũng chẳng
phải là thánh, chỉ là người nhàn tản ngoài kiếp tam sinh mà thôi. Nay các ngươi
gặp ta ở đây cũng là có phúc lớn vậy. Ta vừa tìm thấy một khoảnh đất ở sườn núi
rất đẹp, thế long chầu hổ phục, lại tụ thuỷ sinh phúc, nếu ai táng mộ ở đó ắt
sinh ra thánh nhân. Các ngươi hãy về thu gom hài cốt tổ tiên, ngày mai đến đây
ta sẽ giúp cho”.
Hai anh em Nguyễn Xương rất mừng bèn trở về nhà và làm theo
ông lão dặn, sau đó lại đem của cải ban phát cho mọi người, giúp nghèo cứu khổ.
Quả nhiên chưa đầy 2 năm sau, vợ của hai ông đều mang thai.
Đến kỳ sinh nở, vợ ông Nguyễn Cao sinh được một người con
trai đặt tên là Nguyễn Tuấn, vợ ông Nguyễn Xương sinh hạ được một bọc hai người
con đặt tên là Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiển. Cả ba cậu bé đều có tướng mạo khôi
ngô, tuấn tú, gia đình họ đều mừng vui khôn xiết.
Thời gian trôi đi, ba cậu bé đều khôn lớn, hiểu rộng tài
cao, thông tỏ mọi thứ. Bỗng đến năm ba cậu tròn 14 tuổi, cha mẹ các cậu không bệnh
mà nối tiếp nhau qua đời trong vòng chưa đầy một năm. Nguyễn Tuấn, Nguyễn Sùng
và Nguyễn Hiển chọn nơi đất tốt làm lễ an táng cha mẹ, cả ba người cùng nhau
lên núi Tản Lĩnh xin làm con nuôi của thần nữ họ Ma.
Nguyễn Tuấn còn được thần Thái Bạch cho một cây gậy thần và
được vua Thuỷ Tề cho một cuốn sách ước. Ba anh em cùng nhau dùng cuốn sách thần
và cây gậy ước cứu giúp dân chúng khắp nơi nên được người người mến mộ, tôn
kính gọi là Sơn thần. Khi thần nữ họ Ma qua đời, bà truyền cả gia tài cho Nguyễn
Tuấn. Nguyễn Tuấn (hiệu là Tản Viên Sơn Thánh) liền chia phần bên tả núi Tản
giao cho Nguyễn Sùng, phong là Tả kiên thần; bên hữu núi Tản giao cho Nguyễn Hiền
và phong cho làm Hữu kiên thần.
Lúc bấy giờ, Hùng Duệ Vương không may chẳng có người con
trai nào nối dõi cơ nghiệp, chỉ có hai cô công chúa là Tiên Dung và Mỵ Nương.
Công chúa Tiên Dung thì đã theo Chử Đồng Tử, chỉ còn Mỵ Nương là vẫn chưa kết
duyên cùng ai. Vua bèn cho dựng lầu kén rể ở Việt Trì rồi xuống chiếu truyền
cho thiên hạ khắp nơi ai là người tài giỏi, văn võ song toàn sẽ được vua gả
công chúa và truyền ngôi báu. Các bậc hiền tài nô nức ứng thí, trong đó có Sơn
Thánh và hai em là Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiển.
Thấy Sơn Thánh là bậc kỳ tài đệ nhất thiên hạ vua liền đồng
ý gả công chúa Mỵ Nương cho. Sơn Thánh đón Mỵ Nương về động trong núi Tản Lĩnh,
để hai em ở lại giúp vua việc nước.
Nhà vua sau khi thử
tài thấy hai ông đối đáp trơn tru, võ nghệ tinh thông, biết đây là bậc hiền tài
tuấn kiệt, liền phong cho Nguyễn Sùng là Tả đô tài, Nguyễn Hiển là Trung thư lệnh.
Hai ông một lòng giúp vua cai trị đất nước làm cho xã tắc yên bình, muôn dân no
đủ.
Quãng thời gian đó, người em út là Nguyễn Hiển mỗi khi nhàn
rỗi thường ngao du sơn thuỷ tới vùng núi bên kia sông (tức vùng đất Lập Thạch
ngày nay). Tới đâu ông đều giúp dân tổ chức cuộc sống, dạy dân cày cấy, chăn nuôi,
đánh cá… gây dựng nếp sống thuần phong mỹ tục. Nhờ ơn đức của ông mà vùng này dần
trở nên đông đúc, trù phú, sầm uất. Nhân dân khắp vùng truyền đời ghi nhớ.
Khi ấy có người dòng dõi ngoại tộc họ Hùng tên là Thục Phán
- bộ chủ bộ Ai Lao, nghe tin Hùng Duệ Vương muốn truyền ngôi cho con rể liền
đem binh tiến đánh. Nhận tin cấp báo từ biên ải, Hùng Duệ Vương lập tức cho hội
triều để bàn kế sách dẹp giặc. Vua phong cho Tản Viên Sơn Thánh làm Ngũ Đạo Đại
tướng quân, lĩnh ấn Nguyên soái, thống lĩnh ba quân; phong cho Nguyễn Sùng là Tả
tướng, Nguyễn Hiển làm Tham tán.
Ba ông lập tức dẫn quân lên đường và nhanh chóng dẹp tan
quân giặc, giành lại bình yên cho xã tắc. Dân chúng lại được yên hưởng thái
bình. Vua Hùng Duệ Vương xét công trạng mà ban cho hai ông được hưởng thực ấp ở
đạo Sơn Tây (tức là vùng Sơn Tây, Ba Vì của Hà Nội ngày nay).
Một hôm, Nguyễn Hiển xa giá về thăm lại vùng đất Bình Sơn, Lập
Thạch xưa, thấy cảnh xóm làng bình yên, mây khói hoà quyện trong cây trong núi
tựa chốn tiên cảnh. Tức cảnh sinh tình, ông ứng khẩu ngâm một bài thơ vịnh khen
thế đất rồng chầu hổ phục, nước chảy hiền hoà, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình.
Ngâm xong thơ bỗng có tiếng thét vang trời, không gian bỗng
chốc tối sầm, mây ngũ sắc bao phủ vòng quanh, bách thú chầu phục, ông Nguyễn Hiển
cưỡi trên lưng hổ trắng từ từ bay lên không trung và biến mất.
Nhận được tin, Hùng Duệ Vương vô cùng thương tiếc, liền sắc
phong cho ông là Quý Minh Hiển linh Đại vương rồi truyền cho dân các làng, các ấp
nơi nào ngài đã từng qua lại đều được lập đình, miếu để thờ phụng.
Nhà vua còn cho ban phát tiền bạc, ruộng vườn cho những làng
có đình, miếu thờ Ngài để hương khói phụng thờ vĩnh viễn. Từ đó về sau, trải
qua các triều vua, mỗi khi có giặc ngoại xâm, thần đều hiển linh phù giúp, công
đức khôn xiết.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đình Bình Sơn đã nhường
cho Viện Quân y 108 làm nơi sơ tán, cứu chữa thương binh, làm kho muối phục vụ chiến dịch Tây Bắc. Sau
đó đình làng còn là nơi tổ chức các lớp học văn hóa; làm nhà kho của hợp tác xã
nông nhiệp và là hội trường của xã Tam Sơn trong thời gian dài.
Theo tài liệu “Xã chí làng Bình Sơn” hiện đang lưu trữ tại
Viện Nghiên cứu Hán Nôm do chức dịch làng Bình Sơn kê khai tại mục 6 (Đình) thì
đình Bình Sơn có dòng chữ Hán ghi trên thượng lương như sau:
“ 嘉隆十四年貳月初七日良辰起工大木旺”
Gia Long thập tứ niên nhị nguyệt sơ thất nhật lương thần khởi
công đại mộc vượng.
Có nghĩa là: Đình Bình Sơn được khởi công xây dựng giờ tốt
sáng ngày mồng Bảy tháng Hai năm Gia Long thứ 14 (1815).
Đình Bình Sơn lúc đó có kiến trúc hình chữ Đinh (丁)
với vật liệu chính là gỗ lim. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đình
xưa đã bị phá hủy hoàn toàn. Đến năm 2005, Nhân dân địa phương đã hưng công,
góp của phục dựng lại ngôi đình trên nền đất cũ với kiến trúc như ngày nay.
Đình Bình Sơn tọa lạc trên một gò đất cao, có tên là Gò Đình
ở trung tâm làng Bình Sơn. Trong trí nhớ người cao tuổi của làng về ngôi đình
xưa thì: Từ xa nhìn lại đã thấy trụ biểu của nghi môn đình cao vút.
Hai trụ chính tạo ra không gian của cổng chính, còn trụ
chính kết hợp với hai trụ nhỏ tạo thành không gian của cổng phụ. Tiếp nối giữa
cổng chính và cổng phụ là hai cánh phong được đắp phù điêu tượng hai võ tướng đứng
oai nghiêm, mình mặc chiến bào, tay cầm đao.
Đình Bình Sơn có mặt bằng kiến trúc hình “Chữ Đinh”. Đại
đình với diện tích 80m2 được chia thành 5 gian, được hình thành trên hệ thống cột
gỗ có đường kính chân cột là 30cm.
Bộ vì kèo gỗ lim kết cấu kiểu chồng rường, giá chiêng. Hậu
cung đình 3 gian kết nối với gian chính điện của đại đình. Vì kèo cũng kiểu chồng
rường, giá.
Các đồ thờ tự trong đình Bình Sơn hiện mới đưa vào sử dụng,
bao gồm:
Hai ngai thờ, Hai hương án, Một bức hoành phi khảm chữ 聖
躬
萬
歲 (Thánh
cung vạn tuế). Một câu đối, kích thước: 217cm x 38cm, khảm chữ:
保 護 群 生 功 果 大
安 平 邑 里 德 流 光.
Phiên âm:
“Bảo hộ quần sinh công quả đại,
An bình ấp lý đức lưu
quang.”
Nghĩa là:
“Giúp đỡ muôn dân công thật lớn
Yên bình thôn ấp đức sáng soi”.
Theo thần phả và hương ước của làng lưu tại Viện Hán Nôm thì
hằng năm, dân làng Bình Sơn có các lễ tiệc sau:
- Ngày 15 tháng Giêng là tiệc khai xuân.
- Ngày 15 tháng Năm là tiệc tịch điền.
- Ngày 15 tháng Mười là tiệc cơm mới.
- Ngày 15 tháng Mười Một tổ chức chính hội.
Đình Bình Sơn còn là nơi lưu dấu nhiều sự kiện thời kỳ cách
mạng, kháng chiến. Đồng thời; là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống, các sự kiện
lớn, quan trọng của làng cũng như gìn giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hoá phi vật
thể truyền thống quý giá khác.
Đình Bình Sơn là di
tích cổ có giá trị lịch sử - văn hóa cao và có ý nghĩa quan trọng trong việc
tôn vinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. ngày 15 tháng 2 năm 2019, đình
Bình Sơn được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa
cấp tỉnh, theo quyết định số 556/QĐ-UBND.