Đình Bo thờ tướng quân Trần Lãm có nguồn gốc vốn dòng thị tộc Bách Việt, gia dình di cư xuống lưu vực Sông Hồng định cư ở Kỳ Bá, Sơn Nam Đạo nay là phường Kỳ Bá thành phố Thái Bình.
Năm 930, đức Trần Lãm trưởng thành, do có học hành, ông ra làm quan trong chính quyền tự chủ Dương Đình Nghệ được hưởng thực ấp ở Bố Hải Khẩu.
Năm 933 theo hịch kêu gọi cứu nước của vua Ngô Quyền chống
quân Nam Hán, Trần Minh Công đem lễ vật và vận động nhân dân trong vùng tham
gia chặt cây đẽo cọc, vận chuyển lương thực góp phần vào chiến thắng lịch sử
trên sông Bạch Đằng.
Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền loại bỏ chức tiết
độ sứ của phong kiến phương Nắc, xưng Đế, lập triều đình, đặt chế định triều
nghi với hai hàng văn võ. Một quốc gia phong kiến được hình thành. Đây kết quả
hiển hách của dân tộc ta sau hơn nghàn năm đấu tranh chống ách đô hộ của người
ngoai bang, giành lại quyền làm chủ đát nước, mở ra một kỷ nguyen mới.
Kỳ Bố Hải Khẩu thuở ấy là vùng đất cửa biển, đất đai màu mỡ
cùng với những người dân cần cù, quật khởi. Dòng họ Trần về Kỳ Bố Hải Khẩu trước
thế kỷ thứ X khá lâu.
Mặc dù dần dần được làm chủ một vùng đất trù phú sẵn nguồn
nhân lực, Trần Lãm vẫn ra sức chiêu lập dân, khai phá đất đai, quy tụ thêm lực
lượng, xuất tiền và vàng để mua ruộng đất, phân phát cho dân nhằm thu hút thêm
nhiều người đến mở mang sinh sống. Nhờ vậy, gia tư tích luỹ có tới hàng vạn người,
dưới trướng có tới mấy ngàn khách. Đức ông Trần Lãm mộ binh tích trữ lương thảo,
huấn luyện quân binh ngày càng hùng mạnh.
Năm 944, vua Ngô Quyền mất, đất nước không có người đứng chủ.
Nhân cơ hội đó các thế lực địa phương nổi lên lập giang sơn riêng, tranh giành
quyền lợi, gây nên loạn " thập nhị sứ quân".
Sự thống nhất và cả nền tự chủ của đất nước vừa mới dành lại
sau hàng ngàn năm lại có nguy cơ bị phá hoại, tạo thời cơ cho kẻ thù có thể
quay lại xâm lược. Trần Lãm cũng tự xưng là Minh công, giữa miền Kỳ Bố Hải Khẩu
đã trở thành một sứ quân có thế lực mạnh nhất trong 12 sứ quân.
Bước đầu dựng cờ, còn bao khó khăn nhân tài vật lực nên anh
hùng hào kiệt Đinh Bộ Lĩnh tìm đến sứ quân Trần Lãm và đất Kỳ Bố Hải Khẩu làm
chỗ tựa dựa. Đức Trần lãm thấy đức ông Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường lại
có khí độ vương đế, bèn nhận làm con nuôi đối đãi rất hậu và tin dùng. Sứ quân
Trần Minh Công đem tài sản, binh quyền và bày mưu tính kế cho đức ông Đinh Bộ
Lĩnh, khởi binh đánh bại 11 sứ quân khác, dựng lên nước Đại Cồ Việt.
Trong hoàn cảnh lịch sử đầy gian nguy lúc đó, kế tục sự nghiệp
của cha nuôi, đức ông Đinh Bộ Lĩnh, anh hùng dân tộc ở đất Hoa Lư đã dẹp tan được
nạn cát cứ và nội chiến, thu giang sơn về một mối, xưng đế củng cố nền độc lập
tự chủ của đất nước.
Chính buổi đầu dựng nghiệp của họ Đinh, vai trò của sứ quân
Trần Lãm với Bố Hải Khẩu đã quyết định hướng đi đúng của vua Đinh Bộ Lĩnh, khẳng
định vai trò của tướng quân Trần Lãm với vùng cửa biển Bố. Tướng quân Trần Lãm
cống hiến tất cả cho sự nghiệp thống nhất đất nước.
Khi tuổi ngoài sáu mươi, Người chu cấp cho dân 20 hốt vàng để
sản xuất, khuyết khích nghề nông, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Để ghi nhớ công lao của sứ quân Trần Minh Công, nhân dân
vùng Kỳ Bố hải khẩu đã tạo dựng nơi thờ tự ngài tại Đình Bo. Vua Đinh Tiên
Hoàng ban sắc phong sứ quân Trần Minh Công là “Phụ Dực quốc chính thượng tướng
công, thượng đẳng thần”.
Đình Bo phường Kỳ Bá
là một mốc son trong bản đồ du lịch khi tìm về nguồn cội Kỳ Bố Hải Khẩu thời
Đinh Tiền Lê. Sang thế kỷ XII, vua Lý Nhân Tông đã về đất này cày tịnh điền,
khuyến cáo dân trăm họ yêu việc nhà nông, quốc sử còn ghi.
Toạ lạc trên diện tích 1134m2, khu di tích Đình Bo mang đậm
phong cách kiến trúc hiện đại kết hợp hài hoà với phong cách kiến trúc truyền
thống dân tộc. Vị trí của khu di tích thoáng rộng hướng về phía tây nam, liền kề
đường giao thông chính, có tường, cổng, khuân viên và hệ thống cây xanh làm cho
không gian kiến trúc di tích vừa thâm nghiêm vừa trải rộng, tôn vẻ đẹp trầm tư
cổ kính.
Đình Bo có kết cấu: Tiền nhất hậu đinh 3 toà 7 gian.
Toà đại bái của đình Bo gồm 3 gian được xây dựng theo kiểu
phương đình, hai tầng, 8 mái, chồng diêm, cổ các, thượng thu, hạ thách, lợp giả
ngói ống. Các đao vút cong cách điệu lá lật, tạo vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát của
bộ mái kiến trúc, khiến du khách ngỡ ngàng như gặp mái đình làng nơi thôn dã.
Nội thất toà đại bái có ban thờ tượng Chủ Tịch Hồ Chí Minh ở
gian chính giữa. Ở hai gian bên có bia ghi tên năm sinh và năm mất của các liệt
sỹ phường Kỳ Bá. Trong không gian thoáng rộng, nền lát gạch, hệ thống cửa ra
vào bố trí ánh sáng và gió thiên nhiên hợp lý, toà đại bái được bộ mái kiến
trúc nâng bổng tạo chiều cao không gian càng thêm thoáng rộng. Hàng trăm người
có thể hành lễ, chiêm bái tại nơi đây.
Hậu cung đình Bo là công trình kiến trúc tiếp sau toà đại
bái. Sự bố trí thiết kế kiến trúc rất liên hoàn, cân đối hài hoà tổng thể khu
di tích. Hậu cung Đình gồm 2 toà 4 gian có kết cấu chữ đinh, tường hồi bít dốc,
mái chảy, chéo đao tầu gốc, đao cách điệu song loan, lợp giả ngói ống rất cân đối
hài hoà.
Đồ tế khí, nghi tượng của đình tuy đã mất nhiều, song vẫn bảo
lưu một số câu đối đại tự, cuốn thư thời Nguyễn.
Phần lớn các ban thờ, ngai thờ, tượng pháp của đình Bo đã được
tôn tạo, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, tôn nghiêm, khẳng định công lao lớn của người
Kỳ Bá trong việc bảo tồn giá trị lịch sử văn hoá. Đặc biệt là một số đại tự,
câu đối, tượng thánh có niên đại thời Nguyễn còn lưu giữ được, đã làm gia tăng giá
trị nguồn gốc của di tích được phụng dựng.
Đình Bo xưa thuộc làng Kỳ Bá, tổng lạc đạo huyện Vũ Tiên,
nay thuộc phường Kỳ Bá thị xã Thái Bình cũng là cái nôi của phong trào Cách mạng
Thái Bình thời kỳ tiền Khởi nghĩa. Đình Bo thời đó có cây muỗm to, cao nên ngay
từ phong trào treo cờ rải truyền đơn 30/4/1930, đình là một địa điểm được cơ sở
Đảng bộ Thái Bình chọn treo cờ búa liềm.
Vào những năm 1930- 1941 Đình Bo là cơ sở dạy học của ông
Đào Quang Đỉnh là một yếu nhân trong phong trào cách mạng ở làng Kỳ Bá. Đình Bo
trở thành một cơ sở liên lạc để xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng.
Đêm 30 tết năm 1941, tỉnh uỷ trực tiếp chỉ đạo việc treo cờ
rải truyền đơn ở thị xã Thái Bình. 5 lá cờ đỏ búa liềm được treo đúng nơi quy định
trong đó có một lá cờ Đảng được treo trên ngọn cây muỗm ở Đình Bo. Trên nóc
Đình ngay giữa sào huyệt của kẻ thù- lá cờ Đảng tung bay trong nắng gió làm cho
kẻ thù vô cùng tức tối.
Từ năm 1942 đến trước ngày tổng khởi nghĩa 19/8/1945 các đồng
chí Đào Thiện Bật, Tống Trung Dực, Trung Hưng, Nguyễn Văn Cúc đã về Đình Bo gặp
gỡ với đồng chí Đào Quang Đỉnh để xây dựng phong trào cách mạng.
Tháng 8 năm 1945, tại Đình Bo ông Đào Quang Đỉnh đã cùng 40
thanh niên và quần chúng Kỳ Bá tham gia giành chính quyền tại nhà Sec (nay là
sân vận động Thành phố Thái Bình). Ngày 6/1/1946 Đình Bo là nơi được chọn tổ chức
bầu cử Quốc hội khoá I.
Năm 1947, tại đây dân quân du kích Kỳ Bá đã thành lập đội
quyết tử quân. Từ năm 1948 - 1952 Đình là cơ sở hoạt động của quân chủ lực tỉnh
và Tỉnh đội đã thành lập lực lượng giao liên trong lòng địch, là nơi đặt hòm
thư bí mật.
Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ nguyên là Thị uỷ viên, Bí
thư chi bộ Trần Lãm cũng đã từng về hoạt động ở Đình Bo . Đồng chí Đặng Trịnh
(sau này là Chủ tịch UBND tỉnh) - người đã thay đồng chí Vũ Ngọc Nhạ làm Bí thư
xã Trần Lãm cũng đã chọn Đình Bo làm địa điểm hoạt động.
Ngày 9/10/2002, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận Đình Bo
là di tích lịch sử văn hóa. Phát huy truyền thống của cha ông, Đảng bộ và nhân
dân phường Kỳ Bá đang ra sức phấn đấu, giữ vững là Đảng bộ nhiều năm đạt “Trong
sạch vững mạnh”, “Chính quyền vững mạnh”, các đoàn thể tiên tiến xuất sắc, được
Trung ương, Tỉnh và Thành phố biểu dương khen thưởng.
Lễ hội truyền thống Đình Bo
Hàng năm vào dịp tháng 8 và tháng 10 âm lịch (ngày sinh và
ngày mất của tướng quân Trần Lãm) là Đình Bo mở hội. Năm nay, vào 3 ngày 14,
15, 16 tháng 11 (tức các ngày 9, 10, 11 tháng 10 âm lịch), phường Kỳ Bá tổ
chức Lễ hội truyền thống Đình Bo.
Trong 3 ngày sẽ diễn ra các hoạt động lễ mở cửa đền, tế nam
quan, nữ quan; khai mạc lễ hội dâng hương. Lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi
dân gian như cờ tướng, đi cầu kiều, bắt vịt... Đặc biệt tối ngày 14 có múa rối
nước đặc sắc trên ao đình.
Đặc biệt hơn, lễ hội Đình Bo năm nay cũng là ngày khởi động
chuẩn bị cho lễ khởi công xây dựng Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên
ao đình trong thời gian tới. Nhà bia là một công trình mang ý nghĩa tâm linh,
thể hiện tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng,
cùng với di tích Đình Bo góp phần tạo lên một quần thể di tích lịch sử văn hóa
của vùng đất Kẻ Bo xưa và phường Kỳ Bá, Thành phố Thái Bình hôm
nay.
Lã Quý Hưng
(Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình)