Đình Bồ Dương Làng Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương thờ phụng nhị vị Thành hoàng Làng có tên huý là Cao Hựu và ông Hùng triều đại Hùng vương thứ 18.
Đình Bồ Dương được làm từ rất sớm chưa rõ niên đại, đình được
trùng tu tôn tạo vào năm Chính Hoà Kỷ Tỵ (1689). Hầu hết nghệ thuật kiến trúc,
điêu khắc, văn tự là thời Lê.
Đến thời Bảo Đại (1942) có đảo ngói chống dột, còn vẫn
nguyên như cũ. Do thời gian và chiến tranh chống Pháp công trình tổn hại: cổng
tam quan, đại môn giải vũ bị đổ, nhiều bộ phận kiến trúc, điêu khắc bị mất.
Theo thần tích của làng thì đình Bồ Dương thờ 2 vị thành
hoàng có tên huý là Cao Hựu và ông Hùng. Thần tích của làng ghi lại như sau:
Thời Hùng Vương thứ 18 đến Duệ Vương nối ngôi đóng đô ở Bạch
Hạc Việt Trì, đặt tên nước là Văn Lang. Thời đó ở làng Tam Hoàn, huyện Siêu Loại,
phủ Thuận Thành (tên cổ là Thuận An), đạo Kinh Bắc (tên cổ là Vũ Ninh) có nhà họ
Cao, huý là Tuấn; tổ tiên được thụ phong, đời đời hưởng ấm.
Ông lấy vợ người cùng bộ là Nguyễn Thị Thuần, nhà có truyền
thống thi lễ, dòng trâm anh môn đăng hộ đối. Ông bà làm nghề nông, sung túc,
hay làm việc thiện, có tiếng đức độ, không mảy may làm điều ác, vụ lợi, tư tâm;
xử thế khoan hoà, trong nhà thì hiếu thảo đảm đang, bên ngoài thì nhân từ, cung
kính.
Một hôm ông Cao Tuấn thăm đồng gặp một người khách am tường
phong thuỷ qua vùng này bảo ông: Tôi biết có một nơi cát địa, nếu có người nào
xin tôi sẽ “cho”. Ông Tuấn nghe vậy bèn vái lạy rồi mời ông khách về nhà cung
kính thết đãi. Ông khách thấy gia chủ thành tâm bèn xét đất đó trước án có minh
đường tú thuỷ, sau chẩm có phượng đỏ ngậm thủ, ngồi cung ất hướng tân là tuyệt
đại táng, con cháu tất sẽ công hầu. Ông Tuấn mừng rỡ cảm tạ. Ông đưa phần mộ tổ
tiên an táng vào đất ấy. Sau trăm ngày bà Nguyễn mang thai.
Ngày 13 tháng giêng năm Giáp Tý sinh hạ một người con trai
tư chất tuấn tú của bậc thánh hiền, cha mẹ yêu thương như châu ngọc bèn đặt tên
là Hựu. Năm tháng qua mau, khi 12 tuổi, thiên tư chững chạc, học lực tinh tường,
thông suốt sử sách, võ nghệ giỏi giang. Lúc 16 tuổi, cha mẹ đều qua đời, ông chọn
cát địa làm lễ an táng, hương hoả thờ phụng đúng nghi lễ trong nhà đến mãn
tang.
Thời đó, ở bộ Ai Lao, họ Thục tên Phán (một phân phái Hùng
Vương sai đi gìn giữ Ai Lao) nghe tin Duệ Vương tuổi cao, không có người kế vị
định nhường ngôi cho con rể là Sơn Thánh (tức Sơn Tinh). Ông ta lợi dụng tình
thế đó cầu viện nước láng giềng đem trăm vạn tinh binh, ba ngàn ngựa chiến,
chia năm đường thuỷ bộ cùng tiến vào, chấn động biên ải. Biên giới gửi sớ tấu về
liên tục. Nhà vua triệu Sơn Thánh bàn kế sách; Sơn Thánh tâu: Hơn 120 năm qua
Vua Thánh hiền nhân đức thâm hậu, thấm cốt tuỷ lòng dân được Quốc phú binh cường,
uy đức lan truyền bốn bể. Trời lại giúp có nhiều nhân tài trong thiên hạ, trong
đó nổi hơn không ai sánh kịp là ông họ Cao tên Hựu. Thần xin mời ông ta đến.
Còn lại thần xin gánh vác và tuyển chọn nhân tài để dẹp yên giặc Thục.
Nhà vua cả mừng, lập tức triệu kiến; Khi bệ kiến vua, ông ứng
đối rành mạch, thi tài văn võ song toàn. Nhà vua phong cấp vượt bậc làm tiền đạo
chỉ huy sứ Đại tướng quân, sai đem quân đi diệt giặc. Ông lạy tạ, nhậm tước
lãnh quân thuỷ bộ lên đường, chiêng trống thanh thế chấn động ngàn non bờ cõi.
Một hôm dẫn quân đến ngã ba đầu trang Bồ Dương, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn
Hồng Châu (Hải Dương ngày nay) bỗng thấy một ông tay cầm cờ đứng ở ở ngã ba,
quân sĩ hoảng sợ dừng lại. Ông Cao Hựu chỉ kiếm vào người đó hỏi: “Người là hạng
nam nhi nào? Sao dám chặn đường như vậy? Nếu quả là thần linh thì biến coi, nếu
không ta chém”. Trong nháy mắt người đó biến mất.
Thấy chuyện lạ ông bèn đóng quân ở đó. Ông thấy địa thế nơi
này sơn thuỷ quấn quýt, long hổ vờn quanh, phía trước có ba gò đống làm án,
phía sau có long mã làm chẩm, phải trái phù bật; đất này tiếp giáp với sông biển,
quân giặc có thể qua đây. Ông hạ lệnh quân sĩ và nhân dân dựng đồn ứng đối quân
Thục.
Đêm đó đầu canh hai, ông mộng thấy một ông già mũ hoa, áo vàng,
thắt dây lưng hình dong kỳ dị từ lề đường bước tới tự xưng là thần của đất này
là Cách thần vị hiệu, huý là Hùng, là tông phái họ Hùng phụng chiếu triều đình
cai quản dân, địa phương này. Nay thấy tướng quân đi dẹp giặc, thần đến nguyện
tự thân theo quân để âm phù dương trợ diệt giặc. Khi thái bình sắc phong cũng
được thờ tự. Nói xong thét một tiếng biến mất (đó là ngày 10 tháng 2).
Hôm sau, Tướng quân mời các bô lão đến hỏi cho biết tường tận.
Các lão niên thưa rằng: Làng này từ trước nay thờ một vị Thành Hoàng vị hiệu
như vậy. Ông nói: Nếu quả như vậy thì thần hiển ứng giúp ta rồi; chắc chắn sẽ sớm
dẹp xong quân Thục.
Hôm sau sứ giả dâng chiếu, ông phụng chiếu đem quân đi dẹp
giặc đúng thời định; ông tuyển chọn hơn 20 trai làng cường tráng đi theo làm nội
thủ gia thần, kết ngũ quân đến thẳng chỗ quân Thục ở Sóc Sơn thuộc đạo Kinh Bắc
đại chiến với giặc, chém đầu chính tướng, thu hồi lương thực ngựa xe vô kể.
Quân Thục thua to chạy thoát thân, tàn quân mất tăm. Từ đó đất nước lại yên
vui, thiên hạ thái bình, lúc này là thượng tuần tháng ba mùa xuân đương thì kết
trái.
Vua ban chiếu triệu ông về mở tiệc mừng, gia phong tướng sĩ
đầy đủ, phong ông làm Đề sát ở Hồng Châu; ông lạy tạ trước điện rồi xe ngược trở
về nhiệm sở. Từ đó ông trở lại làng Bồ Dương vỗ về dân chúng làm ăn yên ổn, sở
lại hành tại đồn Bồ Dương lấy lễ tâu rằng: Từ khi ngài dựng đồn ở làng, lấy uy
đức thu phục, vì thế xin phía sau đồn làm nơi thờ cúng. Ông đồng tình, truyền mổ
trâu lợn bày tiệc cáo yết trời đất; mời các cụ phụ lão, dân chúng đều ăn mừng.
Hôm ấy ông nói rằng: Ta phá được giặc Thục cũng bởi lòng trời
giúp, âm phù. Khi ta mất, các ngươi có hậu với ta hãy coi trọng di mệnh: Muôn
năm sau vẫn thờ cúng ta ở làng các người cùng với vị thần trước đã phù trợ cho
ta thắng giặc. Ông ban hai hốt vàng mua ruộng ao để lo việc thờ cúng lâu dài.
Nhân dân tất thảy đều mãn nguyện, ghi nhận thực hiện lời uỷ
thác. Tiệc xong, trời đất tối xầm, mưa gió nổi lên. Một ánh mây vàng hình dải lụa
bay xuống nơi tiệc hỷ, ông theo mây bay khỏi đồn, vào nơi vô định trong khoảng
khắc. Không thấy ông đâu, ở đó thấy đám mối đùn thành một ngôi mộ lớn, ông đã
hoá rồi (lúc đó vào ngày 12 tháng 11).
Bấy giờ dân chúng hết thảy đều kinh sợ. Biểu tâu lên vua rõ
ràng đầu cuối. Vua thấy việc lạ sai người làm lễ tế xong, sai sứ sắc phong ông
là phúc thần truyền cho đất đó lập miếu thờ phụng. Phong ông Hựu là “Linh ứng đại
vương, tặng phong là Đương Đình Linh ứng Phổ Hựu Tuyên Khánh Hoằng Trạch Chiêu
Thông Cương Nghi Anh Liệt Hộ Dân Hựu Quốc Hùng Tài Vĩ Lược thượng đẳng tôn thần”
“Gia phong Cách thần (thần bản địa) là Hiên ứng Dực Vận
Hoàng… Hộ Quốc Ninh Dân Bản Cách Thành Hoàng Linh phù chi thần.” ...
Theo trang của sở VHTT
tỉnh Hải Dương.
Lễ hội có thời gian mở hội từ ngày 13 tháng 3 âm lịch đến 15
tháng 3 âm lịch.
Làng Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải
Dương là làng có phường rối nước cổ Bồ Dương hay còn gọi là phường rối nước Hồng
Phong nên cạnh đình là nhà rối nước.
Thần tích chỉ rõ quân Thục ở thời này là ở bộ Ai Lao một
phân phái do Vua Hùng sai đi gìn giữ bộ Ai Lao, tương tự như thần tích nhiều
nơi khác.