Theo thần phả, đình Bồng Châu thờ 15 vị Đẳng thần có công với nước với dân, được nhận sắc phong của triều đình; tuy nhiên, thần phả lưu lại chỉ thấy nói quê quán, ngày sinh, ngày mất, chức vụ của 6 trong số 15 danh tướng.
Đình được gọi tên theo tên thôn Bồng Châu xã Phú Cường.
Đình thờ 15 vị đẳng thần thời Hùng Vương và triều đại Nhị vua Hai Bà Trưng,
trong đó có 11 vị là nam thần và 4 vị là nữ thần.
Đầu tiên, đình được xây dựng ở giữa làng. Về sau do biến động
về thiên nhiên, hàng năm nước lũ sông Hồng dâng cao cuốn lở đất nên đình được
chuyển vào cuối làng giáp đê bối.
Mặt tiền của đình quay về phía tây nam giáp sông Hồng, phía
tây áp sát với khu dân cư, phía đông giáp đồng ruộng và thôn Kệ Châu 1, phía bắc
là đồng ruộng. Theo truyền thuyết, đình Bồng Châu được xây dựng khá sớm. Theo sắc
chỉ thời Tiền Lê, triều đình giao cho Thất Gia Trại lập miếu điện phụng thờ.
Cũng như những ngôi đình ở các làng xã khác, đình Bồng Châu
vừa được coi là trụ sở để dân hội họp, bàn việc làng vưa là nơi thờ Thần Hoàng.
Theo thần phả, đình Bồng Châu thờ 15 vị Đẳng thần có công với nước với
dân, được nhận sắc phong của triều đình; tuy nhiên, thần phả lưu lại chỉ
thấy nói quê quán, ngày sinh, ngày mất, chức vụ của 6 trong số 15 vị đó.
Thần tích về các danh tướng thời Nhị vua Hai Bà Trưng ghi lại
như sau: Bà Trần Hồng Nương, quê tại trang An Thái, huyện Thiên Bản phủ Nghĩa
Hưng sinh được hai người con trai, tên là Phổ Hộ và Linh Lôi. Năm 40, nhà Hán
đem quân sang xâm lược nước ta, đứng trước tình hình đất nước có giặc ngoại
xâm, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, ban hành chiếu chỉ kêu gọi nhân dân đứng
lên chống quân xâm lược nhà Hán: “Thư Châu huyện, mộ hữu văn võ khí
tài anh hùng khả dĩ cự chỉ. Nam tướng nam binh, nữ tướng nữ binh, dẫn sai ứng
tuyển dĩ thụ kì quan tước.”
Nghe được chiếu chỉ, ba mẹ con bà bàn nhau ứng tuyển đội
nghĩa quân của Hai Bà Trưng. Bà Hồng Nương tuy tuổi đã cao nhưng còn mạnh khoẻ.
Bà tự mình vấn tóc lên vành khăn giả làm trang nam tử, cùng hai con trai đi vận
động mộ quân. Chỉ một thời gian ngắn mẹ con bà vận động được trên hai nghìn người,
tổ chức rèn luyện võ nghệ, giáo dục mọi người đồng tâm phù quốc.
Sau đó mẹ con bà Hồng Nương dẫn đội quân của mình tới doanh
trại của Hai Bà Trưng tại Hát Môn (Sơn Tây – Hà Tây ngày nay). Hai Bà Trưng
phong cho hai ông Phổ Hộ và Linh Lôi chức Đô Chỉ Huy Sứ Tả Hữu Tướng
Quân, phong cho bà Hồng Nương chức Nội Thị Phu Nhân, giữ bà ở lại đại
bản doanh để chăm lo việc nước.
Sau khi sắp sếp lại quân ngũ, Bà Trưng giao cho hai ông đặc
trách đội thuyền binh tuần tiễu đề phòng quân giặc đánh sau lưng. Hai ông cầm
quân lên đường. Tới địa phận Khoái Châu – Kim Động gặp một bến có bãi đất bồi rộng
( nay là Bãi Bồng Châu), thấy thế đất đẹp, địa hình thuận lợi cho việc đóng
quân, hai ông cùng quân sĩ tuyển mộ thêm người tài, lập doanh trại tại chỗ, vừa
canh tác vừa rèn luyện gươm đao.
Sau khị giúp cho dân lập đồn trú, cắt cử người cai quản
hương thôn, hai ông Hồi Đô theo lệnh của Hai Bà Trưng để cùng tướng lĩnh bàn kế
sách tấn công, tiến đánh doanh trại Tô Định.
Đại chiến đã diễn ra. Quân của nhị chúa Hai Bà Trưng đã đánh
tan quân giặc nhà Hán, chém đầu tướng giặc, giải phóng đất nước. Dựng lên nhà
nước Lĩnh Nam.
Nhị chúa Mê Linh Hai
Bà Trưng lên làm vua hiệu là Trưng Nữ Vương. Sau khi lên ngôi ổn định triều
chính, Nhị vua liền mở tiệc đại khai khánh hạ, khao thựởng ba quân theo đẳng cấp,
đồng thời ra chiếu ban cho ba mẹ con bà Hồng Nương phần thực ấp tại quê cũ Nam
Định đạo.
Đang độ mùa đông, ba mẹ con bà đi trên một chiếc thuyền rồng
dọc bờ biển để quan sát địa hình điền ấp.
Đi đến núi An Từ, đột nhiên trời nổi lên một trận giông tố,
mưa như trút nước, một giải mây vàng từ trên cao giáng vào sa giá. Nhân gian
cho rằng ba mẹ con bà đã đồng bộ tòng vân về cõi Trời. Từ đó nhân dân địa
phương lập đền thờ.
Đền triều Lê Đại Hành năm Thiện Phúc, ba mẹ con đều được thụ
phong sắc Thần vì đã lập nhiều công lớn. Các sắc phong đều có nội dung: Thông
minh khôn khéo, một lòng phò Vua giúp nước, bảo toàn bờ cõi.
Khi ra trận tiến công vũ bão, chiến thắng oanh liệt, dũng
mãnh phô trương thanh thế khiến quân thù khiếp vía. Các triều đại sau này đều
có sắc phong ghi công ba vị Đại Vương Thượng Đẳng Thần, ban hành các quy chế
ghi thức trong các ngày sinh, hoá và lễ hội. Hiện nay tại đình Bồng Châu còn giữ
được 15 sắc phong của các triều đại trước.
Những năm thực dân Pháp cho quân chiếm đóng phía nam tỉnh
Hưng Yên là giai đoạn khó khăn nhất của nhân dân Kim Động. Địch càn quét, bắn
phá rất dã man. Đình Bồng Châu là nơi được cấp trên chọn đặt chạm giao liên giữ
đường dây liên lạc giữa hai quân khu Tả và Hữu ngạn sông Hồng.
Đây là nơi đón bộ đội vượt sông mỗi khi mở chiến dịch; cũng
là nơi chuyển vũ khí, thương binh ta, tù binh địch ra khu an toàn. Từ năm 1951
đến năm 1954, đình Bồng Châu là nơi thường xuyên có các đơn vị thuộc Trung đoàn
chủ lực 42 đến đóng quân mà không bị lộ bí mật vì được nhân dân một lòng che chở,
giúp đỡ.
Một vinh dự khác được ghi nhận là ngày 7/11/1962, Thủ tướng
Phạm Văn Đồng đã về Bồng Châu thăm hỏi tình hình làm thuỷ lợi và đời sống của
bà con ngay tại đình làng. Trong kí ức của nhân dân Bồng Châu xã Phú Cường, nhất
là các cụ đã có mặt trong buổi Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm, còn in đậm hình
ảnh thân thương của Lãnh tụ đối với đồng bào đồng chí ở vùng bãi xa khuất này.
Tại đình Bồng Châu còn lưu giữ nhiều hiện vật quý: Một kiệu
bát cống sơn son thiếp vàng thời Hậu Lê, đòn kiệu đều trạm trổ đầu rồng, thân
kiệu chạm trổ cách điệu hoa dây hình Long – Ly – Quy - Phượng, mặt hổ phù đuôi
chạm hoa văn hình sóng cuộn; hai cỗ kiệu trung cũng chạm đường nét hoa văn cầu
kì; tám cỗ long ngai chạm trổ tinh vi sơn son thiếp vàng: bốn cổ thuộc thời Lê;
bốn cỗ thuộc thời Nguyễn; một hạc gỗ thời Lê còn giữ được nguyên vẹn đến thời
nay; một quả chuông đúc năm Bính Thìn (1796) cao 1,50m, đường kính miệng 0,8m,
nặng trên 1 tấn; năm bộ đỉnh, đài nến bằng đồng; một bộ quạt 5 chiếc gồm 1 quạt
cái to 10 nan xoè rộng và 4 quạt ngà voi, mỗi quạt được tạo dáng bằng giấy nén
trên nan ngà voi nặng 2kg một quạt. Ngoài ra còn một số đồ tế tự bằng gỗ quý
khác.
Đặc biệt, đình xưa kia có trên 120 đạo sắc phong, trải qua
thời gian và biến cố lịch sử, một số sắc phong đã bị mất và hư hỏng, tới nay chỉ
còn lưu giữ 69 đạo sắc có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn. Có thể nói, Đình
là di tích lưu giữ số lượng sắc phong nhiều nhất của tỉnh. Nằm về phía Đông Nam
của đình còn có đền Mẫu thờ Tam vị thánh Mẫu: Hồng Nương, Kha Nương và Mẫu Liễu
Hạnh.
Để tưởng nhớ công lao của các vị Thành hoàng, hàng năm nhân
dân thôn Bồng Châu đều tổ chức lễ hội vào các ngày mùng 9, 10 tháng Giêng, 10
tháng 3 và ngày 10 tháng 11 âm lịch. Năm nay, cùng với việc tổ chức lễ hội,
đình còn tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa.
Lễ hội được tổ chức với hai phần, phần lễ và phần hội. Phần
lễ có các hoạt động như: rước kiệu thánh, rước kiệu nước, trong đó rước kiệu nước
được tổ chức 5 năm 1 lần.
Kiệu rước nước đi vòng quanh làng, sau đó đến ngã ba sông
Giáng, xuống thuyền ra giữa dòng lấy nước đem về cúng tế quanh năm. Phần hội
bao gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như: Chơi cờ tướng,
bóng chuyền, hát quan họ giao lưu…
Đình Bồng Châu được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử và nghệ
thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 225 ngày 5/2/1994 của Bộ Văn hoá và Thông
tin.