Đình Bồng Mạc, thuộc thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Xếp hạng, Di tích lịch sử văn hóa và Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (1996). Đình thờ Lý Phật Tử, Lý Nhã Lang, Ả Nang, Ả Nương. Ả Nang và Ả Nương tương truyền là tướng của Hai Bà Trưng.
Đình Bồng Mạc
Lý Phật Tử là dòng dõi Lý Nam Đế. Năm 555, ông được quân sĩ
tôn làm vua. Năm 557, Lý Phật Tử dẫn quân giành lại nước từ tay Triệu Việt
Vương. Khi thất bại, Lý Phật Tử làm kế giảng hòa, cho con trai là Nhã Lang lấy
Cảo Nương (con gái Triệu Việt Vương) nhằm nắm được bí mật của Triệu Việt Vương.
Năm 571, Lý Phật Tử đánh bại Triệu Việt Vương, tiếp tục nền
tự chủ của nước ta. Năm 603, nhà Tùy sang xâm lược nước ta, vây thành Cổ Loa,
Lý Phật Tử thất thế phải đầu hàng. Nhã Lang (còn gọi là Đức Thánh Chàng), con của
vua Lý Phật Tử và bà Lã Thị Ngọc Thành, người làng Chu Chàng. Năm 554, Lý Nam Đế
mất, Triệu Quang Phục lên ngôi hiệu là Triệu Việt Vương.
Triệu Việt Vương gả con gái là Cảo Nương cho Nhã Lang. Nhã
Lang có công giúp cha là Lý Phật Tử giành lại ngôi vua từ Triệu Việt Vương, lập
nên nhà Hậu Lý Nam Đế.
Sau đó, Nhã Lang cùng mẹ về quê ở Chu Chàng. Năm 601, nhà Tuỳ
sang xâm lược nước ta, Nhã Lang lĩnh chức Đông Cung, dẫn quân phá tan giặc ở
Long Biên. Sau khi Nhã Lang qua đời, để tưởng nhớ công lao của ông nhân dân nhiều
nơi đã tôn ông là thành hoàng.
Đình được xây dựng trên một khu đất rộng, quay hướng tây.
Phía trước đình là ao rộng và một rặng cây cổ thụ. Đình bố cục kiểu chữ Đinh, gồm
đại đình, hậu cung.
Đại đình 5 gian, 6 bộ vì kèo theo kiểu chồng rường, giá
chiêng, cột đội con lợn. Riêng vì kèo đốc theo kiểu chồng bồn tạo hình hổ phù
ngậm chữ Thọ. Hệ thống liên kết vì kèo làm theo kiểu thượng rường hạ bẩy.
Đình có kiến trúc đồ sộ, cổ kính. Hình tượng rồng chầu mặt
nguyệt ở giữa bờ nóc đình được các nghệ nhân đắp công phu, điêu luyện. Về nghệ
thuật điêu khắc, đình tuân thủ theo các nguyên tắc trang trí nghệ thuật đình
làng. Các nghệ nhân đã chạm trên các bẩy, cốn, đầu dư với đề tài tứ linh, tứ
quý kết hợp với vân mây, hoa, lá…
Đình còn lưu giữ 1 cuốn ngọc phả sao tại Viện Hán Nôm 24
trang do Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Đức thứ nhất (1470), sao lại năm Vĩnh
Hựu thứ 6 (1740), bức nghi môn có kích thước lớn sơn son thếp vàng rực rỡ, chia
thành nhiều băng, ô.
Băng trên cùng chạm nổi hình thoi, cánh sen. Băng thứ 2 chạm
nổi hình rồng chầu mặt nguyệt, khắc chìm 4 chữ Hán Nôm Chính long đức chung.
Băng thứ 3 chia làm 5 ô trang trí mỗi ô theo một đề tài: mai điểu, tùng lộc,
phượng cắp thư, cúc, sen… Nhìn chung, nghi môn trang trí đẹp, nội dung đề tài
phong phú, dùng cả khắc nổi và khắc chìm, đường nét trau chuốt, đặc tả chi tiết
vì thế mà các linh vật, hình hoạ được mô tả ở bức Nghi môn đều chuẩn xác, sống
động.
Chùa Bồng Mạc (chùa Long Diêm)
Chùa Bồng Mạc còn gọi là. Chùa được xây dựng vào thời Nguyễn,
gồm tiền đường, thượng điện, 2 hành lang, nhà Tổ bố trí nối liền nhau theo kiểu
chữ Môn.
Chùa có kết cấu khung gỗ. Tiền đường, thượng điện có 12 bộ
vì kèo theo kiểu giá chiêng. Các thượng lương làm theo kiểu tứ trụ lòng thuyền.
Câu đầu nằm trên cột cái và có các đấu kê giữa các con rường, kỹ thuật đóng
bén, bào trơn.
Trang trí kiến trúc tập trung ở 20 bức chạm trên các cốn
nách, đề tài chủ yếu là tứ linh.
Chùa còn lưu giữ 23 pho tượng tạo dáng đẹp, cân đối, bài trí
hài hoà thành hệ thống. Các pho tượng làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng với kỹ thuật
cao. Mỗi pho tượng có một kích thước và dáng vẻ riêng phù hợp với nội dung, đề
tài, tích truyện của từng nhân vật được diễn tả. Đặc biệt pho tượng Phật A Di
Đà tạo tác khá lớn.
Qua đây chúng ta thấy được nét đẹp truyền thống của dân tộc
ta là luôn luôn biết gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp mà ông cha ta để lại.
Để các thế hệ sau biết được những giá trị để tiếp tục học tập phát huy những
truyền thống tốt đẹp đó, để xây dựng dất nước nước ta ngày càng phát triển to đẹp
hơn.
Lê Sơn