Cách thành phố Nam Định khoảng 7km về phía đông bắc, di tích đình Cả ( còn gọi là đình Chạ hay đình Đệ Nhất) thuộc thôn Đệ Nhất, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Đình thờ Dũng Dược Đại vương, vị tướng thời vua Hùng và một số danh tướng thời Trần. Dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình Cả vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống của kiến trúc Việt Nam.
Từ thành phố Nam Định, du khách muốn thăm đình Cả có thể
theo đường 38A, qua cầu Viềng rẽ phải, từ trạm xá xã Mỹ Trung rẽ trái chừng 1km
là đến di tích.
Theo thư tịch cổ, Đệ Nhất là địa danh có từ lâu đời. Trước
cách mạng tháng Tám, Đệ Nhất là một trong 12 xã của tổng Đệ Nhất, huyện Mỹ Lộc.
Hiện nay Đệ Nhất là 1 trong 11 thôn của xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Thời Hùng Vương dựng nước, mảnh đất này đã sinh ra Dũng Dược Đại vương, một vị
tướng tài ba có công giúp vua dẹp giặc.
Tương truyền, xưa có ông Trần Xuân Định cùng vợ là Nguyễn Thị
Hà từ vùng Thiệu Thiên( Thanh Hóa) về trang Đệ Nhất làm nghề chài lưới. Hai vợ
chồng chăm chỉ làm ăn, lại có chút chữ nghĩa nên chẳng bao lâu dân làng nể trọng
bầu làm hương mục.
Một lần bà xuống ao tắm gội, bỗng một con thuồng luồng dài
hơn một trượng lao tới quấn lấy người ba vòng, một lúc sau mới thả và bơi đi.
Sau đó bà có mang, sinh ra một cậu con trai đặt tên là Xuân Bình. Lên 3 tuổi cậu
bé thích bơi lội nên dân làng quen gọi Dũng Dược (người có tài bơi lội, nhảy
nhót). Lớn lên, Dũng Dược tỏ ra võ nghệ tinh thông, có tài bơi lặn nên được triều
đình trọng dụng phong cho chức Thân vệ tướng quân, ban cấp 50 lượng vàng.
Ông đã dùng tiền này cứu giúp người nghèo, sửa sang từ đường
tổ tiên và xin miễn phu phen tạp dịch cho dân, khiến mọi người cảm động.
Hùng Duệ Vương tuổi cao, không có con trai nối nghiệp nên Thục
Phán nhòm ngó, nuôi ý định xâm lược. Duệ Vương lo lắng cử tản Viên Sơn Thánh
cùng Dũng Dược Đại vơng đem quân cản phá quân Thục. Nhờ tài thao lược của Dũng
Dược, quân địch nhiều lần bị rối loạn, thua chạy. ‘
Để thưởng công, vua Hùng đã gả công chúa Quang Mỹ cho Dũng
Dược Đại vương, nhưng ít lâu sau ông đột ngột qua đời ( ngày 15/2). Còn công
chúa Quang Mỹ cũng mất trong khi cùng Sơn Thánh đi đánh quân Thục (ngày 15/8).
Tưởng nhớ vị tướng tài ba cùng phu nhân, các triều đại phong kiến sau đã sắc
phong cho Dũng Dược Đại vương và Quang Mỹ Công chúa làm Thành hoàng, cho nhân
dân lập đền thờ và đặt lệ quốc tế. Câu đối ở đình còn ghi rõ:
“ Cứu quốc khước Thục binh công lưu ngọc phả
Tế dân tư bão noãn sự
trí hương từ”
(Đuổi giặc Thục giữ yên cho non nước
công
ấy vẫn còn ghi trong gia phả
Giúp nhân dân lo tới điều no ấm
việc
xưa nêu dấu tại đền quê)
Tại đình Cả hiện còn lưu giữ được ngọc phả và khá nhiều sắc
phong từ các thời Lê – Nguyễn, trong đó ngoài Dũng Dược đại vương thời vua Hùng
còn có Long Khánh đại vương, Uy Linh đại vương.
Long Khánh đại vương tên thật là Phạm Ngộ, người huyện Giáp
Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cùng anh trai là Phạm Mại phò vua Trần trong
cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lập nhiều chiến công hiển hách.
Khi chỉ huy cánh quân
bảo vệ hành cung Thiên Trường, ông thấy trong trang Đệ Nhất có hai con trai của
ông Dương Thành là Vĩnh Hựu, Uy Linh giỏi võ nghệ, mưu lược bèn kết nghĩa anh
em, chọn làm tướng tả, hữu trông nom việc quân. Phạm Ngộ lập ba đồn binh tạo thế
chân vạc giúp phần đất phía bắc phủ Thiên Trường được bình yên, nhân dân Đệ Nhất
và các vùng lân cận yên tâm sản xuất. Đế quốc Nguyên Mông xâm lược nước ta lần
thứ hai(1285), ông được vua Trần cử làm tướng giúp Hưng Đạo đại vương chỉ huy
kháng chiến.
Kháng chiến thắng lợi, ông được thưởng 80 mẫu lộc điền ở bãi
sông. Ngoài 70 tuổi ông về quê Kinh Môn, Hải Dương sinh sống và mất tại đây.
Sau này triều đình truy phong ông là: “ Trần triều công phủ thượng tướng quân”,
thụy là Long Khánh.
Hai người họ Dương, sau khi giữ trọn lời thề phò vua giúp nước
đã quay về sống tại thôn Đệ Nhất tới 80 tuổi rồi cùng mất một ngày(15/8).
Đình Cả có ba tòa chính làm theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ
đinh, kiến trúc tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với phong cách truyền thống.
Tiền đường 5 gian được làm bằng gỗ lim với các cột cái có đường
kính 40cm đặt trên chân đá tảng. Các vì kèo thiết kế theo lối thượng chồng rường,
hạ kẻ bẩy. Trên các con rường còn giữ được một số mảng chạm khắc hoa lá, rồng,
ly thế kỷ XVIII. Công trình này đã được tu sửa nhiều lần, lần cuối vào đời vua
Thành Thái năm thứ 4(1892) nên những cấu kiện ở các vì có sự thay đổi, mang
phong cách thời Nguyễn.
Tòa Đệ Nhị trùng thềm với tòa tiền đường. Công trình gồm 5
gian, thiết kế theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ bảy và làm theo lối tứ trụ.
Tòa đệ nhị kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ lim, đan xen phong cách nghệ thuật của
thời Hậu Lê – Nguyễn. Các con rường được trang trí họa tiết lá lật cách điệu và
lớp lớp lá hỏa bóc tách công phu khiến hệ thống khung mái mềm mại.
Phía trong tòa đệ nhị là chính cung, giao mái với tòa đệ nhị
và được phân thành hai cung. Cung ngoài 3 gian, cung trong 2 gian, ngăn cách bằng
một bức thuận. Công trình cũng thiết kế theo kiểu chồng rường mà lớp lớp con rường,
trụ, đấu được tạo dáng một cách nghệ thuật.
Phần chính giữa của bức thuận có mảng chạm thông phong trên
hà điệp với cảnh lưỡng long tranh châu. Điều ngộ nghĩnh là các con rồng ở đây
đang trong tư thế vuốt râu nhau để tỏ tình thân thiện. Trên xà hạ, ở mảng chính
diện có cảnh rồng chầu, nghê chầu chạm kênh bong tinh xảo mang đậm dấu ấn văn
hóa thờ Hậu Lê.
Ngoài việc bảo lưu được giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc,
đình Cả còn giữ được một số di vật quý, trong đó có ba pho tượng cỡ lớn, niên đại
khoảng cuối thế kỷ XVIII.
Tượng Dũng Dược đại vương đặt tại khám giữa, gian chính tẩm,
được làm bằng gỗ, cao 1,90m, tỷ lệ cân đối, dáng vẻ oai phong. Các họa tiết
trên mũ, áo, đai rồng cầu kỳ với các đề tài long chầu, phượng múa, sóng nước,
hoa chanh… Tượng đặt trên long ngai cao 1,30m tạo dáng chắc khỏe với các mảng
chạm mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn(thế kỷ XIX).
Hai khám thờ hai bên đặt tượng Long Khánh đại vương(tướng
quân Phạm Ngộ) và Uy Linh đại vương. Hai pho tượng này cao 1,63m ngồi trên ngai
rồng với các họa tiết được chạm khắc tinh xảo.
Ngày trước, hội làng được tổ chức tại đình làng hàng năm vào
ngày sinh của Dũng Dược Đại vương (15/4). Lệ làng đề ra: bốn giáp (giáp Đông,
giáp Bắc, giáp Nam, giáp Đoài) mỗi giáp phải chuẩn bị một con lợn.
Lợn cúng tế phải nuôi riêng từ tháng 4 năm trước đến tháng 4
năm sau, thức ăn sạch sẽ, chuồng trại thoáng mát. Đặc biệt những con lợn này
đàn bà không được cho ăn. Đến hội, các giáp đóng cũi có trang trí đẹp đưa lợn
ra thi.
Sau khi chấm thi, lợn được ngả thịt để cúng Thánh. Trong hội,
ngoài việc tế lễ còn có các trò: đánh cờ, kéo co, đấu vật, leo cầu kiều, bắt vịt,
thi hát văn… Sau một thời gian gián đoạn, gần đây hội làng Đệ Nhất từng bước được
phục hồi, góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân càng thêm
phong phú và di tích cũng phát huy tác dụng một cách thiết thực.
Nằm trên một khu đất rộng, cao ráo ở đầu làng, đình Cả là một
di tích lịch sử văn hóa kiến trúc đẹp, không những có giá trị về nghệ thuật mà
nơi đây còn là cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến với các tên tuổi lớn
như Trần Văn Lan, Trần Quang Tặng. Tại đây đã diễn ra các cuộc họp quan trọng để
xây dựng phong trào đấu tranh ở địa phương và các tỉnh lân cận giành nhiều thắng
lợi. Mảnh đất này, di tích này sẽ mãi là niềm tự hào của thế hệ con cháu hôm
nay và mai sau.
Theo: Di tích lịch sử
- văn hóa tỉnh Nam Định