Đình Cam Giá thờ 2 vị thành hoàng là Cao Sơn đại vương và Cự Hải đại vương. Thần tướng của Tản Viên Sơn Thánh có công đánh giặc Thục thời Hùng Vương và có công mở đất, âm phù, bảo hộ cho vùng đất Cam Giá.
Nằm ở vùng đất cổ trong lòng di sản văn hóa xứ Đoài của Việt
nam, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc có 4 ngôi đình được xếp hạng di
tích, với kiến trúc nghệ thuật độc đáo có giá trị về mặt khoa học và lịch sử,
đã tồn tại gần 300 năm nay.
Đình Cam Giá (được xây năm 1811) là một trong số 3 ngôi đình
nơi đây đã được Bộ VHTTDL xếp hạng “Di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia” từ
năm 1996.
Đình Cam Giá thờ 2 vị thành hoàng là Cao Sơn đại vương và Cự
Hải đại vương. Theo truyền thuyết, hai ông là Bộ tướng của Tản Viên Sơn Thánh
có công đánh giặc Thục thời Hùng Vương và có công mở đất, âm phù, bảo hộ cho
vùng đất Cam Giá.
Hàng năm, cứ vào ngày mồng Bảy đến mồng Chín tháng Giêng,
nhân dân Cam Giá lại tưng bừng mở hội làng để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của
các vị thành hoàng. Trong lễ hội có các nghi thức rước nước “mộc dục” và nghi lễ
“tế bông” mang đậm yếu tố phồn thực, cầu mùa, cầu an rất đặc sắc.
Đình được xây dựng năm 1811 dưới triều Gia Long, có mặt bằng
kiến trúc hình “chữ Đinh” với đại đình 5 gian, có khám thờ được bưng kín bằng
ván đố lụa tạo không gian riêng rất kín đáo nơi thánh ngự.
Đình Cam Giá cũng có hậu cung hai tầng mái với phần mái thấp
tạo thành hành lang hai bên đi vào hậu cung, phần mái cao nối sâu vào gian giữa
đại đình tạo kiểu ống muống làm nơi bày đồ tự khí và thực hiện các nghi lễ cúng
thần.
Đình còn bảo lưu được nhiều hiện vật có giá tri: Cỗ long báu
bên trong cửa hình gai dứa chia làm 9 lớp, ra bên ngoài trạm khắc hình rồng
tinh xảo, xuống bên dưới có hai sập thờ và một cỗ nhanh án đại cổ, hai bên sườn
nhang án là đôi hạc trầu, bên ngoài đôi hạc là đôi quán tẩy, hai bên sườn tiếp
ra ngoài là hai hàng kích gươm đao giáo mác.
Hai bên cánh phải và cánh trái là 2 ban tả và hữu. Hướng của
đình là hướng Tây Nam nhìn ra sông Hồng, cửa đình có bậc lên xuống được lát bằng
gạch. Hai bên là hình hai con rồng đá chạy dọc từ dưới sân lên trên nền đỉnh.
Trước đình là một khoảng sân rộng lát gạch đỏ. Phía ngoài cổng chính có đôi cột
đồng trụ trên có hoa văn đắp long ly quy phượng.
Như vậy, đình Cam Giá không chỉ chứa đựng những giá trị của
nền kiến trúc gỗ cổ dân gian và mang đặc trưng kiến trúc truyền thống mà ẩn chứa
sau nó là các lễ hội phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú của cư dân
vùng châu thổ sông Hồng.
Trải qua thời gian, đình Cam Giá hiện đang xuống cấp trầm trọng:
Nhiều cây cột đình đã bị mối mọt xâm nhập, các vì kèo đều đã trùng võng, các mảng
chạm khắc độc đáo cũng dần bị ảnh hưởng, phai mờ hình tượng đẹp.. Người dân địa
phương hằng mong đình được tu sửa để có nơi vững chãi hơn tiến hành các hoạt động
văn hóa truyền thống. Nhưng do điều kiện ngân sách và mặt bằng kinh tế của tỉnh
và người dân còn hạn hẹp, nên chưa thể xúc tiến việc tu bổ được.
Đứng trước nguy cơ dần bị mai một, Đình Cam Giá đã được Quỹ
Đại sứ Bảo tồn văn hóa (AFCP) quan tâm và đầu tư tu sửa nhiều hạng mục như: hệ
thống cột chịu lực (Thay 15 cột hành lang đại bái, 04 cột con hậu cung, nối 06
cột bằng chất liệu gỗ lim); hệ thống vì mái (Thay 01 câu đầu hậu cung bằng chất
liệu gỗ lim); cửa (thay 20 cửa mới bằng gỗ lim) … và nhiều các cấu kiện kiến
trúc gỗ khác.
Ngoài ra phần ngói, sân đình, chấn song bao quanh đình cũng
được tu sửa và thay mới. Dự án được khởi công từ năm 2014 và hoàn thành vào
tháng 01 năm 2017 đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá xếp hạng
cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung.
Công trình tu bổ di tích đình Cam Giá hoàn thành đã góp phần
tăng cường mối quan hệ, hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam – Hoa Kỳ. Thông qua
đó thể hiện sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với những di sản văn hoá mà các thế hệ
người Việt Nam đã để lại, qua đó tạo mối quan hệ thân thiện cùng hướng tới
tương lai tốt đẹp.
Hiện nay Đình Cam Giá đã mở cửa và đón nhiều du khách thập
phương về chiêm bái, khi đến đây du khách có thể tham quan thêm mô hình sản xuất,
các sản phẩm của làng mộc Bích Chu (An Tường). Đây là một ngôi làng nổi tiếng về
kỹ thuật làm đồ gỗ với những nét chạm trổ, đục đẽo tinh xảo, làm ra những sản
phẩm đồ gỗ dân dụng như tủ, giường, bàn ghế, sập gụ tủ chè…và những đồ gỗ có
giá trị mỹ thuật cao gồm các tượng bày ở điện thờ, đình miếu, những bức đại tự
sơn son thiếp vàng…Đây có thể coi là một làng nghề truyền thống tiêu biểu mang
đậm nét đặc trưng văn hoá truyền thống thu hút được sự quan tâm, mến mộ của du
khách.
Kim Dung