Đình Cam Thịnh làng Cam Thịnh, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội thờ phụng đức Thành hoàng bản thổ Thổ Kỳ đại vương và đức Gia Hậu Thượng tướng quân Phù Việt hầu Cao Phúc Diễn cùng phu nhân là Giang Thị Thắng.
Đình Cam Thịnh quay hướng đông nam, toạ lạc giữa làng Cam Thịnh,
xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Địa danh Cam Thịnh xưa kia có tên là Cam Giá Thịnh,
thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Lộc, phủ Quốc Oai. Đến thời Lê Vĩnh Thịnh,
huyện Phúc Lộc thuộc về phủ Quảng Oai.
Làng Cam Thịnh trước đây có hai ngôi đình. Đình Ngoài có từ
xa xưa, đến thời Lê Trung hưng đã có quy mô khá đẹp. Đến năm 1949, giặc Pháp tạm
chiếm làng, chúng đã phá đình Ngoài nên di tích này đã bị mai một, còn ngôi
đình Trong là ngôi đình hiện nay còn tồn tại.
Ngôi đình này được dựng vào thời Lê Thần Tông (1619 - 1662)
do vợ chồng Thượng tướng Phù Việt hầu Cao Phúc Diễn cung tiến tiền của, đất đai
và hưng công cùng dân làng xây dựng lên để thờ Thành hoàng bản thổ Thổ Kỳ Tôn
Thần. Sau này, khi cụ Cao Phúc Diễn và phu nhân qua đời, dân làng Cam Thịnh nhớ
ơn đức, đã đưa hai cụ vào thờ tại đình làm Đức Thánh Gia Hậu.
Từ khi xây dựng ở thời Lê cho đến nay, đình Cam Thịnh đã được
trùng tu nhiều lần. Và lần lớn cuối trùng tu vào năm Bính Thìn (1916). Vì vậy
đình Cam Thịnh mang đặc trưng kiến trúc của thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX.
Quy mô kiến trúc hiện nay của đình Cam Thịnh gồm: Nghi môn,
Tả mạc và Đại đình. Nghi môn được xây dựng kiểu trụ biểu kết hợp với các bức tường
lửng. Hai bên lối đi chính là hai cột trụ biểu lớn. Cột có tiết diện hình vuông
với chân để to, thắt cổ bồng, tạo dáng bề thế uy nghi.
Tả mạc bốn gian kiểu tường hồi bít đốc. Bộ vì Tả mạc được
làm đơn giản, bào trơn đóng bén với kết cấu kiểu “kèo cầu quá giang” gối lên tường.
Đại đình được làm theo kết cấu chữ “đinh”, phần chuôi về làm cung cấm. Đại bái
3 gian 2 dĩ với các bộ vì 4 hàng chân cột.
Nối liền với gian giữa Đại bái là một chuôi về ba gian, bằng
hệ thống kẻ suốt chạy từ nóc xuống tàu mái. Bộ vì ngoài cùng của Hậu cung được
bưng kín và làm hệ thống cửa ngăn cách Đại bái với cung cấm. Bộ vì bên trong được
làm theo kiểu “chồng rường” với kỹ thuật bào trơn đóng bén.
Cung cấm được bưng kín các mặt trên một sàn gác lửng cao
1,8m. Dấu tích xưa nhất trong điêu khắc đình còn đọng lại ở một số rường nách của
các bộ vì đỡ hai mái hồi và ba đầu dư, kìm hình rồng ở hai bộ vì chính.
Những đầu rồng này tuy đã bị rụng, hỏng, mất nhiều chi tiết
đạo mác, chân... nhưng còn nhận rõ dáng vẻ: mũi hếch, trán nhô, mắt lồi, tại
dơi... đặc trưng của điêu khắc cuối thế kỷ XVII.
Đình Cam Thịnh được xây dựng để thờ đức Thành hoàng bản thổ
Thổ Kỳ đại vương và đức Gia Hậu Thượng tướng quân Phù Việt hầu Cao Phúc Diễn
cùng phu nhân là Giang Thị Thắng.
Đức Thành hoàng bản thổ Thổ Kỳ đại vương là vị thần bảo hộ,
phò trợ cho toàn dân làng Cam Giá Thịnh an khang, thịnh vượng, nhân lành vật thịnh.
Thần đã được tôn phong là: Thông duệ anh sáng trạc linh hiển tương bảo lựu phổ
hộ bật bích khang dân tế tự dực vận an cảnh khuông quốc tuyên uy phu huệ đình
ngang trung chính đại vương.
Thượng tướng quân Phù Việt hầu Cao Phúc Diễn là người làng
Cam Thịnh, đã có công phò vua giúp nước về nội trị và ngoại giao dưới thời Lê
Trung hưng. Gia phả còn cho biết cụ Phù Việt hầu Cao Phúc Diễn sinh vào năm
1596 và mất năm Quý Hợi (ngày 26/8) thọ 87 tuổi.
Ngay từ khi còn nhỏ, cụ đã tỏ ra thông minh tài trí hơn người.
Cụ đã được bố mẹ cho mời thầy về dạy học tại nhà gồm cả văn và võ. Với lòng đam
mê học tập cộng với tư chất thông minh vốn có, cụ đã trở nên nổi tiếng, và cụ
đã được vua mời làm quan ở triều đình.
Dưới thời vua Lê Thần Tông (1649 -1662), cụ đã được tiến
phong hàng: Nghị trưởng lang Chiêu Dũng hầu, sau đó được phong tới tước Phù Việt
hầu Thượng tướng quân.
Phu nhân của cụ là cụ bà Giang Thị Thắng. Bà là chị gái của
Thám hoa Giang Văn Minh. Với tấm lòng yêu mến quê hương Cam Thịnh, khi về già cụ
Phù Việt hầu Cao Phúc Diễn cùng phu nhân Giang Thị Thắng đã cung tiến đất đai,
tiền của cho làng, hưng công cùng dân làng Cam Giá Thịnh dựng một ngôi đình lớn
giữa làng để thờ Thành hoàng bản thổ của làng.
Đình Cam Thịnh hiện nay còn bảo lưu được nhiều di vật quý
giá: 5 đạo sắc phong, đạo có niên đại sớm nhất mang niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28
(1767), 1 tấm bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh 8 (1712), bia cao 132cm, rộng 80cm, dầy
21cm có hai mặt khắc chữ, 1 bộ kiệu mui luyện tạo tác ở thế kỷ XVIII. Các đòn
cái được cách điệu thành hình rồng. Đòn cái dài 4m đòn ngang dài 2,1m, khám kiệu
cao 2,1m và mui luyện uốn cong, 1 bộ long ngai bài vị thờ Đức bản thổ Thổ Kỳ đại
vương. Đây là tác phẩm điêu khắc cuối thế kỷ XVIII.
Đình Cam Thịnh đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích
lịch sử - văn hoá năm 2000.
Theo Hà Nội Danh thắng
và Di tích tập 01
Nguồn: Người Hà Nội