Đình làng Canh Hoạch (làng Vác), xã Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội. Theo thần phả đình thờ ba vị: Trình Lý Đại Vương, Cao Hàn Đại Vương triều đại Hùng Vương, Minh Lang Đại Vương là con của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn triều Trần.
Đình Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai là một trong những
di tích lịch sử văn hóa có niên đại khởi dựng từ sớm, có giá trị trên nhiều
phương diện nghiên cứu. Ngày nay, tuy di tích không còn giữ được sự bề thế vốn
có trước đây, song những giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật vẫn được bảo
tồn nguyên vẹn và có nhiều giá trị về nhiều mặt trong kho tàng di tích văn hóa
dân tộc. Đình Canh Hoạch được công nhận Di tích cấp quốc gia năm 1991.
Theo các cụ cao niên, xưa kia, làng Canh Hoạch có ba ngôi
đình là đình Cả, đình Diệc và đình Trung. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử,
đình Cả và đình Diệc đã bị hỏng, chỉ còn đình Trung. Dân làng đã chuyển các đồ
thờ, thần phả sắc phong của đình Cả, đình Diệc về đình Trung cùng để phối thờ.
Canh Hoạch có tên nôm là làng Vác, nên ngôi đình làng còn có tên là đình Vác.
Ngôi đình được tọa lạc trên khu đất cao rộng ở giữa làng,
ngoảnh về hướng Tây nhìn ra quốc lộ 21B. Theo cuốn thần phả, đình Canh Hoạch thờ
ba vị: Hùng Lý, Cao Hàn và Trần Quốc Uy. Vị thần thành hoàng thứ nhất là Trình
Lý Đại vương, vốn là một hoàng tử, con bà cung phi thứ sáu của Hùng Duệ Vương,
khi lớn lên có nhiều tài, được vua cha phong chức, làm quan trấn thủ Tam Giang.
Vị thần thành hoàng thứ hai là Cao Hàn Đại vương, cùng thời với Trình Lý Đại
vương. Khi nước Văn Lang có giặc, Cao Hàn được nhà vua giao cùng với Hùng Lý hợp
lực đánh giặc ở vùng Tam Giang. Vị thần thành hoàng thứ ba là Trần Quốc Uy, con
của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông vốn là người thông minh hiếu học, đỗ
đại khoa và được vua Trần phong làm quan, giữ việc binh, có công lao đánh giặc
Mông – Nguyên sang xâm lược nước ta.
Khi quân Thục mang quân tấn công bờ cõi ông Trình Lý và Cao
Hàn cùng Tản Viên mang quân chống giặc, đi qua Trang Cổ Trạch tức Canh Hoạch hiện
nay và xây dựng hành cung. Sau khi thắng trận Ông Trình Lý trở lại trang và mất
tại làng, còn Ông Cao Hàn mất tại Ái Châu.
Ở đình ba ông cũng được gọi là Đức Thánh Cả, Đức Thánh Hai
và Đức Thánh Ba có ngày lễ giỗ và ngày sinh hàng năm. Cách gọi giống ba vị Đức
Thánh Cả ở Vân Đình. Đình cũng nằm trong chuỗi nhiều đình đền thờ dòng Lạc Long
từ Bình Đà cho tới Ứng Hòa.
Riêng Minh Lang Đại Vương tên húy là Úy là con của ngài Quốc
Tuấn triều Trần, khi đi qua trang đóng quân, thì hai ngài trước hiển linh nên
Úy Công nhận làm thần tử. Sau khi thắng giặc Nguyên Mông ngài có trở lại trang
trùng tu miếu đền. Sau đó ngài mất ở Kiếp Bạc từ đó thờ chung tại làng.
Mặt bằng tổng thể khu di tích bao gồm cổng đình, sân đình,
hai ngôi nhà tả, hữu mạc, ngôi nhà đại bái, trung cung và hậu cung. Đầu tiên là
cổng đình được xây dựng theo kiểu bốn trụ biểu hoa dành tạo lối vào ra để cho
dân làng vào lễ thánh. Bốn cột trụ xây gạch thành khối hình vuông cao to, chia
làm ba phần: đế, thân và đỉnh. Phần đế hình khum tạo thế vững chắc cho thân và
đình trụ. Phần thân trụ xây khối hộp hình chữ nhật, ngoài trang trí gờ chỉ,
trong lòng viết câu đối ca ngợi truyền thống quê hương và công đức của vị Thành
hoàng. Trên đình trụ đắp hộp đèn lồng và hoa cành cách điệu cánh bốn mùa: Xuân,
Hạ, Thu, Đông, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Tiếp đó là sân đình được lát gạch đỏ, đăng đối qua sân đình
có hai ngôi nhà tả mạc và hữu mạc. Hai ngôi nhà đều có ba gian, xung quanh xây
gạch, tường hồi bít đốc, mái chảy lợp ngói mũi mỏng, các bộ vì kiến trúc làm
theo kiểu thức kèo cầu quá giang, thiên về bào tròn đóng bén. Những công trình
kiến trúc chính gồm ngôi nhà đại bái, trung cung và hậu cung cấu trúc liên kết
theo kiểu chữ Công. Ngôi nhà đại bái ở phía trước cấu trúc mặt bằng hình chữ Nhất
có năm gian, tường hồi xây gạch bít đốc kìm đấu vuông khóa bờ nóc, hai mái chảy
lợp ngói mũi. Bộ khung nhà kiến trúc ba hàng chân cột gỗ tròn nâng các bộ vì được
làm theo kiểu thức chồng rường giá chiêng, bẩy hiên.
Tiếp đến là ngôi nhà trung cung, nhà cầu nối đại bái với hậu
cung, có ba gian hẹp. Sau đó là ngôi nhà hậu cung ba gian hình chữ Nhất chạy
song song với nhà đại bái. Ngôi nhà này xây tường gạch bao quanh, đầu hồi bít đốc
kìm đấu vuông khóa bờ nóc, hai mái chảy lợp ngói mũi.
Về kiến trúc bên trong của ba ngôi nhà đều chung một kiểu thức
bộ khung nhà làm bằng gỗ, bốn hàng cột tròn, các bộ vì theo kiểu thượng chồng
rường, hạ bẩy. Về điêu khắc và nghệ thuật trên các lớp kiến trúc gỗ có hoa lá
cách điệu, lá hóa rồng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn muộn, như dòng chữ
trên thượng lương ghi xây dựng đình vào năm 1912.
Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự của ba ngôi
đình dồn lại. Trong đó, có hai hương án thời Nguyễn được chạm đục kênh bong rồng,
phượng, hoa lá cách điệu, một cuốn thư trên diềm ngoài có đục chạm kênh bong
các hoa văn tứ quý, trong lòng họa bài thơ làm theo thể ngũ ngôn bát cú với nội
dung ca ngợi công đức Thành hoàng. Đặc biệt, trong đình còn lưu giữ được 9 đạo
sắc phong và một cuốn thần phả ghi sự tích các vị thần được thờ làm Thành hoàng
của làng Canh Hoạch.
Về lễ hội, trước kia lễ hội làng Canh Hoạch từ ngày 11 đến
13 tháng 3 âm lịch. Xưa kia hình thức tổ chức lễ hội tiến hành như sau: Ngày
11/3 dân làng tổ chức rước ba cỗ kiệu thành hoàng, kiệu Đức Thánh Cả Trình Lý
đi trước, tiếp kiệu Đức Thánh Hai Cao Hàn và kiệu Đức Thánh Ba Trần Uất từ đình
xuống cổng dinh vào đình sắc rước sắc các vị thành hoàng ra đình. Sau đó, làng
dùng kiệu đốn xuống rước bát nhang Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng từ Nhà thờ Trạng
nguyên họ Nguyễn và lại rước bát nhang Thường quốc công ở đình Sắc về đình Đụn
phối hưởng tế cộng đồng. Ngày 13/3, dân làng tổ chức rước sắc, rước bát nhang
trạng nguyên và Thường quốc công hoàn cung.
Ngày nay, ngày 11 tháng 3 âm lịch cả làng cùng ra đình sửa
sang đồ lễ, dựng cổng chào và các cây nêu, thân nêu cắm bông tre nhuộm màu đẹp
mắt. Sáng hôm đó, dân làng tổ chức tế nghênh (tế mời) sang buổi chiều, khoảng 3
giờ dân làng mới cất vai kiệu tổ chức rước ra, đám rước lớn có đội cờ, đội trống,
đội bát âm, bát bửu, gươm hầu, đội múa xênh tiền (12 đến 16 em gái), làng có 4
xóm rước 4 cỗ kiệu, theo trình tự sau: Đi đầu là kiệu đốn (kiệu cỗ) rước quan
Trạng. Tiếp kiệu bát cống rước bài vị Đức Thánh Cả, choàng áo đỏ. Tiếp kiệu rước
bài vị Đức Thánh Hai, choàng áo vàng. Tiếp kiệu rước bài vị Đức Thánh Ba,
choàng áo vàng.
Ngoài ra, các xóm lẻ và xóm chợ của phố Vác có các cỗ kiệu
nhỏ rước cỗ, rước lẵng hoa đi kèm đám rước. Đặc biệt, người làng Vác còn tạo đội
hình rước quạt, một sản phẩm độc đáo của nghề làng, trong đó, có 1 chiếc quạt
thờ đặt trong hậu cung của đình làng được làm vào đầu thế kỷ XX. Quạt dài 83cm,
khi xòe tạo thành nửa vòng tròn, đường kính 158cm. Hai nan cái bằng sừng trâu
đánh bóng đen nhánh, hình mái chèo, chỗ rộng nhất của bản nan là 7,3cm. Đầu quạt
to bằng trứng ngỗng. Mặt nan cái bằng sừng, chạm hổ phù và hình rồng cuốn thủy.
Mặt quạt bằng vải lụa.
Phù giá mỗi cỗ kiệu thánh có 2 người vác quạt tre. Hai đội
múa rồng biểu diễn dẹp đám từ đầu đám đến cuối đám. Đoàn rước từ đình là đường
22 đi qua ngã tư Vác đến ngõ vào Nhà thờ Trạng nguyên họ Nguyễn thì kiệu đốn
tách ra rước cỗ vào nhà thờ còn các cỗ kiệu khác đi tiếp xuống đầu làng và quay
ngược lên. Kiệu đốn được hạ xuống đặt trước sân nhà thờ Trạng nguyên. Đó là nơi
thờ kế tiếp 3 đời đỗ Đại khoa của dòng họ Nguyễn là tiến sĩ Nguyễn Bá Ký, Trạng
nguyên Nguyễn Đức Lượng, tiến sĩ Nguyễn Khuông Lễ.
Các lão làng Canh Hoạch dâng tiến lễ vào nhà thờ quan Trạng,
sau một tuần tế ông trưởng họ và các lão làng mang bát nhang quan Trạng ra đặt
lên kiệu Đốn và dân làng cùng rước kiệu và cờ biển của Trạng nguyên ra đường
cái lớn nhập vào đoàn rước của làng đang đợi ở đó, vẫn theo trình tự kiệu rước
quan Trạng đi đầu. Đoàn rước đi qua cửa đình xuống cổng Dinh ở cuối làng thì một
kiệu đi lối cửa đình vào rước bát nhang ông Thường quốc công ở nhà Sắc.
Ngày 12 tháng 3 âm lịch (chính hội), các cụ tổ chức tế, dân
làng dâng 1 lễ mặn gồm mặt lợn và ván xôi đầy.
Ngày 13 tháng 3 âm lịch, các xóm trong làng ra đình lễ tạ, mâm lễ chỉ
làm đồ chay (hương hoa, oản quả…) tổ chức các trò chơi dân gian như đấu cờ,
đánh gậy hát chèo sân đình; đến chiều, sau tuần tế tiễn thì dân làng tổ chức rước
kiệu đốn đưa bát nhang quan Trạng và quan võ Thường quốc công về yên vị, gọi là
rước hoàn cung Thánh giá. Dân gian có câu: “Mười một rước ra, mười ba rước về”
là vậy.