Đình Cao Đình, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh thờ phụng Tam vị thành hoàng làng là Cao Sơn Quý Minh, Cao Sơn Đống Vang, Cao Sơn Hưng Phúc, những vị danh tướng người địa phương có công phò giúp vua Lý Thái Tổ đánh giặc Chiêm Thành.
Theo tư liệu tại địa phương, đình thôn Cao Đình, xã Tri
Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh được khởi dựng từ lâu đời, có quy mô to lớn,
chạm khắc lộng lẫy tinh xảo nghệ thuật, nổi tiếng khắp vùng.
Trong kháng chiến chống Pháp, đình bị hạ giải để thực hiện
tiêu thổ kháng chiến. Hòa bình lập lại, dân làng dựng tạm tòa Hậu cung. Năm
1989, người dân dựng lại ngôi đình với 5 gian Tiền tế và 1 gian Hậu cung, nhưng
quy mô nhỏ. Đến năm 2007, dân làng cùng nhau công đức phục dựng lại tòa Đại
đình với quy mô to lớn khang trang ngày nay.
Nghi môn đình thôn Cao Đình.
Bức bình phong phong thủy tại đình.
Chiếu nghỉ được chạm khắc tinh xảo.
Đình thôn Cao Đình xây dựng trên khung cảnh thoáng rộng, có vị
trí địa lý, cảnh quan đẹp của làng. Đình mới được xây dựng lại, nhưng người dân
địa phương đã thiết kế ngôi đình với dáng vẻ và phong cách truyền thống.
Phía trước đình là sân gạch rộng với cây cổ thụ xanh mát,
bên trái đình là nhà dải vũ 5 gian, bên phải là ao đình.
Tòa Đại đình kiến trúc kiểu chữ Đinh.
Tòa Đại đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh 5 gian, kết nối với
3 gian Hậu cung, quayhướng Tây Nam, bộ khung chịu lực bằng bê tông cốt thép,
nhưng phần vì nóc xà hoành, dui mè được chế tác bằng gỗ quý. Mái đình thiết kế
truyền thống, lợp ngói ta, 4 góc đắp mũi đao cong đầu rồng. Bờ nóc đắp “Lưỡng
long quán nhật”.
Bờ nóc nắp nổi “lưỡng long quán nhật”.
Mái đình đao cong.
Các vì nóc được chế tác kiểu “con chồng giá chiêng”, kết nối
xà dọc với 4 hàng cột dọc và 6 hàng cột ngang. Trên các chi tiết đầu dư, cốn, bẩy
được chạm khắc trang trí với đề tài “ tứ linh-tứ quý”, hoa lá mây cách điệu nghệ
thuật. Cửa mở 3 gian Tiền tế hướng Tây - Nam, thiết kế cửa theo kiểu thượng
song hạ bản.
Gian thờ tại tòa Tiền tế.
Hậu cung 3 gian. Vì nóc kết cấu kiểu “con chồng giá chiêng”
liên kết 2 hàng cột ngang, 3 hàng cột dọc; tường xây bít đốc hai bên hồi và hậu.
Ngăn giữa Tiền tế và Hậu cung là bức cửa cấm bằng gỗ chạm khắc rồng lộng lẫy,
sơn son thiếp vàng.
Bức cửa võng bằng gỗ chạm khắc đẹp.
Ban thờ với Long ngai, bài vị Tam vị Thành hoàng làng trong Hậu cung.
Trong đình hệ thống các ban thờ tự bài trí thành kính trang
nghiêm. Đình lưu giữ một số đồ thờ phụng, chế tác tinh xảo theo phong cách thời
Hậu Lê như ngai thờ, sập chân quỳ da cá, cuốn thư, hương án, long đình, kiệu
bát cống, bát bửu, Đình còn lưu giữ được các đạo sắc phong từ thời Nguyễn.
Kiệu bát cống.
Bộ bát bửu tại đình.
Hàng năm, cứ đến ngày 10 tháng 2 (âm lịch), đình Cao Đình mở
hội, dân làng tổ chức nghi thức rước ngai bài vị Thành hoàng từ nghè về tại
đình làng để tế lễ mở hội. Sau đó, tổ chức các nghi thức tế lễ Thành hoàng làng
tôn nghiêm long trọng. Ngày 11, dân làng tổ chức lễ tạ giã đám.
Các đạo sắc phong.
Trong những ngày lễ hội, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục
trò chơi dân gian đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc như: đu cây, chọi gà, kéo
co, đập niêu, cờ tướng cùng các hình thức diễn xướng dân gian như: tuồng, chèo,
quan họ.
Đặc biệt đây là vùng đất chèo nổi tiếng nên lễ hội thu hút
đông đảo người dân địa phương và ngoài làng xã cùng tham gia, duy trì và phát
triển truyền thống văn hóa lịch sử của quê hương.