Đình Cao Thượng – Nơi phụng nhị thánh Cao Sơn - Quý Minh, nghĩa quân của anh hùng Đề Thám đã giúp dân tu sửa lại đình và dựng lại ngôi chùa trên nền chùa xưa sau khi bị giặc Pháp đốt phá.
Đình Cao Thượng nằm ở phía Đông-Nam núi Yên Ngựa, làng Cao
Thượng, xã Cao Thượng, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã vinh dự được Chính phủ công
nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Nơi đây đã in đậm dấu chân của người
Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế cách đây 130 năm.
Đình Cao Thượng gồm toà đại đình 5 gian 2 dĩ, hậu cung 3
gian thờ đức thánh Cao Sơn - Quý Minh. Đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu,
mang đặc trưng phong cách nghệ thuật của thời Lê thế kỷ XVII.
Đặc biệt trong thời gian có phong trào khởi nghĩa Yên Thế,
nghĩa quân do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đã có mối liên hệ rất mật thiết với làng
Cao Thượng và đình Cao Thượng. Bởi thế, Đề Thám đã cho lập căn cứ trên núi Yên
Ngựa thuộc khu vực đình Cao Thượng.
Năm 1890, thực dân Pháp dò biết ở núi Yên Ngựa có quân của cụ
Đề nên đã tổ chức lực lượng tấn công đánh nghĩa quân. Bị thất bại, chúng điên
cuồng đốt phá đình, chùa và núi Yên Ngựa.
Trong thời kỳ hòa hoãn lần thứ 2 giữa Pháp và Đề Thám
(1897-1909), Đề Thám đã giúp dân tu sửa lại đình và dựng lại ngôi chùa trên nền
chùa xưa. Những chứng tích lịch sử và quá khứ hào hùng của di tích đình Cao Thượng
đã là niềm tự hào của cán bộ và nhân nơi đây.
Ngoài những nét độc đáo về kiến trúc, chứng tích lịch sử,
Đình Cao Thượng còn được biết với phiên chợ đặc biệt vào mùng 2 Tết hàng năm đó
là "Phiên chợ Âm dương”. Đặc biệt bởi lẽ "Phiên chợ Âm dương” mỗi năm
chỉ họp một lần ấn định vào ngày mùng 2 Tết. Người đi chợ đều vui vẻ, thoải mái
về tinh thần, họ quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã
chết và cuộc sống tâm linh của họ sẽ thanh thản hơn.
Cũng theo các bậc cao niên ở đây và lịch sử ghi lại thì trước
kia có thời gian, giặc Pháp đóng ở đồn Mỏ Thổ, chúng không cho người dân nơi
đây họp chợ nhưng nhân dân đi kiện quan Pháp để đòi quyền họp chợ.
Sau đó, chợ được rời sang chợ Mọc (thị trấn Cao Thượng ngày
nay) nhưng ở Cao Thượng, nghĩa quân Đề Thám vẫn bí mật tổ chức chợ đêm vào mùng
2 Tết hàng năm, thực chất là để trao đổi thông tin, tiếp cận với các nhân sĩ yêu
nước ở khắp nơi đứng lên giải phóng dân tộc, phá ách nô lệ.
Từ đó hình thành chợ đêm độc đáo và tồn tại cho đến ngày
nay. Đồng thời tại đình Cao Thượng, vào ngày 12,13 tháng Giêng hàng năm, địa
phương lại tổ chức hội làng thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương tham
gia.
Có thể nói, đình Cao Thượng là một ngôi đình cổ to đẹp lộng lẫy, bề thế nhất
vùng Tân Yên. Nơi đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc.
Đặc biệt, là cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của người Anh hùng dân tộc
cùng nghĩa quân cách đây 130 năm- Một di tích quốc gia đặc biệt cần được bảo vệ
để đình Cao Thượng mãi trường tồn với thời gian.
Ths Nguyễn Thy Ngà