Đình Cao Thượng nằm ở phía Đông-Nam núi Yên Ngựa, thuộc làng Cao Thượng, xã Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Đình thờ phụng thành hoàng làng là Cao Sơn Đại vương – Quý Minh Đại vương thời Hùng vương thứ 18 và là chứng tích lịch sử cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.
Đình và chùa Cao Thượng là cụm di tích lịch sử. Đình được
xây dựng từ thời Lê có kết cấu 5 gian, 2 dĩ, vật liệu được tuyển lựa kỹ, đình
có mái lợp ngói ta, xây tường bao vữa vôi mật mía, gỗ lim khai thác từ đại ngàn
nguyên sinh với hơn 40 cây cột một người ôm.
Trước đình là đường liên xã, người dân thường tổ chức rước
thánh trong lễ hội, bên phải đình là đường làng Cao Thượng. Sau đình là chợ Cao
Thượng, cạnh chợ là chùa Trăm Gian (chùa Cao Thượng) với nhiều cây cổ thụ xum
xuê và hồ sen thơm ngát. Đây là một khu vực đẹp, cao thoáng, rộng rãi nhất vùng.
Đường liên xã chạy thẳng qua cửa đình nối với tỉnh lộ trải
nhựa (800m) lên trung tâm huyện Tân Yên.
Tương truyền gỗ làm đình được chở từ tỉnh Thanh ra, đóng bè
ngược dòng sông Thương. Khi gỗ về đến làng Hậu (có di tích đình Vường) thì nước
cạn. Dân làng Hậu đã đổ ra kéo bè gỗ giúp làng Cao Thượng dựng đình. Từ đó, dân
2 làng kết ước gọi là “Dân ước” coi như anh em ruột thịt, gắn bó giúp đỡ nhau
khi có thiên tai, dịch hoạ…
Đầy đủ nguyên vật liệu, làng Cao Thượng đón 4 hiệp thợ giỏi
dưới xuôi lên xây dựng một ngôi đình bế thế nhất vùng Yên Thế Hạ. Đến thời Nguyễn,
đình được hoàn thiện, dựng thêm hậu cung để thờ tự Thành hoàng 1 gian 2 dĩ, 4
mái đao cong, cửa cấm thâm nghiêm, bày khám thờ đặt long ngai, bài vị thờ Nhị
Thánh Tản Viên. Đình Cao Thượng là một trong những ngôi đình cổ xưa trong tứ trấn,
còn lại từ thời Lê Trung Hưng.
Sang thế kỷ 18, đình Cao Thượng được làm thêm hậu bầu, hai
bên tả, hữu vu, mỗi dãy 3 gian và cổng tam môn.
Đầu năm 1895, đình Cao Thượng trùng tu lớn. Bà Nguyễn Thị
Vang (còn gọi là bà Lý Định) đã cúng 5 mẫu ruộng và 1.000 đồng bạc trắng để cho
dân hai làng tu sửa lại đình nhưng vẫn giữ lại dáng vẻ của ngôi đình thời Lê
(thế kỷ XVIII). Bà đã được thờ phụng tại đình như hậu đình.
Cũng như bao ngôi đình cổ xứ Bắc, đình Cao Thượng thờ hai vị
Thành hoàng làng là Cao Sơn Đại vương và Quý Minh Đại vương, những danh tướng thời
vua Hùng Duệ Vương, có công phò giúp triều đình đánh giặc giữ nước “hộ quốc tý
dân”, chống thiên tai, dịch bệnh, được các triều đại đời sau ban sắc, phong thần.
Ngôi đình cổ tỉnh Bắc Giang ngày nay còn giữ được khá nguyên
vẹn kết cấu kiến trúc của thời Lê Trung Hưng. Đình Cao Thượng nằm phía trước
làng Cao Thượng, quay hướng tây-nam, nhìn ra cánh đồng rộng trước làng, giáp xã
Việt Lập.
Kiến trúc đình Cao Thượng mang tính truyền thống của đình
làng Việt Nam, bao gồm có Nghi môn, sân đình, Nhà Tả hữu mạc, Đại đình, Hậu
cung. Đai đình rộng tới một sào Bắc Bộ, một công trình kiến trúc gỗ cổ có quy
mô lớn nhất vùng. Đại đình có 4 mái xoải rộng, uốn đầu đao cong vút, bờ nóc gắn
hoa chanh. Đầu hồi được đắp mặt hổ phù theo phong cách thời Nguyễn trong những
lần tu sửa sau này.
Bộ khung của đình có kết cấu từ các vì kèo và hệ thống cột
cái, cột quân, vì kèo kết cấu kiểu thượng con chồng-giá chiêng, hạ con chồng, cốn,
kẻ với, liên kết với nhau bằng các xà dọc chạy xuốt, mộng mang cá. Cột cái có
đường kính đến 70 phân, cho thấy quy mô đồ sộ của ngôi đình.
Vì kèo tòa Đại đình có 6 hàng cột cái và quân, tổng cộng 48
cột, hàng giữa là 8 cột cái rất lớn và cao, hầu như không có ở bất cứ đình nào thuộc
tỉnh Bắc Giang. Đây là đặc trưng nổi bật nhất trong kiến trúc của đình Cao Thượng.
Toàn bộ nền đình cao hơn sân đình 45 cm, lát gạch Bát Tràng
khổ lớn. Tường xây gạch chỉ cổ, 4 góc có 4 cột gạch đỡ mái xoải vươn ra gần 2m.
Phong cách thiết kế đã tạo nên sự bay bổng, nhẹ nhàng, thanh thoát cho mái đình,
có kết cấu nghiêm cẩn, hùng tráng.
Đình Cao Thượng kiến trúc theo kiểu chữ Nhị, toà Hậu cung
thâm nghiêm được xây song song với đại đình một gian 2 dĩ, 4 mái đao cong, 4
hàng cột lim lớn, mái trước liền kề với mái sau của đại đình.
Đã hơn 300 năm trôi qua kể từ khi khởi dựng, nhưng vẫn còn
nguyên vẹn những mảng phủ điêu tuyệt tác, chạm lộng tinh xảo, sống động trên cốn
trước, cốn sau, cốn trên, cốn dưới với những đề tài phong phú: “long ổ”, “long
vân đại hội”, “lưỡng long tranh châu”, “long hí cầu”, cùng với các linh vật
khác như nghê, hổ. Một chủ đề khác cũng được các nghệ nhân thời xưa tập trung
miêu tả trong các mảng chạm khắc trang trí, đó là cuộc sống đời thường, có rất
nhiều các bức phù điêu miêu tả người cưỡi voi, hai người hội kiến, đoàn quân ra
trận, tiên múa, đánh cờ.
Hiện đình còn lưu giữ được nhiều đạo sắc phong của triều
Nguyễn với các niên đại khác nhau, gia phong nhị Thánh Cao Sơn Đại vương, Quý
Minh Đại vương là Thượng đẳng thần.
Lễ hội tế lễ nhị vị thành hoàng được dân làng tổ chức trọng
thể và tôn nghiêm với đầy đủ các tiết lệ, xuân thu nhị kỳ lễ hội được mở vào 12
tháng giêng và 20 tháng tám (âm lịch) trong lễ hội có rước kiệu tôn vinh thần
và thực hiện trang nghiêm nghi thức tế tự.
Từ 12 đến 14 tháng giêng, hai làng Cao Thượng và Đầu Cầu đến
mở hội lớn suốt 3 ngày, rước thánh từ đình Chanh và đình Trên về đình Chợ (đình
Cao Thượng gần chợ nên còn gọi là đình Chợ).
Hai làng tổ chức lễ tế rất lớn và hát ca trù dâng thánh. Phần
hội được tổ chức các hoạt động thể thao văn hóa như vật, cờ bỏi, chọi gà, nhẩy
phỗng… Buổi tối, chính quyền và người dân địa phương tổ chức các hoạt động văn
nghệ dân gian như: hát tuồng, hát chèo. Những hoạt động này đã trở thành hội lệ
thiêng liêng của người dân địa phương.
Nguồn: Dân tộc & Thời đại, số87, 2/2006