Đình Cát Bi, phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng thờ phụng vua Ngô Quyền, vị anh hùng dân tộc đã đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 và danh tướng Phạm Tư Nghị thời Mạc
Tràng Cát, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa và
cách mạng. Nơi đây còn bảo lưu nhiều di sản giá trị như đền - chùa Trực Cát,
đình Lương Khê, đình Cát Khê, đình Cát Bi.
Chưa rõ tên Cát Bi xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng sách
Việt Sử lược đời Trần đã chép về vùng này như sau: Năm Mậu Tuất, Long Thụy Thái
Bình thứ năm (1058), mùa thu tháng 9, vua ngự ra cửa biển Ba Lộ, nhân đó cho
xây dựng tháp Đồ Sơn. Theo các dịch giả suy đoán, Ba Lộ lúc đó chính là cửa biển
gần địa phận khu dân cư Cát Bi, Tràng Cát ngày nay. Bỉ cũng có thể gọi là Ba. Vậy
Bi Lộ hay Ba Lộ phải chăng là tên cũ của Cát Bi thời Lý...?.
Cát Bi là một trong số 17 làng cổ như Đông Khê, Phụng Pháp,
Hàng Kênh, Dư Hàng, Cát Bi, Gia Viên, Lạc Viên, Thượng Lý, Hạ Lý, An Chân, An
Biên, Vĩnh Lưu, Hạ Đoạn, Đoạn Xá, Vạn Mỹ, Trực Cát, Đồng Xá được vua Tự Đức năm
thứ 6 (1853) phong sắc cho phép thờ Ngô Vương Quyên - người anh hùng dân tộc.
Tổ trung hưng của nên độc lập dân tộc Việt Nam. Đình Cát Bi
còn thờ Phạm Tử Nghi, người xã Vĩnh Niệm, huyện An Dương cũ, danh tướng triều Mạc,
người có công đắp con đường đê Thiên Lôi nổi tiếng ở Hải Phòng.
Đình Cát Bi xưa được trùng tạo vào thời Lê thế kỷ 17 trên gò
đất linh địa. Theo lịch sử địa phương và ký ức của các nhân chứng người Cát Bi,
Tràng Cát, do ảnh hưởng của trận lụt lịch sử năm 1955, nhất là trong cuộc kháng
chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, ngôi đình làng Cát Bi đã phải di dời
3 lần.
Hiện trên nền đỉnh cũ còn 2 tấm bia cổ, một đã mờ hết chữ, một
bia được tạo vào năm Lê Long Đức thứ 3 (1734) ghi việc bầu hậu thần của làng cũ
Cát Bi. Đình Cát Bi nay đã được xây dựng lại tại vị trí mới gần đường giao
thông và trung tâm hành chính phường.
Đình có bố cục kiến trúc kiểu chữ đinh “J” gồm 2 gian tiền
đường, 2 gian cung cấm. Mặt chính ngôi đình quay về hướng Tây, hướng được cho
là phù hợp với quy luật âm dương. Theo hướng này, thần gần dân và ban phúc cho
dân thường xuyên hơn.
Kết cấu vì nóc mái đình kiểu “giá chiêng”. Hai chái đầu đình
tạo thành những mái đao cong duyên dáng kết hợp với các đường nét trang trí đắp,
về nơi bờ nóc mái tạo đôi rồng chầu mặt trời, đầu đao, bờ chảy, bờ góc tạo hình
con giống khá sinh động góp phần tô điểm thêm cho kiến trúc công trình văn hóa
tâm linh.
Tại đình Cát Bi hiện còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật
có giá trị về mặt mỹ thuật và lịch sử sắc phong, bia đá. Bên trong đình, tại
gian hậu cung là nơi đặt khám, tượng Ngô Vương Quyền; 2 bên tả, hữu có đặt ngai,
bài vị Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi.
Đình Cát Bi bên cạnh các chức năng là nơi thờ cúng các vị
nhân thần có công, các anh hùng dân tộc, nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa tinh thần
của nhân dân, còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện chính trị trọng đại của địa phương.
Tại đình làng Cát Bi, ngày 7/9/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng
đã tuyên truyền vận động một số quần chúng kéo xuống đảo Đình Vũ, phá nhà Đoan
của Pháp. Đầu năm 1945, trong khí thế cả nước nhất tề nổi dậy theo lời kêu gọi
của Việt Minh, đội tự vệ quần chúng khu vực Tràng Cát được thành lập và làm lễ
tuyên thệ tại đình, có nhiều thanh niên trai tráng là người Cát Bi, Trực Cát
hăng hái gia nhập lực lượng Việt Minh.
Từ năm 1946 - 1953 là nơi hoạt động của lực lượng kháng chiến,
phá tề, trừ gian, xây dựng củng cố lực lượng kháng chiến. Đầu năm 1954, đình
làng Cát Bi là nơi tập kết bộ đội địa phương, trinh sát của đơn vị chủ lực về
nghiên cứu tình hình địch, xây dựng các phương án đột kích phi trường Cát Bi,
lãnh đạo cơ sở đấu tranh phá tề, trừ gian, ủng hộ công cuộc kháng chiến.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình Cát Bi là nơi tập
kết phương tiện chiến đấu của lực lượng dân quân phòng thủ ven biển, sát cánh
cùng bộ đội chủ lực chiến đấu bảo vệ vùng biển quê hương.
Đình Cát Bi không những là địa điểm bảo tồn, lưu giữ những
giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân
dân mà nơi đây còn là địa chỉ đỏ gắn liền với quá trình đấu trang cách mạng của
nhân dẫn Hải Phòng nói chung và nhân dân phường Tràng Cát nói riêng.
Đình Cát Bi được Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng xếp hạng
di tích lịch sử kháng chiến theo Quyết định số 154/QĐ-UBND ngày 27/1/2011.
Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng