Đình là nơi thờ 2 vị thành hoàng là Đức vương Ngô Quyền và danh tướng Phạm Tử Nghi. Đây là ngôi đình gắn với sự kiện đấu tranh chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng địa phương.
Đình Cát Khê có từ lâu đời, tọa lạc bên phải đường trục đến
trụ sở phường Tràng Cát, quận Hải An.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, đình Cát Khê là địa điểm
in truyền đơn bí mật kêu gọi đấu tranh với chính quyền tay sai của địch, cũng
là nơi thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời, huấn luyện lực lượng tự vệ Hải An
và tổng Trực Cát.
Ngày 23/11/1946, đình là nơi xuất kích của lực lượng vũ
trang thành phố trong trận đánh đầu tiên vào sân bay Cát Bi làm cháy 1 kho bom,
1 máy bay và xe, thu nhiều vũ khí, đạn dược của địch. Giai đoạn 1946-1955, đình
Cát Khê được ghi nhận như một “địa chỉ đỏ” đánh dấu thời điểm đấu tranh anh
dũng, kiên cường, cùng cả nước đánh đuổi thực dân xâm lược.
Sau những năm tháng chiến tranh, đình được tôn tạo, trùng tu
lại, trở thành điểm di tích tín ngưỡng tại phường Tràng Cát và các địa phương
lân cận. Đình có bố cục mặt bằng kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian bái đường và 2
gian cung chuôi vồ. Mặt chính của đình quay hướng Tây ghé Nam, kết cấu vì nóc
mái kiểu bằng “kẻ chồng-đấu sen”.
Nóc mái đình chính giữa đắp nổi thức “lưỡng long chầu nguyệt”,
tòa bái đường đặt ban thờ cộng đồng, 2 bên là nơi thờ các liệt sĩ trong các cuộc
kháng chiến chống ngoại xâm. 2 gian cung chuôi vồ đặt khám và tượng 2 vị thành
hoàng trong tư thế thiết triều.
Phía Đông-Nam của đình còn có ban thờ thánh Mẫu. Theo truyền
sử của địa phương, vị mẫu được nhân dân Cát Khê thờ cúng là thân mẫu của tướng
Phạm Tử Nghi.
Hiện nay, đình còn lưu giữ một số cổ vật có giá trị như:
hương án chất liệu phủ sơn son thiếp bạc; tứ linh trạm 4 mặt niên đại thời Nguyễn;
khám tượng, tượng 2 vị thành hoàng…
Hằng năm, vào dịp 3-3 âm lịch, nhân dân làng Cát Khê xưa (tổ
dân phố Cát Khê ngày nay) lại tưng bừng mở hội suy tôn công đức của 2 vị thành
hoàng có công với nước, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống cho người dân.
Đồng thời, tưởng nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ của địa
phương và những liệt sĩ đã hy sinh tại đây. Với những dấu ấn trong cuộc đấu
tranh giải phóng dân tộc, đình Cát Khê được UBND thành phố công nhận là Di tích
lịch sử cách mạng theo Quyết định số 890/QĐ-UBND ngày 30/5/2008.