Đình Chàng Nam, phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì thờ Đức Nguyên Triều Lệ hay Nguyễn Triệu Lê Đại Vương, tên húy là Lữ Gia và bà Quế Hoa Nương thần nữ thiếp của Lữ Gia và bà Ngọc Dung hoa nương thần nữ cô của Lệ Đại Vương tức Lữ Gia.
Đình Chàng Nam - Chùa Nam Thanh là một trong những quần thể
di tích lịch sử văn hóa nằm trong vùng đất Kinh đô của Nhà nước Văn Lang xưa.
Di tích được Ủy ban nhân dân Tỉnh Phú Thọ công nhận là Di tích lịch sử văn hóa
cấp Tỉnh theo quyết định số 2874/QĐ- UBND ngày 20/10/2005.
Với tổng diện tích 899 m2, Đình Chàng Nam - Chùa Nam Thanh
được xây dựng theo hướng Đông, với kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh.
Căn cứ vào cuốn ngọc phả còn lưu giữ, Đình thờ 3 vị:
Một là Đức Nguyên Triều Lệ Đại Vương (tên húy là Lữ Gia);
Hai là Quế Hoa Nương Thần Nữ (Tiểu thiếp của Lệ Đại Vương);
Ba là Ngọc Dung hoa nương thần nữ (Cô của Lệ Đại Vương);
Thực ra tên Quế Hoa chỉ dòng Ma Thị, Tày Thái và tên Ngọc Hoa
chỉ dòng Lạc. Cùng cụm nơi đây còn Đình Chàng Đông và khu chùa Bối Linh nơi Hai
Bà Trưng chờ thời.
Theo truyền thuyết ghi lại rằng, thời nhà Triệu có ông Lã
Công biết nghề làm thuốc lấy bà Trương Thị Vy ở quận Vũ Minh. Ông bà cầu tự được
một người con trai đặt tên là Gia. Lữ Gia vốn thông minh trí tuệ khác người, 5
tuổi đã biết âm luật, 12 tuổi đã đọc thông các sách bách gia thi sử.
Đến thời Vua Triệu Văn Vương mở khoa thi kén chọn người tài,
Lữ Gia ứng thi đều đỗ cả văn lẫn võ và đã được phong chức Thị Tụng tham quan. 6
năm sau Vua phong chức Tể Tướng. Đến thời Vua Minh Vương phong làm Thừa Tướng.
Đến thời Vua Triệu Ai Vương, do ăn chơi vô độ, Hán Vũ Đế đưa
20 vạn quân sang xâm lược nước ta. Vua sai Lữ Gia thống lĩnh 15 vạn quân đi
đánh đuổi giặc Hán.
Với tài trí mưu lược, ông đã chỉ huy đánh cho quân Hán nhiều
trận thua to không thể tiến quân thêm được. Biết ông có tài mưu lược, giỏi võ
nghệ, không thể dùng binh lực đánh thắng được ông, Tướng Hán đã dùng mưu bằng
cách mua chuộc bọn tham quan trong triều đình để phao tin là ông có ý chủ hòa với
quân Hán.
Vua tin lời phao đó, đã hạ chức ông xuống làm Huyện Doãn huyện
Phong Châu. Nhân cơ hội này quân Hán phối hợp với bọn nịnh thần phản nước tiến
quân đánh thẳng đến Kinh thành và nhà Hán đã chiếm được nước ta.
Nhà Triệu mất ông cùng 2 phu nhân mộ được vài trăm tân binh
lập đồn trại tại long động đánh úp quân Hán để có cớ lấy lại Kinh thành.
Mười hôm sau, quân Hán kéo đến, ông cùng với ít quân quyết
chiến phá vòng vây, nhưng do quân địch đông nên ông đã bị tướng Hán bất ngờ
chém một nhát đao. Ông đã hy sinh vào giờ mùi ngày 10/5 Âm lịch, thọ 68 tuổi.
Để ghi nhớ công đức của ông, nhân dân Chàng Đông và Chàng
Nam đã xây dựng Đình để tôn thờ ông và tôn ông là Thành Hoàng Làng.
Trải qua quá trình thăng trầm của lịch sử và tàn phá của
thiên nhiên, đến nay Đình vẫn còn giữ được những hiện vật có giá trị lịch sử gồm:
1 cỗ long ngai,1 lư hương gốm, 2 ống hoa gỗ, 2 đài rượu, 1 nậm rượu cổ, 1 bia
đá cổ.
Hàng năm, tục thờ Thánh Lữ Gia và 2 bà công chúa có 5 ngày,
nhưng quan trọng nhất là 2 ngày lễ hóa thần (10/5 âm lịch) và sinh thần (10/10
âm lịch). Vào những ngày lễ nhân dân tổ chức mổ lợn cúng Thành Hoàng Làng và tổ
chức giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian.