Đình Chu Quyển (Đình Tràng) nơi thờ phụng Hoàng tử Nhã Lang, con trai vua Lý Phật Tử và là con rể vua Triệu Việt Vương là một trong tứ đình nổi tiếng ở Bắc Bộ về kiến trúc ấn tượng với những mảng chạm khắc tuyệt đẹp của nghệ nhân Việt thời Hậu Lê.
Đình Chu Quyến, còn gọi là đình Tràng, là một ngôi đình cổ,
có niên đại thuộc cuối thế kỷ 17. Là ngôi đình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân
gian truyền thống của Việt Nam thời Lê trung hưng (Hậu Lê). Đình Chu Quyến là
ngôi đình thuộc làng Châu Chàng (tên nôm là làng Chàng) xã Chu Minh huyện Ba Vì
Hà Nội ngày nay.
Đầu thế kỷ 19, làng Chàng là xã Châu Chàng (Chu Quyến) tổng
Châu Chàng huyện Tiên Phong phủ Quảng Oai trấn Sơn Tây. Đình Chàng làm bằng gỗ
lim, thờ Nhã Lang, (tương truyền là con rể của Triệu Quang Phục), và là con
trai của Lý Phật Tử (các nhân vật trong lịch sử Việt Nam thế kỉ 6).
Hoàng tử Nhã Lang, con cả của Lý Phật Tử (thế kỉ VI) và bà
thứ phi Lã Thị Ngọc Thanh, mẹ của Nhã Lang. Nhã Lang Vương là con trai của Lý
Phật Tử (571-602). Sau khi giúp cha đánh thắng quân của Triệu Việt Vương
(548-571), Nhã Lang Vương từ chối ngôi Đông Cung Thái Tử, cùng mẹ về quê ngoại
sinh sống (địa phận làng Chu Quyến bây giờ), rồi sau đó hóa Thánh tại đây. Để
tưởng nhớ công lao của ông, dân làng đã lập đền thờ và tôn ông làm Thành hoàng
làng.
Cùng với các ngôi đình khác khá nổi bật về giá trị nghệ
thuât kiến trúc, những ngôi đình đều nằm trên vùng đất xứ Đoài như: đình Thổ
Tang, đình Hương Canh (Vĩnh Phúc), đình Tây Đằng, đình So (Hà Nội),... và một
loạt các đình với số lượng lớn còn tồn tại đến ngày nay ở vùng xứ Đoài: như
đình Tường Phiêu (Thạch Thất, Hà Nội), đình Hoàng Xá,... đình Chu Quyến đã góp
phần tạo thành một giá trị phong cách kiến trúc nổi bật ở một xứ nằm phía Tây
Thăng Long, xứng với câu thành ngữ tục ngữ: "Cầu Nam - chùa Bắc - đình
Đoài".
Tổng mặt bằng đình Chu Quyến, Ba Vì, Hà Nội
Phối cảnh tổng thể đình Chu Quyến, Ba Vì, Hà Nội
Nghi môn
Nghi môn đình Chu Quyến có hình thức rất phổ biến của các
ngôi đình, đền vùng Đồng bằng Bắc Bộ, gồm 4 trụ biểu tạo thành Tam quan. Trụ biểu
xây bằng gạch. Hai trụ biểu tại giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng. Hai trụ
biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu. Cả 4 trụ biểu có thân trụ
phía trên trang trí các ô lồng đèn, giữa là ô trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ
bồng. Hai bên Nghi môn là tường bao thấp.
Phía trước Nghi môn là một hồ nước rộng. Từ đường phía trước
Nghi môn có bậc thang xuống hồ.
Phía sau Nghi môn là sân đình, lát gạch. Chính giữa trục Thần
đạo của sân là một con đường lát bằng đá.
Mặt phía trước đình Chu Quyến, Ba Vì, Hà Nội
Nghi môn đình Chu Quyến, Ba Vì, Hà Nội
Sơ đồ mặt cắt ngang đình Chu Quyến, Ba Vì, Hà Nội
Trang trí trên nóc đình Chu Quyến, Ba Vì, Hà Nội
Đình Chu Quyến có mặt bằng kiểu "chữ Nhất" (一),
tức là hình chữ nhật chạy dài 30 m, với kiến trúc 3 gian 2 chái, diện tích 395
m2, kết cấu khung gỗ chồng rường truyền thống, với đầy đủ 6 hàng cột: 2 hàng cột
cái (đường kính 60-81 cm), 2 hàng cột quân (50 cm), 2 hàng cột hiên (50 cm), đối
xứng với nhau qua trục dọc nhà. Khung cột kiểu "Thượng thu hạ thách".
Bốn cột cái lớn gian giữa (chính điện) có đường kính tới 81
cm. Hai đầu hồi cũng có 1 hàng cột hiên ở mỗi hồi, quay vuông góc với hàng cột
cái, và các cột hiên này nằm cùng trục dọc với 6 hàng cột dọc. Hàng cột hiên đỡ
hệ thống kẻ bẩy ở 4 phía mặt đình.
Các kẻ hiên được nối liền, gác lên các cột quân. Nối giữa
các đỉnh cột quân với cột cái, là các rường cụt, và cột cái với nhau là hệ thống
xà, vì kèo giá chiêng kiểu chồng rường con nhị (nhị, 二).
Trên hệ kết cấu khung gỗ: kẻ bảy, rương cụt, ván nong (ván
măng),... là những tác phẩm điêu khắc dân gian tinh xảo, miêu tả các cảnh chọi
gà, gảy đàn, hát múa dân gian, người cưỡi hổ, cưỡi ngựa, các họa tiết trang trí
linh vật như: phượng mẹ và đàn phượng con, rồng là đề tài chủ đạo ở đây và được
thể hiện bằng nhiều cách khác nhau.
Kết cấu nóc là kiểu 4 mái dốc (hai mái dốc chính và hai mái
phụ vuông góc che 2 trái và 2 hiên đầu hồi), với 4 đầu đao vút cong thanh thoát
ở 4 góc mái. Trên mái là hệ thống tượng điêu khắc bằng gốm thể hiện các linh vật:
con xô, con kìm nóc (cá hóa rồng) trên các bờ nóc, góc mái, đầu đao.
Khác với đình làng Đình Bảng xã Đình Bảng huyện Từ Sơn tỉnh
Bắc Ninh, đình Chu Quyến là một không gian kiến trúc mở, không có hệ thống ván
nong, cửa Bức bàn bao quanh 4 phía hàng cột hiên, thay vào đó là một hệ lan can
thấp bao quanh hệ sàn gỗ.
Sàn gỗ ở độ cao cách mặt đất 0,8 m, với 3 cấp để dân làng ngồi
theo thứ bậc (thế thứ) chức sắc và tuổi tác, mỗi khi sinh hoạt cộng đồng làng
xã.
Thiết kế bên trong đình Chu Quyến
Hậu cung, nơi thờ thành hoàng làng là Nhã Lang, cũng không
được làm tách riêng, mà nằm ngay trong gian giữa (chính điện), tại vị trí các cột
cái và cột quân phía sau gian trung tâm tòa đại đình, và được quây kín cố định,
tạo không khí thần bí và trang nghiêm (Đình Bảng: hậu cung tách riêng đại bái,
thành kiến trúc chữ Đinh, 丁).
Ban thờ Thành hoàng Làng - Hoàng tử Nhã Lang
Chạm khắc gỗ
Đình Chu Quyến cũng như các ngôi đình xứ Đoài (phía Tây Hà Nội) nổi tiếng
với những mảng chạm khắc dân gian rất đặc sắc thế kỷ 17.
Các mảng chạm khắc như hòa vào làm một với giải pháp kiến
trúc và trở thành bảo tàng sống động về các cung bậc của đời người, từ hệ thống
tư tưởng hay tín ngưỡng thể hiện ước vọng của người dân, các quan niệm về tự
nhiên, hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa đến đời sống thường nhật thanh bình của
cư dân thời bấy giờ; từ những nội dung hết sức nghiêm túc theo quy tắc truyền
thống đến các nội dung mang tính dân gian.
Về cảnh cõi trần và cõi tiên, tín ngưỡng dân gian: Tại đây
có các chạm khắc các cảnh phản ảnh triết lý con người và tự nhiên là một, cõi
trần và cõi tiên là một như cảnh người cưỡi hổ, cảnh “Mả táng hàm rồng”...
Về tự nhiên: Tại đây có vô số các bức chạm khắc từ các loài
linh vật như long, ly, quy, phụng, đến các loài vật gần gũi với người như ngựa,
voi, trâu, chim…rất sinh động trên các đầu dư, xà, bẩy của nội thất ngôi đình.
Trong đó hình tượng rồng chiếm một vai trò chủ đạo; Các bức chạm các họa tiết
trang trí cây cỏ, mây cuộn (vân xoắn) bố cục đan xen các linh vật, con người.
Về cảnh sinh hoạt đời thường: Tại đây có các chạm khắc miêu
tả các cảnh chọi gà, gảy đàn, hát múa dân gian, người cưỡi ngựa, người cưỡi
voi, cảnh người dắt voi đứng hầu, người uống rượu, cảnh nộp gà cho quan
trên, cảnh gảy đàn, hát múa chọi gà…
Những phù điêu chạm Rồng ở Đình Chu Quyến
Bức chạm "Rồng và phượng", đình Chu Quyến, Ba Vì, Hà Nội
Bức chạm "Mả táng hàm rồng", đình Chu Quyến, Ba Vì, Hà Nội
Bán tượng Cưỡi Hổ đình Chu Quyến
Bán tượng cưỡi ngựa - chạm khắc đình Chu Quyến
Đình Chu Quyến được Bộ Văn hóa nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo quyết định số 313/QĐ ngày 28/04/1962,
thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, với chức năng công trình kiến
trúc tín ngưỡng.
Từ năm 2007-2010, đình Chu Quyến được Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch tiến hành trùng tu lớn với những kỹ thuật trùng tu di tích hiện đại.
Đến năm 2010 dự án trùng tu di tích đình Chu Quyến đã hoàn thành và được đánh
giá là thành công.
Khảo sát năm 2007, trước khi trùng tu, tình trạng đình Chàng
sau 400 năm rất nguy cấp: 48 cột (là toàn bộ số cột của đình) đều bị tiêu tâm
(ruỗng lõi), trong đó có 1 cột cái bị mục ruỗng tới 90% đã từng được gia cố bằng
biện pháp đổ bê tông vào lõi.
Toàn bộ kết cấu gỗ của đình bị 17 loại nấm gỗ xâm hại. Mái
ngói qua nhiều đợt trùng tu trong 400 năm pha tạp nhiều loại ngói khác nhau (51
loại).
Quá trình trùng tu đã giữ nguyên gần như tất cả phần vỏ các
cây cột bị tiêu tâm, và gia cố lõi của chúng chính bằng vật liệu gỗ, đảm bảo giữ
nguyên trạng dáng vẻ kiến trúc, màu sắc và chất cảm vật liệu như nguyên bản, mà
vẫn tăng cường được sự bền vững của di tích.
Viện Bảo tồn di tích đã xử lý hết các loại nấm mốc gây hại
cho các cấu kiện gỗ, thay thế toàn bộ số ngói nung bị mục nát trên mái đình bằng
loại ngói nung đúng theo phương pháp nung truyền thống bằng rơm và với cùng một
chất đất tương đồng với loại ngói cổ có ở mái đình.
Riêng hai cái cột bị hỏng nặng phải thay thế bằng cột gỗ lim
mới, những người trùng tu đã chế tạo bề mặt giống như các cột cũ còn lại của
đình, 2 cấu kiện cột hỏng được xử lý nấm mốc, và trưng bày ngay tại sân đình. Dự
án trùng tu đình Chàng đã được giải thưởng quốc tế về bảo tồn di sản kiến trúc
châu Á-Thái Bình Dương năm 2010 tại Tây An Trung Quốc.
Ngoài kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc độc đáo, trong đình
Chu Chuyến còn lưu giữ những thần tích và các di vật cổ có giá trị lịch sử to lớn,
đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn, triều Nguyễn
phong thần cho Nhã Lang Vương.
Bên cạnh đó, đình còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với
cuộc sống của người dân trong làng. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng
tâm linh của người dân mà còn là nơi hội họp, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa
– xã hội của cộng đồng làng xã, đúng như chức năng là trung tâm văn hóa, chính
trị, tôn giáo của người dân từ bao đời nay.
Hàng năm, cứ vào các ngày 13, 14, 15 tháng Giêng Âm lịch,
người dân địa phương lại tổ chức Lễ hội đình Chu Quyến để tưởng nhớ công đức của
Thành hoàng làng Nhã Lang Vương. Ngoài các nghi thức chính được tổ chức trang
trọng, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân địa
phương và du khách tham gia như: đánh cờ, vật dân tộc, múa hát…
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD