Một trong số những di tích lịch sử văn hóa mang dấu ấn độc đáo ấy là cụm công trình tâm linh đình, chùa Bái Đoài (nay là thôn Động Tứ, Liêm Cần), nơi mà những giai thoại mang nặng đức tin, niềm tự hào của nhân dân nơi đây.
Nhắc đến Liêm Cần (Thanh Liêm), du khách gần xa thường nghĩ
ngay đến "Thánh địa Bảo Thái" nơi phát tích triều Lê sơ gắn liền cùng
tên tuổi vị quân vương Lê Hoàn với vô số những di tích lịch sử văn hóa in đậm dấu
ấn của các tướng lĩnh tài danh phò vua, giúp nước, hộ dân, khi thác hiển linh
thần thánh, độ trì cho bách dân, trăm họ yên hưởng thái bình, thịnh trị.
Một trong số những di tích lịch sử văn hóa mang dấu ấn độc
đáo ấy là cụm công trình tâm linh đình, chùa Bái Đoài (nay là thôn Động Tứ,
Liêm Cần), nơi mà những giai thoại mang nặng đức tin, niềm tự hào cùng bao thuần
phong, mỹ tục truyền thống độc đáo luôn được nhân dân nơi đây trân trọng lưu
truyền, gìn giữ, phát huy trong xây dựng đời sống mới.
Có một giai thoại phảng phất màu huyền bí và đậm chất nhân
văn đã được lưu truyền nhiều đời ở Bái Đoài, Động Tứ rằng: Vào thế kỷ thứ mười
vùng đất Bái Đoài có hai anh em ruột mang tên họ Nguyễn Điền, Nguyễn Bang và
người con gái dòng dõi họ Đặng, tục gọi Chân Nương (đều là con cầu tự chùa
làng) cùng giáng sinh vào ngày rằm tháng tám.
Lớn lên giữa buổi đất nước lâm loạn thời 12 sứ quân, ba người
con cầu tự chùa Bái Đoài tương truyền đều là thần tiên giáng thế giúp đời đã đứng
lên mộ binh ở trang Động Xá, phò giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên loạn lạc, thống nhất
giang sơn và lập ra triều Đinh tiếng tăm lừng lẫy.
Là những trang tuấn kiệt, văn võ toàn tài, lại có công lớn
phò vua, giúp nước, hộ dân nên anh em Nguyễn Điền, Nguyễn Bang được triều đình
ban quốc tính, đổi sang họ vua, mang danh Đinh Điền, Đinh Bang. Đinh Điền được
phong Đại Tư Đồ Bình Trương Sự. Đinh Bang được phong Thống Lĩnh Tướng quân.
Chân Nương được phong Thượng Chân Bảo Hoa Tề Gia Cung Kiệm
Công Chúa. Khi triều Lê kế nghiệp triều Đinh, các vị tướng tài "đồng sinh,
đồng hương" Bái Đoài cũng có nhiều công lớn phò giúp Lê Đại Hành Hoàng Đế
phá Tống, bình Chiêm, giữ yên bờ cõi, giữ vững nền hòa bình, thịnh trị của quốc
gia Đại Cồ Việt.
Tướng quân Đinh Điền kết tóc nên duyên với Chân Nương và một
lòng cùng Đinh Bang đồng tâm, dốc sức giúp triều đình chăm lo việc dân, việc nước.
Năm Thiên Phúc thứ tư (984), Đinh Điền, Đinh Bang cùng qua đời (đồng tử) vào
ngày mùng bảy tháng tư.
Tiếp đó, mùng năm tháng bảy, Thượng Chân Bảo Hoa cũng viên tịch
nối theo. Dân làng Bái Đoài cùng bách gia trăm họ gần xa vô cùng thương tiếc,
thành tâm xây dựng đình, chùa, lập đền, phủ phụng thờ, tưởng nhớ, khắc ghi ân đức.
Chùa Long Hoa làng Bái Đoài vì thế được dân chúng thành tâm
đổi tên là chùa Thượng Nương để lưu lại hậu thế tên tuổi, công đức cùng những
giai thoại thiêng liêng về Chân Nương công chúa và tướng công Đinh Điền. Dân
Bái Đoài cũng đem tâm dựng đình làng gần chùa, suy tôn Đinh Bang là Thành hoàng
làng.
Kể từ đó, trải qua suốt chiều dài lịch sử 13 triều đại vua
chúa, di tích đình, chùa Bái Đoài thờ các danh tướng nhà Đinh- Lê luôn được triều
đình phong sắc, ban mỹ tự và sức cho dân làng lập lệ giữ gìn, quanh năm khói
hương phụng thờ chu tất. Ngày nay, 44 đạo sắc phong qua các triều vua vẫn được
dân làng Bái Đoài thành tâm lưu giữ.
Thời kỳ từ 1930 đến Cách mạng Tháng Tám 1945 và những năm
kháng chiến, đình, chùa Bái Đoài là nơi diễn ra các cuộc mít tinh ủng hộ phong
trào Xô viết Nghệ Tĩnh, ủng hộ cuộc tuần hành biểu dương lực lượng của nông dân
Bồ Đề, Bình Lục.
Ngày 24 tháng 8 năm 1945, nhân dân Bái Đoài với khí thế hừng
hực dâng cao đã tề tựu bên đình, chùa rồi nhập vào đoàn người tuần hành ở Phố Động
tiến thẳng về thị xã Phủ Lý tham gia giành chính quyền từ tay thực dân, phong kiến,
lập nên chính quyền cách mạng.
Những năm kháng chiến chống Pháp, đình, chùa Bái Đoài là nơi
luyện tập, đóng quân của các đơn vị vũ trang tham gia chiến đấu bảo vệ quê
hương. Chùa là nơi du kích và nhân dân đào hầm bí mật cất giấu tà vẹt, thanh
ray tháo dỡ từ tuyến đường sắt dọc quốc lộ 21, phục vụ nhiệm vụ ngăn cản bước
hành quân, cơ động lực lượng địch trong các cuộc chống càn của lực lượng vũ
trang địa phương. Từ năm 1947 đến năm 1949, chùa là trụ sở Trường Quân chính
Quân khu Ba.
Trong suốt những năm kháng chiến, đình, chùa Bái Đoài là nơi
liên lạc, hội họp của cán bộ xã, nơi tập kết lực lượng, vũ khí của bộ đội, du
kích địa phương trong những trận chôn mìn, phục kích chặn đánh xe địch trên tuyến
quốc lộ 21. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc,
đình, chùa Bái Đoài là phân xưởng sửa chữa các phương tiện phục vụ nhiệm vụ giữ
thông tuyến đường sắt, chi viện chiến trường miền Nam, là xưởng quân giới Quân
khu Ba, nơi an dưỡng thương binh và là nơi huấn luyện của nhiều đơn vị bộ đội
chủ lực.
Đất nước thống nhất, nhân dân Bái Đoài được nhà nước ghi
công, khen thưởng về thành tích tham gia đóng góp cho hai cuộc kháng chiến.
Xã Liêm Cần (Thanh Liêm). Ảnh: Google Maps
Hằng năm, cứ vào rằm trung thu (nhân ngày sinh) và mùng bảy
tháng tư (nhân ngày mất) của ba vị tôn thần, dân làng Bái Đoài xưa, Động Tứ nay
lại thành kính mở hội, tế lễ rất cung kính, trọng hậu.
Năm 2016, Hội thảo khoa học về quê hương Lê Hoàn tổ chức tại
Hà Nam đã làm sáng rõ hơn về triều đình Đinh- Lê, về thánh địa Bảo Thái, Liêm Cần
và dấu tích, công lao, ân đức các vị tướng lĩnh tài danh dưới triều tại Bái
Đoài, Động Tứ.
Càng phấn khởi hơn là thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động
bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cán bộ, nhân dân trong
thôn đã đồng tâm, chung sức đóng góp tiền của khôi phục, trùng tu, tôn tạo
đình, chùa Bái Đoài, Động Tứ ngày càng uy nghiêm, khang trang, điểm tô thêm nét
đẹp văn hóa, lịch sử của quê hương Liêm Cần anh hùng trong thời kỳ xây dựng
nông thôn mới.
Thành tâm ghi tạc, tri ân công đức các bậc tiền nhân thuở
trước, lễ hội rằm Trung thu hằng năm, ngoài những nghi trình rước sách, tế lễ
trọng hậu, chu tất, ban tổ chức lễ hội Động Tứ còn lồng ghép nội dung khuyến học,
biểu dương tôn vinh, trao tặng quà khuyến khích, động viên con cháu nỗ lực học
giỏi, thành đạt, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Đồng thời, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế,
làm giàu chính đáng, giữ gìn nếp sống văn minh, tiến bộ.
Tự hào với truyền thống nơi mảnh đất địa linh, nhân kiệt,
ghi nhớ, tri ân công đức cao dày của các bậc tiền nhân, dân làng Bái Đoài xưa,
Động Tứ nay càng thêm vững tin, chung sức, đồng lòng giữ gìn nét mỹ tục, thuần
phong độc đáo của quê hương lưu truyền lại cho hậu thế.
Thanh Nghị