Đình và chùa Cổ Viễn nằm trên bờ sông Châu thuộc xã Hưng Công, huyện Bình Lục. Đình thờ thành hoàng là Dũng tướng Nguyễn Hoàng thời vua Hùng. Chùa thờ phụng Phạm Công chúa Nhà Lý.
Nằm gần sông Châu và thị trấn Bình Mỹ là khu di tích đình và
chùa Cổ Viễn thuộc xã Hưng Công, huyện Bình Lục.
Đình Cổ Viễn là công trình kiến trúc quy mô gồm 4 toà làm
theo lối nội đinh, ngoại quốc. Mặc dù đã nhiều lần tu sửa, tôn tạo nhưng di
tích vẫn bảo lưu được đường nét nghệ thuật của hai thế kỷ 17 và 18.
Ngoài việc tạo độ bền vững chắc chắn, các cấu kiện kiến trúc
trên công trình còn được đục chạm nhiều đề tài sinh động mang đậm phong cách
điêu khắc của thời Hậu Lê như rồng chầu, phượng múa, lá lật hóa long, vân ám,
lá hỏa v.v…
Cùng với vẻ đẹp về kiến trúc đình Cổ Viễn còn gìn giữ được một
số đồ thờ có giá trị nghệ thuật. Đó là chiếc án thư khá lớn kê ở gian giữa tiền
đường có dáng dấp độc đáo, bố cục họa tiết hợp lý, trang trí nhiều đề tài dân
gian với những đường đục chạm, nhấn tỉa mạch lạc.
Tại chính tẩm đình có một ngai thờ là tác phẩm nghệ thuật của
thời Hậu Lê. Ngoài việc trang trí nhiều đề tài, họa tiết với kỹ thuật đục bong
chạm lộng công phu, ngai thờ còn được phủ một lớp vàng son lộng lẫy góp phần
làm tăng thêm không khí trang nghiêm nơi thờ tự.
Chùa Cổ Viễn nằm liền sát với đình tên chữ là “Linh Quang Tự”
(chùa Linh Quang). Công trình gồm 2 tòa chính, 8 gian thiết kế kiểu chữ đinh,
mái phẳng lợp ngói nam.
Ngoài ra đằng sau còn có nhà tổ 5 gian, phía tây là phủ thờ
5 gian kiến trúc kiểu tiền đao, hậu đốc, tất cả góp phần tạo cho di tích một
qui mô bề thế mang đậm phong cách nghệ thuật truyền thống. Theo truyền thuyết địa
phương thì chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Sự kiện này đã được đôi câu đối tại
bái đường chùa khẳng định:
“Lý triều cổ tự linh thanh viễn,
Lê đế thượng lai sắc tứ hiền”
(Chùa cổ từ thời Lý, tiếng thiêng còn mãi/ Vua Lê tới đây ban sắc và ca
ngợi nét đẹp quê hương).
Tuy nhiên do thời gian và ảnh hưởng của điều kiện thiên
nhiên, chiến tranh, chùa Cổ Viễn đã nhiều lần tu sửa, hiện nay kiến trúc của
công trình hoàn toàn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Căn cứ vào cuốn “Địa dư huyện Bình Lục” của tri huyện Ngô Vi
Liễn in năm 1935 cùng với câu đối đại tự tại di tích và truyền thuyết địa
phương thì đình Cổ Viễn là nơi thờ đức Nguyễn Hoằng, dũng tướng thời Hùng Duệ
Vương. Ông vừa có công giúp nước, vừa dạy nhân dân trong vùng cấy lúa và nuôi tằm,
dệt vải.
Đức ông Nguyễn Hoằng sinh ngày 10 tháng 8 năm Giáp Dần, thân
sinh là ông Nguyễn Lương và bà Đinh Thị Tố quê ở Châu Thượng Đồng đạo Hải
Dương. Vốn là người tinh thông văn võ từ thuở nhỏ nên đến tuổi trưởng thành
Nguyễn Hoằng được Tản Viên Sơn thánh tiến cử vào triều.
Được sắc phong “Dũng lược tướng quân”, đức ông thường hộ giá
nhà vua đi chu du khắp nơi. Một lần qua trang Cổ Viễn thấy dân ở đây hiền lành,
chất phúc ông liền cho lập hành cung làm nơi đi lại nghỉ ngơi.
Mỗi lần về thăm trang Cổ Viễn ông thường đem lòng nhân nghĩa
để cảm hóa mọi người, khuyên dân chăm lo việc cày cấy, nhờ vậy mà đời sống của
người dân ngày càng no đủ, sung túc.
Khi giặc Thục đem quân quấy phá, Nguyễn Hoằng đã động viên
được 28 dũng sĩ trang Cổ Viễn theo ông lên đường đánh giặc. Kháng chiến thắng lợi
ông được triều đình phong tặng là “Hùng lược cao Huân Hồng Liệt đại vương”, cho
thực ấp ở phủ Thiên Trường và miễn trừ sưu dịch cho dân làng Cổ Viễn.
Sau khi Nguyễn Hoằng qua đời, để ghi nhớ công lao của ông,
nhân dân trang cổ Cổ Viễn đã lập đình thờ tôn làm thành hoàng muôn đời hương
khói phụng thờ.
Theo ngọc phả hiện đang lưu giữ tại di tích thì ngoài việc
thờ phật theo phái Đại thừa, chùa Cổ Viễn còn thờ Phạm Công chúa là con của vua
Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan.
Phạm Công chúa là người tài sắc nết na nhưng khi đến tuổi
trăng tròn lại không hề nghĩ đến chuyện nhân duyên mà chỉ xin vua cha cho lập
cung riêng ở làng Gia Quất để khuyên dân cày cấy làm ăn và cứu giúp những người
nghèo đói, bệnh tật.
Mùa xuân năm Ất Dậu (1069) trong một lần đi đánh giặc Chiêm
Thành, vua Lý Thánh Tông đã đem công chúa đi theo. Khi đến trang Cổ Viễn, thấy
nhân dân ở đây hiền lành thuần hậu lại một lòng xin công chúa ở lại, nhà vua liền
chấp thuận. Thấy dân tình ở đây còn nghèo đói, công chúa đã lấy của cứu giúp mọi
người đồng thời khuyến khích việc nông tang, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi.
Tháng 6 năm 1069, vua Lý Thánh Tông thắng trận trở về ghé thăm
trang Cổ Viễn đồng thời đón công chúa về kinh. Công chúa tâu xin vua cha được ở
lại rồi cùng dân xây dựng trang trại khai khẩn đất hoang, khai sông lấy nước tưới.
Nhờ công lao của công chúa mà đời sống của người dân trang Cổ
Viễn không ngừng được cải thiện, ấm no, hạnh phúc. Công chúa ở lại với dân
trang Cổ Viễn được ba năm thì trở về triều rồi lâm bệnh mất. Được tin công chúa
qua đời nhân dân Cổ Viễn vô cùng thương tiếc đã lập phủ thờ để bốn mùa hương
khói tưởng nhớ công ơn.
Hiện nay ở sân đình Cổ Viễn còn một khoảng đất rộng khoảng
3-4 ha tương truyền là “ruộng mẫu” của Phạm Công chúa khai phá cho dân. Trong tập
sách “Sử trình” của Nguyễn Du có đôi câu đối tán dương công đức của Phạm Công
chúa tại đất Cổ Viễn như sau:
“Khẩn điền lập ấp khai giang, công đức trường lưu
Vạn thế nhân tâm đàm vãng sự
Tế khốn cứu bần giáo nghĩa miếu từ nhật quảng
Thiên thu ngọc phả thuyết tân hương”
(Mở đất lập làng, khơi sông công đức lưu lại hàng vạn
năm lòng người nêu sự cũ/ Cứu khó, giúp nghèo, dạy nhân nghĩa, đền miếu mở
mang, sách ngọc nghìn năm còn ghi trên quê mới).
Cụm di tích đình chùa Cổ Viễn
Ngoài giá trị lịch sử, đình Cổ Viễn còn nổi danh bởi nơi đây
đã diễn ra nhiều sự kiện cách mạng và kháng chiến chống đế quốc thực dân. Di
tích là cơ sở từ thời kỳ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, là điểm hoạt
động trong cao trào cách mạng 1930 – 1931, các phong trào dân tộc dân chủ 1936
– 1939, thời kỳ chuẩn bị cướp chính quyền tháng Tám năm 1945 và 9 năm trường kỳ
kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nơi đây là cơ sở hoạt động, nơi nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ xứ
ủy, liên Tỉnh ủy khu C, Tỉnh ủy Hà Nam, nơi nhiều hội nghị quan trọng của Đảng
đã được diễn ra nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng, lãnh đạo nhân dân kháng
chiến. Đình, chùa Cổ Viễn còn là nơi cất giấu tài liệu và là địa điểm tập trung
lực lượng của dân quân du kích địa phương đánh trả những cuộc càn quét của địch
vào thôn xóm.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Hưng Công, trước năm 1945, Cổ Viễn
là đơn vị xã, đứng đầu hàng tổng. Xã Hưng Công ngày nay là do hợp nhất của 4 xã
cũ: Hưng Công, Cổ Viễn, Sơ Lâm và Hàn Mặc. Dưới thời thực dân phong kiến, Cổ Viễn
có diện tích canh tác rất lớn, có đất cấy chiêm, đất cấy 2 vụ và đất làm màu
nhưng hầu hết nằm trong tay địa chủ và cường hào.
Người dân thiếu ruộng cày lại chịu nhiều chính sách thuế
khóa nặng nề nên cuộc sống vô cùng khổ cực. Sau khi thành Nam (Nam Định) thất
thủ, các nhà yêu nước quê Bình Lục rút về xây dựng các căn cứ ngay tại quê
hương.
Tinh thần yêu nước được lan tỏa đã khiến người dân Cổ Viễn
cũng như các nơi khác trong huyện Bình Lục bừng lên ý chí đấu tranh lật đổ chế
độ thực dân phong kiến. Khi các đồng chí ở Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng
đồng chí Hội từ Nam Định về tuyên truyền, nhân dân Cổ Viễn đã đồng tình ủng hộ
và nhiệt thành tham gia hoạt động cách mạng.
Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Cổ Viễn được
thành lập là cơ sở để tháng 10/1929, Chi bộ Hưng Công, Cổ Viễn, Sơ Lâm ra đời.
Đây là tổ chức Đảng đầu tiên của huyện Bình Lục. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ,
hàng trăm người đã kéo lên huyện tố cáo bọn cầm quyền vơ vét, bóc lột nhân dân,
đòi phế bỏ hội đồng cải lương… Trong lúc này, các phong trào đấu tranh trong cả
nước cũng bùng dậy mạnh mẽ, cao trào là tiếng trống Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Trước tình hình đó, hội nghị Tỉnh ủy Hà Nam họp ở đình Cổ Viễn
quyết định tổ chức tuần hành thị uy, mít tinh phát động quần chúng đấu tranh. Hội
nghị chọn Bồ Đề làm điểm mít tinh, tuần hành vì đây là nơi tiếp giáp ba huyện
Bình Lục, Lý Nhân, Mỹ Lộc, dễ tập trung lực lượng, lại lợi dụng vào phiên chợ
nên tiếng vang sẽ lớn hơn.
Đây cũng là điểm dễ rút lui khi bị địch đàn áp. Để chuẩn bị
cho việc mít tinh biểu tình, đình Cổ Viễn cũng như một số nhà dân xung quanh đã
trở thành nơi bàn bạc, in ấn tài liệu, truyền đơn, vẽ cờ Đảng, làm biểu ngữ… Cuộc
mít tinh, tuần hành có hàng nghìn người tham gia đã trở thành cuộc đấu tranh
chính trị lớn, làm rung chuyển tình hình cách mạng trong tỉnh, trong nước.
Sau cuộc mít tinh, Pháp ra tay đàn áp nhưng phong trào ở Cổ
Viễn, Hưng Công vẫn được duy trì, các cơ sở trung kiên vẫn một lòng một dạ theo
cách mạng. Vì vậy, từ cuối năm 1930 – 1931, đình, chùa Cổ Viễn cùng với các cơ
sở xung quanh đã là nơi bảo vệ, nuôi dưỡng cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ hoạt động.
Trong giai đoạn từ 1932 – 1935, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân
Cổ Viễn đấu tranh chống hương lý, kỳ hào, đòi bãi bỏ hủ tục lạc hậu, chống bóc
lột, bớt xén của dân. Nội dung đấu tranh được viết thành văn bản, nhân hội làng
đem ra đọc trước đông đảo quần chúng khiến giới cầm quyền địa phương phải nhượng
bộ, hạn chế việc lạm thu. Chi bộ còn lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi chia lại
ruộng công điền, làm cho mỗi suất đinh được thêm 6 miếng ruộng.
Tháng 5/1938, nhân việc thực dân Pháp tổ chức bầu cử lập “Viện
dân biểu”, tuyên truyền chiêu bài dân chủ giả hiệu, Tỉnh ủy Hà Nam quyết định
đưa người ra ứng cử, mở rộng các hoạt động tuyên truyền đường lối, chính sách của
Đảng, vận động nhân dân đòi tự do dân chủ, chống sưu thuế nặng nề, vận động bỏ
phiếu cho người lao động. Những hoạt động trên, Tỉnh ủy Hà Nam đều chọn Cổ Viễn,
Hưng Công làm cơ sở chủ yếu, đình chùa Cổ Viễn là cơ sở vận động bầu cử, tiếp
đón các cử tri đi bỏ phiếu.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, thực
dân Pháp tăng cường đàn áp, bóc lột sức người, sức của ở Việt Nam, đàn áp khốc
liệt cách mạng. Ở Hà Nam chúng liên kết với bọn cường hào tổ chức các đợt càn
quét, truy lùng, bắt bớ cán bộ, đảng viên, đánh phá các cơ sở cách mạng.
Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Hà Nam đã
tổ chức hội nghị tại đình Cổ Viễn để ra nhiệm vụ chuyển hướng tổ chức và lãnh đạo
đấu tranh, trước mắt là củng cố cơ sở đảng, củng cố và phát triển các tổ chức
quần chúng.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, các cơ sở ở Bình Lục như Cổ
Viễn, Hưng Công vẫn giữ được an toàn, là nơi liên lạc, hội họp của cấp trên và
là nơi tập luyện của lực lượng cách mạng cơ sở. Trong lúc chuẩn bị do thiếu cảnh
giác cơ sở bị lộ, nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú bị bắt,
phong trào cách mạnh bị khủng bố nhưng phong trào ở Bình Lục, các cơ sở như Cổ
Viễn, Hưng Công vẫn duy trì sức chiến đấu, vẫn tổ chức chống địch bắt phá lúa
trồng đay, là nơi đi về của cán bộ cách mạng, nơi tập trung lực lượng quân sự địa
phương luyện tập cho tổng khởi nghĩa 1945.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam DCCH mới được
thành lập. Nhìn lại quá trình đấu tranh vận động cách mạng từ ngày là tổ chức
Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vùng đất
Cổ Viễn, Hưng Công nói chung, khu di tích đình và chùa Cổ Viễn nói riêng đã có
nhiều đóng góp cho cách mạng, kiên cường đấu tranh trong mọi tình huống, một
lòng bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ.
Truyền thống cách mạng kiên cường đó còn được phát huy
trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với trên
2.100 thanh niên của Hưng Công đã tình nguyện lên đường đánh giặc. Quá trình
kháng chiến anh hùng đó,
Đảng bộ và nhân dân Hưng Công đã được trao tặng nhiều huân,
huy chương các loại. Riêng thôn Cổ Viễn được cấp bằng có công với nước, cụm di
tích đình, chùa Cổ Viễn được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng cấp
quốc gia.