Đình Chùa Gióng Mốt nằm ở bờ nam của sông Thiên Đức (sông Đuống), đình thờ Đức Thánh Mẫu (mẹ Thánh Gióng), Đức Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) và Đức Đại Vương Nguyễn Nộn (một trung thần thời Lý).Chùa là nơi thờ Phật.
Đình - Chùa Gióng Mốt được mang tên nôm của làng Đổng Xuyên.
Làng Đổng Xuyên xưa ở vùng đất bãi cùng với làng Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên
thuộc Tổng Phù Đổng, trấn Kinh Bắc, sau thuộc xã Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh
Bắc Ninh. Năm 1961 thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Năm 1967 thuộc xã Đặng Xá,
huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Đình Chùa Gióng Mốt nằm ở bờ nam của sông Thiên Đức (sông Đuống),
đình thờ Đức Thánh Mẫu (mẹ Thánh Gióng), Đức Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) và
Đức Đại Vương Nguyễn Nộn (một trung thần thời Lý).Chùa là nơi thờ Phật.
Các nhân vật thờ tại đình Gióng Mốt gắn liền với truyền thống
dựng nước và giữ nước của ông cha ta. (Truyền thuyết về các vị thần xem thêm ở
bài Di tích Phù Đổng và các di tích có thờ vị thần Nguyễn Nộn).
Từ xưa đến nay, cứ đến ngày 9 tháng 4 âm lịch, nhân dân của
4 làng: Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Xuyên, Đổng Viên và Phường ải Lao (thôn Hội Xá)
lại cùng nhau long trọng tổ chức lễ hội tưởng niệm vị anh hùng làng Gióng có
công với dân. Ngày 21 tháng 2 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Mẫu.
Theo lời kể của dân làng, Đình - Chùa Gióng Mốt xưa kia là một
trong những đình, chùa lớn và đẹp nhất trong vùng. Nhưng do điều kiện sông nước,
bờ nam sông Thiên Đức bị lở đất, năm 1954- 1955 đất lở đến khu vực đình, chùa một
số cột, xà...bị trôi xuống sông. Đình - Chùa đã không còn nguyên vẹn, nhân dân
dỡ xếp giữ lại, các đồ thờ tự được cất giữ bảo quản tốt.
Năm 1967, thôn Đổng Xuyên chuyển sinh hoạt hành chính về xã
Đặng Xá. Năm 1979 - 1980, dân được chuyển từ ngoài bờ sông Đuống vào trong đê,
định cư tại địa điểm mới ở xã Đặng Xá như bây giờ. Nhân dân đã dỡ nhà tổ cũ của
chùa mang về vị trí hiện tại để lập đình mới và sau đó dựng chùa sát cạnh. Các
đồ thờ tự được đưa vào vị trí trong đình, chùa để thờ cúng. Năm 1998, Đình - Chùa
Gióng Mốt được Nhà nước cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo mới hoàn toàn.
Hiện tại đình chùa Gióng Mốt được dựng trên một khu đất cao
ráo, tách biệt với nhân dân xung quanh. Đình chùa quay hướng đông nhìn ra con
đường liên thôn.
Toàn cảnh khu di tích từ cổng vào gồm đình ở chính giữa khu
di tích, bên trái là chùa, bên phải là nhà khách, nằm vuông góc với chùa là nhà
soạn lễ. Trước mặt đình, chùa là sân lát gạch đỏ diện tích 400m2.
Đình Gióng Mốt gồm năm gian hai dĩ, mái lợp ngói mũi hài, bờ
nóc trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt, bờ mái hai hồi chạy thẳng xuống kết
thúc bằng trụ trái giành, đỉnh trụ có hai nghê chầu vào nhau. Nền lát gạch Bát
với tam cấp lên xuống, phía trước mở ba cửa bức bàn kiểu thượng song hạ bản.
Gốc cũ của đình là kiến trúc nhà tổ chùa ngoài bãi dỡ vào
nên còn mang nhiều dáng vẻ cổ kính. Chất liệu chủ yếu là gỗ lim lâu năm đã lên
nước đen bóng. Các cột có kích thước 25 - 30cm, vì kèo hồi được làm theo kiểu
"chồng giường", các vì khác làm theo kiểu "quá giang đội trụ chồng
thượng lương". Phần trang trí của kiến trúc chủ yếu được tập trung vào các
bức cốn chạm khắc các đề tài lão trúc, lão mai, hoa lá cách điệu.
Ngoài ra các câu đối, đại tự, cuốn thư được thiếp vàng chạm
khắc tinh xảo với các nội dung ca ngợi công đức của các vị thần được thờ cũng
góp phần làm tăng giá trị nghệ thuật và vẻ cổ kính của di tích.
Phía ngoài đại đình ở gian giữa treo cuốn thư, dưới là cửa
võng, chính giữa được đặt một nhang án lớn trên để đồ thờ gồm đỉnh đồng, hai hạc
đồng, hai nến đồng, hai lọ lộc bình, bát hương sứ. Hai bên nhang án là đôi hạc
thờ cao 2,5m. Hai gian dĩ, bên phải đặt ngựa bạch áo cương chỉnh tề, một chuông
đồng có niên đại "Thành Thái ất Mùi niên cung tạo", bên phải đặt ngựa
hồng và một trống lớn.
Phần hậu cung gồm ba gian nhỏ được xây ba bệ, trên có đặt
ngai và bài vị của Đức Thánh Mẫu, Đức Thánh Gióng và Đức Đại Vương Nguyễn Nộn.
Đức Thánh Mẫu (gian bên trái) ngồi trên một ngai cổ, tay
ngai trang trí hai đầu rồng lớn, thân ngai là các cột gỗ tiện tròn chạm khắc hình
rồng, đế ngai gồm ba cấp cũng được chạm khắc kỹ. Phía trước ngai đặt một bài vị
mới làm. Tượng ngồi xếp bằng, hai tay để lòng đùi, mình gặp áo gấm đầu đội mũ,
nét mặt phúc hậu, đoan trang.
Đức Thánh Gióng (gian giữa), bộ ngai - bài vị được làm với
kích thước lớn và chạm khắc có phần kỹ càng hơn. Bài vị có kích thước 41cm
x15cm ở giữa có khắc 8 chữ: "Xung thiên Đổng thiên vương thượng đẳng".
Tượng Thánh Gióng ngồi trên ngai, hai tay để trên đùi, mình mặc áo hồng bào, đầu
đội mũi, mặt phương phí, mắt sáng quắc nhìn xếch lên trông oai phong lẫm liệt.
Đức Đại Vương Nguyễn Nộn (gian bên phải) bộ ngai bài vị có
kích thước 61cm x 19cm, ở giữa khắc 12 chữ "Đương cảnh thành hoàng hoài đạo
tế thế đại vương thần vị".
Ở cả ba gian hậu cung còn bày nhiều hiện vật phục vụ cho lễ
hội hàng năm và đồ thờ cúng như quán tẩy, bộ bát bửu, độc bình, bát hương đại….Đặc
biệt di tích còn lưu giữ được một bộ đài và ấm bằng bạc vừa có giá trị về mặt
kinh tế vừa có giá trị về nghệ thuật.
Chùa Gióng Mốt có kết cấu chữ đình gồm tiền đường và thượng
điện. Tiền đường gồm năm gian, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc, bờ dải không trang
trí. Nền chùa lát gạch chỉ với năm bậc lên xuống.
Tại tiền đường gian chính giữa đặt nhang án có chạm khắc sơn
son thếp vàng, phía trên treo hoành phi đề ba chữ " Tam bảo toạ".
Phía ngoài toà tiền đường gian bên phải đặt tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện, bên cạnh
là tượng Đức ông, phía trên treo hoành phi đề chữ " Long Đức Tín".
Đối diện bên trái là tượng Hộ Pháp Trừng ác và tượng Đức
Thánh Hiền, phía trên là hoành phi đề chữ "Thánh Trung Vương". Sát tường
hồi bên trái đặt ban thờ vị tổ của chùa (sư trụ trì đầu tiên của chùa Gióng Mốt),
tượng ngồi trong thế thiền định, tay đặt trên lòng đùi, mình mặc áo cà sa, nét
mặt đôn hậu gần gũi với đời thường.
Thượng điện là nếp nhà một gian xây bệ giật cấp là nơi đặt hệ
thống tượng phật. Các lớp tượng được bố trí theo:
Hàng trên cùng là bộ tượngTam Thế ngồi ở tư thế thiền định.
Tóc bụt ốc nổi u giữa đỉnh đầu, tai to chảy dài, mắt nhìn xuống, môi mím, cổ có
ngấn, tay kết ấn để trên lòng đùi, mình mặc áo cà sa.
Hàng thứ hai là bộ tượng A Di Đà. Đây la pho tượng có kích
thước lớn của chùa. Hai bên là tượng Quan Thế Âm bồ tát và Đại Thế Chí bồ tát.
Hàng thứ ba là pho tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn. Có thể
nói đây là pho tượng đẹp của chùa. Tượng được đặt trên đế gỗ xung quanh có
trang trí hoa văn. Đôi tay chính kết ấn đặt trước ngực, hai bên cánh tay có phủ
hai dải lụa mềm chảy xuống hai bên. Xung quanh thân tỏa ra năm đôi tay mà mỗi
cánh tay lại ở một tư thế khác nhau cũng như mỗi bàn tay lại cầm một linh vật
khác nhau, nét mặt tượng đầy vẻ cao siêu, thoát tục.
Hàng thứ bốn là pho tượng Ngọc Hoàng, hai bên là tượng Nam
Tào, Bắc Đẩu nhỏ đứng trên đài sen.
Hàng thứ năm là Tòa Cửu Long và Phật Thích Ca sơ sinh. Toà Cửu
Long được chạm trổ tỉ mỉ thể hiện cảnh chính con rồng đang vần vũ xung quanh,
phía trên là pho tượng phật nhỏ, chính giữa là Đức Phật trong hình hài một đứa
trẻ đứng thẳng, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ dưới đất khẳng định"
thiên địa hạ duy ngã độc tôn". Hai bên tường hậu của thượng điện là tượng
thổ địa và tượng Quan Âm bồ tát bằng đồng.
Đặc biệt chùa còn có một hiện vật rất quý đó là một bát
hương đá hình chữ nhật cao khoảng 45 cm. Xung quanh khắc chìm hoa cúc, rồng chầu,
kiếm và hoa văn hình học.
Hiện tại đình chùa Gióng Mốt được bảo quản khá tốt về mặt diện
tích xử dụng cũng như nội thất ở bên trong.
Khối lượng lớn di vật của đình và chùa Gióng Mốt với nhiều
thể loại có giá trị tôn thêm vẻ đẹp của di tích, là niềm tự hào của người dân địa
phương.
Với những giá trị lịch
sử văn hóa, cụm di tích rất xứng đáng được trân trọng, giữ gìn và đã thực sự trở
thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa-tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng cư
dân làng xã. Đình - chùa Gióng Mốt được xếp hạng di tích nghệ thuật cấp quốc
gia năm 1995./.