Cụm di tích Ngô Xá được xây dựng thời Hậu Lê, đến thời Nguyễn được trùng tu lại. Chùa thờ Phật, đình và miếu đều thờ Tam vị Đại Vương: Đông Thiện Sùng Tín Đại Vương, Đông Chinh Thiện Môn Đại Vương và Tây Chinh Địa Phủ Đại Vương. Lễ hội hàng năm được tổ chức vào các ngày 10/3 và 08/8 âm lịch.
Thôn Ngô Xá có cả đình, chùa và miếu tạo thành một cụm di
tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Thôn Ngô Xá có tên Nôm làng Ngò. Cả đình, chùa,
miếu đều được gọi theo tên làng. Riêng ngôi chùa có tên chữ là “Ninh Khánh Tự”.
Theo dân gian trong vùng truyền tụng, cả cụm di tích này đều
do thầy địa lý Tả Ao chọn thế đất rồng chầu hổ phục, chỗ cao thoáng gió, ở ngay
đầu làng trước mặt có dòng thông thuỷ gồm cả ao, hồ và sông.
Cụm di tích được xây dựng vào thời Hậu Lê, đến thời Nguyễn
được trùng tu lại. Chùa thờ Phật, đình và miếu đều thờ Tam vị Đại Vương: Đông
Thiện Sùng Tín Đại Vương, Đông Chinh Thiện Môn Đại Vương và Tây Chinh Địa Phủ Đại
Vương. Lễ hội hàng năm được tổ chức vào các ngày 10/3 và 08/8 âm lịch.
Dân gian truyền lại theo thần tích như sau: Những năm bên
Trung Hoa loạn ly, có một người tên là Sùng Quang quê tận Long Hưng bên Tầu chạy
sang cư trú ở xã Phúc Bái, huyện Quốc Oai, phủ Linh Sơn, tỉnh Sơn Tây.
Tại Phúc Bái ông đã làm bạn với bà Nguyệt. Gia đình sống
trong đầm ấm hạnh phúc và làm nghề cắt thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Chữa bệnh
cho người nghèo khó ông bà không thu tiền mà còn nuôi ăn. Nhân dân khắp vùng đều
ngợi khen vợ chồng ông là nhân đức. Song hiềm một nỗi vợ chồng ông đã cao tuổi
rồi mà con cái vẫn chưa có.
Đến thời gian đất nước ta rơi vào cảnh loạn ly, 12 sứ quân
tranh giành quyền lực gây bao tang tóc cho dân lành. Vợ chộng ông Sùng Quang phải
chạy sang Ngô Tô Trang (tên gọi cũ của thôn Ngô Xá ngày nay), thuộc phủ Khoái
Châu, làm nhà ở nhờ trong khu chùa Ngô Xá. Tại đây ông bà vẫn chọn nghề bốc thuốc,
nông tang làm kế sinh nhai và vẫn thường lên chùa lễ Phật cầu tự.
Trong một đêm mưa gió bão bùng, bà nằm mơ thấy mình sinh được
ba con trai khôi ngô tuấn tú, văn võ tài ba. Như mộng báo, một thời gian sau bà
mang thai và sinh được ba người con trai và đặt tên là: Trưởng Viết Sùng Công,
Thứ Viết Quách Công và Thứ Viết Thiện Công. Cuộc sống của ông bà giờ đã đầm ấm
hạnh phúc thực sự.
Thần tích ghi tiếp: Ông bà cho cả ba con theo học một đạo sĩ
nổi tiếng thời bấy giờ. Cả ba người đều được bạn bè trong xã kính nể và yêu mến.
Khi ba anh em vào tuổi 18 thì cả cha mẹ đều lâm bệnh tạ thế, ba anh em thương
xót làm lễ an táng cho cha mẹ ngay bên cạnh chùa và lập đàn làm lễ cầu siêu báo
đáp công ơn.
Sau khi cha mẹ mất, ba anh ẹm tảo tần làm ăn và vẫn nhiệt
tâm học hành văn võ. Họ dựng một ngôi quán ở gốc đa đầu làng bán cơm rượu.
Chính nơi quán đó đã trở thành chỗ hội tụ của thanh niên trai tráng và các bậc
anh hào. Cũng thời kỳ này, nội chiến giữa 12 sứ quân kéo dài gây cho dân ta cảnh
nồi da nấu thịt.
Vua Đinh Bộ Lĩnh là một trong những sứ quân mạnh và uy tín
nhất đóng đô ở Hoa Lư, lệnh cho tướng Nguyễn Bặc đem quân đi dẹp loạn. Đến đất
Ngô Xá thì trời đã tối. Nguyễn Bặc cho quân sĩ nghỉ tại đây, ba anh dem Sùng
Công biết được liền chiêu tập binh sĩ được hơn ba trăm người gồm Phượng Lâu: 5,
An Tảo: 10, An Xá: 45, Vĩnh Đồng: 45, Dưỡng Phú: 51, Cốc Khê, Tạ Xá: 55, Đào
Xá: 36 và trang sở tại 55 người rồi đem quân đến yết kiến tướng Nguyễn Bặc.
Thấy được nhiệt tình của ba anh em, Nguyễn Bặc cùng họ đoàn
kết làm anh em như trong một nhà. Sau đó các tướng cùng nhau kéo quân về Hoa Lư
yết kiến vua Đinh.
Dưới sự chỉ huy của ba vị tướng trẻ, quân sĩ đi tới đâu cũng
được nhân dân ủng hộ, quân giặc nghe tiếng phải bỏ giáo quy hàng. Các đạo quân
phiến loạn tan rã một cách nhanh chóng, giang sơn thu về một mối, dân tộc chấm
dứt cảnh chém giết lẫn nhau.
Dành được chiến thắng, vua Đinh lên ngôi Hoàng đế, đóng đô tại
kinh thành Hoa Lư, Đinh Tiên Hoàng ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của ba
quân, ca ngợi trí thông minh và đức độ của ba anh em Sùng Công. Vua Đinh sắc
phong Sùng Công làm Trưởng Án Nội Các, Quách Công làm Kim Thiên Môn Điện, Thiện
Công làm Tây Chính Trấn Ngự Phủ Điện.
Sau khi nhận chức trong triều được 12 năm, ba ông đã dâng biểu
sớ xin triều đình cho về Ngô Xá thăm quê hương và mộ phần cha mẹ, nhà vua cảm
kích đã ban cho ba ông vàng 55 hốt, áo bào 1 cuộn. Người dân địa phương vô cùng
phấn chấn khi gặp lại ba ông.
Trong niềm vui đó, ba ông đã tặng nhân dân Ngô Xá 300 hốt
vàng để lập đình miếu, sửa sang lại ngôi chùa. Qua một thời gian, ba ông đã mất
tại xã. Tại ngôi miếu, nhân dân đã tạc tượng ba ông để tôn thờ.
Trên bài vị đặt trong khám trước ban thờ, tên ba ông vẫn ngời
sáng. Ngày sinh của ba ông là 10/3, ngày mất là 09/8. Vào những ngày này nhân
dân gần xa thường đến thắp hương tế lễ, rước kiệu tôn vinh những tấm gương cao
đẹp, đã hiến dâng tất cả sức lực trí tuệ của mình để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Để bảo lưu đạo lý tốt đẹp của ba ông, các triều đại sau đó đều
phong sắc để nhân dân thờ phụng và học tập. Theo truyền ngôn, thế kỷ XV, khi tiến
quân đi đánh giặc Minh qua đây, Lê Lợi đã vào thắp hương, được ba ông báo mộng
phù giúp, Lê Lợi như được tiếp thêm sức mạnh khi vào trận ông đã giành được thắng
lợi lớn.
Phát huy truyền thống đó, trong kháng chiến chống thực dân
Pháp, những di tích này đều là cơ sở che giấu bảo vệ cán bộ, bộ đội góp phần
đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Đến nay đất nước đã đổi mới, các di tích được
trở về đúng vị trí là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của làng.
Trong những ngày lễ hội, nhân dân tập trung ở di tích này rất
đông vui, hào hứng cùng nhau tiến hành tế lễ, rước kiệu và vui chơi với các
hình thức văn hóa thể thao sinh động.
Các hiện vật trong cụm di tích hiện còn: Hai kiệu bát cống,
hai kiệu long đình sơn son thếp vàng; một bát hương sứ cao 0,38m, đường kính miệng
rộng 0,6m niên đại Bảo Đại thứ 5; một chuông đồng cao 0,85m đường kính miệng rộng
0,42m, một bộ bát bửu, một bộ long đao 8 chiếc; bốn cây đèn lồng và bốn cây đèn
gỗ; 6 cỗ ngai, ba ở đình, ba ở miếu đều sơn son thếp vàng; 16 pho tượng phật ở
chùa, 3 pho tượng thần ở miếu; một cầu đá thời Lê gồm 6 tấm đá rộng 0,45m dài
1,05m (đường vào chùa); 3 bàn thờ gỗ sơn son với riềm chạm dây hoa cỡ 1,4 ×
0,6m; 16 cột đá cỡ 2,2 × 0,25; 13 đạo sắc phong thời Lê và thời Nguyễn; một giá
gương gỗ sơn son thếp vàng chạm long vân, 8 đại tự sơn son thếp vàng và 4 đôi
câu đối rất cổ kính.
Cụm đình, chùa, miếu Ngô Xá được Nhà nước xếp hạng Di tích
kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 634 ngày 11/5/1993 của Bộ
Văn hoá-Thông tin.