Đình, chùa Trung Văn thuộc địa phận phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đình Trung Văn thờ phụng Thuỷ Hải long vương, Lạc Long Quân và Đào Trực, một vị tướng nổi tiếng thời vua Lê Đại Hành, tham gia đánh Tống bình Chiêm. Chùa Trung Văn thờ Phật.
Đình Trung Văn
Đình Trung Văn nằm ở xóm Đình, làng Trung Văn trên khoảng đất
số 309, có diện tích 1154m”, trước đây thuộc xã Phùng Khoang. Thời Lê gọi là
Phùng Khoang thuộc xã Nhân Mục Môn, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng.
Năm 1723, thuộc vào huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn
Tây. Thời Nguyễn là xã Ngọc Trục, tổng Đại Mỗ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Năm
1965, nhập vào huyện Từ Liêm, nay là xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Đình thờ Thuỷ Hải long vương, Lạc Long Quân và Đào Trực, một
vị tướng thời Lê Hoàn. Ông có công đánh giặc Tống xâm lược ở phía bắc, được
phong chức thiên bảo, đứng đầu quan võ. Sau ông lại cầm quân dẹp giặc Chiêm xâm
lấn phía nam, ông bị thương, khi về đến Trung Văn thì mất. Dân làng đã tôn thờ
ông. Quanh khu vực này có 18 đền từ Sấu Giá đến Trung Văn đều thờ ông.
Đình còn lưu giữ được 10 đạo sắc phong, sớm nhất là năm Minh
Mạng 21. Theo thần phả, đình được xây dựng vào cuối Lê, đầu Nguyễn. Đình gồm có
sân, toà đại đình, nhà bia. Các mảng chạm khắc trang trí trong toà đại đình là
những tác phẩm rất đẹp tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc dân gian thế kỷ 19.
Đình còn giữ được nhiều cổ vật như nhang án, cửa võng, bát bửu, long đình, cuốn
thư sơn son thếp vàng, được chế tác từ thế thế kỷ 17-18.
Đình Trung Văn đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di
tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1991.
Chùa Trung Văn có tên chữ là Đại Linh tự. Căn cứ vào nguồn
tư liệu thành văn hiện còn lưu tại chùa như văn bia, văn chuông, hoành phi, câu
đối và khối kiến trúc vật chất của chùa, chúng ta có thể đoán định niên đại xây
dựng chùa khoảng thời Hậu Lê. Chùa cũng đã trải qua nhiều lần trùng tu và nâng
cấp.
Chùa Trung Văn
Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng thoáng sát dòng
sông Nhuệ, mặt tiền quay hướng nam, bao gồm: toà Tam bảo kết cấu kiểu chữ
“đinh”, phía sau Tam bảo là Thượng điện, nhà thờ Tổ, phía trái tòa Tam bảo là
điện thờ Mẫu.
Nhà Tiền đường 2 gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai,
mái lợp ngói ta có hình hoa cúc ở mũi. Bờ nóc đắp nề trang trí, giữa bờ nóc là
bức hoành đắp nổi tên chùa bằng Hán tự.
Toà Thượng điện 3 gian xây chạy dọc về phía sau hình chữ
“đinh”, tường hồi bít đốc. Bộ khung truyền thống gồm 4 bộ vì kèo, hai hàng cột
cái và hai hàng cột quân, kiểu vì chồng rường, mái lợp ngói ta.
Phía sau Thượng điện cách một sân gạch là Nhà thờ Tổ 5 gian,
kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Điện thờ Mẫu nằm kề sát tường Thượng
điện cũng có kết cấu kiểu chữ “đinh”.
Trải qua thời gian dài biến động của lịch sử, chùa Trung Văn
đã nhiều lần phải trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn còn lưu giữ bộ sưu tập di vật
mang giá trị nghệ thuật thuộc thế kỷ XVIII - XIX như: đồ gỗ, đồ đá, đồ đồng, đồ
sứ.
Các pho tượng của chùa được tạo tác công phu tinh xảo, sơn
son thếp lộng lẫy. Nguồn tư liệu thành văn như bia đá, chuông đồng, hoành phi,
câu đối không chỉ là những cổ vật mang giá trị nghệ thuật đặc sắc của thế kỷ
XIX, mà còn là nguồn sử liệu quý, góp phần nghiên cứu lịch sử hình thành phát
triển của một làng Việt cổ phía nam kinh thành Thăng Long qua các triều đại, làm
sâu sắc thêm nhận thức về tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán của người dân
địa phương.
Chùm ảnh Đình - Chùa Trung Văn
Cụm di tích đình - chùa Trung Văn. Ảnh Nguyễn Huân/Đền Miếu Việt
Chùa Trung Văn đã được
Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật năm
2002./.
Nguồn: Người Hà Nội