Đình Chuông, chùa Chuông và chợ Chuông Thanh Oai, Hanoi là cụm di tích văn hóa liền kề liên hoàn được bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng “ Di tích lịch sử cấp quốc gia” ngày 16-3-1985. Đây là những địa điểm linh thiêng thờ phụng Bố Cái Đại Vương vua Phùng Hưng và thân nhân.
Tương truyền làng Chuông có đình từ lâu đời, lúc ban đầu
cũng như bao đình làng trên khắp mọi làng quê chỉ đơn sơ là tranh tre lứa lá,
nhưng không thấy văn tự nào xác định ngôi đình đầu tiên của làng Chuông được
làm vào thời kỳ nào, năm nào. Song, tất cả các ngôi đình thủa ban đầu ấy do bão
dông, nắng mưa, mối mọt và còn chiến tranh tàn phá nên đã hỏng từ lâu.
Mãi đến đầu thế kỷ XIX, khi Gia Long nên ngôi (1802 – 1819)
đất nước Việt Nam ta bước vào giai đoạn có nhiều cải cách và xây dựng. Có thể
nói, nhà Nguyễn mà khởi đầu là Gia Long đã đưa “ Văn hóa đình” Việt Nam phát
triển đạt đến đỉnh cao rực rỡ nhất trong lịch sử nước ta.
Trong bối cảnh ấy, đến đời vua Thành Thái thứ 6, năm giáp ngọ
(1894), hội đồng kỳ mục làng Chuông – xã Phương Trung bàn bạc và quyết định làm
ngôi đình to đẹp theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn, chứ không làm theo lối
cổ nữa.
Theo tài liệu đang lưu giữ, ngôi đình làng Chuông hiện được
xây dựng năm Giáp Ngọ ( 1894 ) có kiến trúc kiểu chữ công, gồm tòa Đại bái,
gian nối và tòa Hậu cung, xung quanh xây tường bảo vệ, vì thế toàn bộ khuôn
viên ngôi đình có hình chữ quốc.
Đến đời vua Duy Tân thứ tư, năm Tân hợi (1911), hội đồng kỳ
mục làng Chuông lại bàn bạc và quyết định xây thêm hai nhà Tả mạc (bên trái) và
Hữu mạc (bên phải) trước cửa đình, công trình kiến trúc cổ Đình làng chính là “
trái tim” của người dân làng Chuông. Đồng thời còn nhằm tiếp tục duy trì hoạt động
tâm linh theo tuần tiết, theo phong tục tập quán do cha ông để lại. Sau những đợt
xây dựng và tu sửa như vậy ngôi đình làng Chuông từ kiểu chữ công sang chữ nhị.
Ngôi đình làng Chuông có rất nhiều cuốn thư, hoành phi
và câu đối cổ lâu đời, và 1 số vật dụng đồ thờ bằng đồng, bằng gốm sứ, bằng gỗ,
bằng vải quý giá, hiện nay đình làng Chuông còn giữ được 25 đạo sắc phong từ
các đời vua phong kiến Việt Nam ban tặng và đã được UBND TP Hà Nội công nhận là
tài liệu lưu trữ quý hiếm.
Thật hiếm có ngôi đình nào mà tòa Đại bái có hệ thống cột
lim xanh lục lõi to khỏe đến vậy, hệ thống cột cái có đường kính là 0,5 mét, cột
con là 0,37 mét, chân 5 hàng cột kê đá tảng xanh nguyên khối có trạm khắc cầu kỳ.
Giữa hệ thống cột cái và các hệ thống cột con là các mê rường
cốn chạm khắc tinh sảo theo truyền thống văn hóa dân gian là bộ tứ linh: long,
ly, quy, phượng; kết hợp hài hòa với bộ tứ quý: thông, cúc, trúc, mai.
Các vì kèo đỡ mái đình và các đầu kẻ bẩy được chạm khắc bong
lọng kiểu chồng rường. Đặc biệt trên các bức cốn mái hiên, được chạm khắc ba
con hổ đang trong thế bình tấn, mang phong cách nghệ thuật kiến trúc đình đượm
đà màu sắc dân gian triều Nguyễn Việt Nam.
Đình làng Chuông hiện thờ 6 vị thành hoàng làng, 4 vị nhân
thần và 2 vị thiên thần.
1. Đức Phùng Hưng ( tức Bố cái Đại vương )
2. Đức Nguyễn Sí. ( Nguyễn Thiện Quốc Công )
3. Ngài Đỗ Huệ ( Người địa phương có công giúp Phùng Hưng
đánh thắng giặc nhà Đường)
4. Công chúa Phương Dung ( hoàng hậu của Đức vua Phùng Hưng
)
5. Đức Địa kỳ, Thổ kỳ ( là hai vị thần đã có công báo
mộng cho Phùng Hưng là có người đi theo phù giúp và sẽ đánh thắng tướng giặc
nhà Đường đó là Cao Chính Bình.
Chùa Chuông
Chùa Chuông có tên chữ là “ Thắng Quang Tự” tức là “ chùa Thắng
Quang”. Song từ xưa cho đến ngày nay, người dân vẫn thường gọi nôm na là chùa
Chuông. Chùa Thắng Quang được xây cất tại trung tâm làng Chuông, nằm ở hướng
Tây Bắc sát mép tả đê sông Đáy, liền kề phía sau Đình Chuông, trên bến dưới
thuyền rất thuận tiện giao lưu qua lại.
Đình Chuông, chùa Chuông và chợ Chuông là cụm di tích văn
hóa liền kề liên hoàn được bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng “ Di tích lịch sử cấp
quốc gia” ngày 16-3-1985. Có thể nói đây là ngôi chùa khá đặc biệt cả về quy mô
kiến trúc và bài vị thờ Phật, thờ Thánh và thờ Mẫu.
Chúng ta dễ hình dung, thông thường ngôi chùa chỉ để thờ Phật
như hàng trăm ngôi chùa Việt Nam. Vậy mà, tại chùa Thắng Quang còn thờ Đức
Thánh Mẫu là phu nhân của Đức Phùng Hưng; Thờ Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị
thiên thần “ tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam; Và thờ Đức Thánh Đỗ Huệ, một tùy
tướng giúp Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đánh tan đội quân xâm lược nhà Đường do
Cao Chính Bình làm thống lĩnh, giải phóng thành Tống Bình ( tức thành Hà Nội
ngày nay). Chính vì ngôi chùa vừa thờ Đức phật và còn thờ các vị thánh, vị thần
như vậy nên quy mô kiến trúc khá đặc biệt, nhiều tầng, nhiều lớp đan xen nằm
trong khuôn viên rộng hơn 1000 mét vuông.
Chúng ta dễ nhận thấy trong khuôn viên ấy được sắp xếp một
cách khoa học, bài bản phù hợp văn hóa đạo Phật, đạo Giáo và văn hóa tâm linh bản
địa truyền thống của Việt Nam. Nếu đứng ở chợ Chuông nhìn thẳng vào chùa Chuông
ta thấy các hạng mục kiến trúc chùa Chuông gồm:
Cổng Tam Quan
Chính diện tòa Tam Bảo
Nhà thờ Đức Thánh Mẫu
Nhà thờ Đức Đỗ Huệ
Nhà thờ mẫu Liễu Hạnh.