Đình Lãng Xuyên thờ Thành hoàng làng hiệu là Ngọc Thị Quỳnh Lang công chúa (thiên thần) có công âm phù Hai Bà Trưng trong khi lập đàn ở cửa sông Hát Môn. Sau khi đánh thắng Tô Định, nhị vua Hai Bà Trưng phong bà là Hoa Hùng Uyển Mỵ Chinh thục Phu nhân Thượng đẳng thần, nhân dân muôn đời thờ phụng.
Đình làng Lãng Xuyên, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải
Dương được trùng tu xây dựng năm Khải Định thứ 2 (1917). Ngôi đình không chỉ có
giá trị nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu mà còn có ý nghĩa tâm linh gắn với lịch
sử văn hóa dân tộc Việt trong cộng đồng cư dân địa phương.
1. Lịch sử làng xã, địa lý liên quan đến ngôi đình
Trên bia thần tích ghi từ xưa đến nay, tên làng Lãng Xuyên
đã nhiều lần thay đổi: Trang Chương Tuyền xưa, thuộc huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng,
đầu TK XX đổi thành xã Lãng Xuyên thuộc tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải
Dương. Sau Cách mạng Tháng Tám, xã Lãng Xuyên hợp với hai thôn An Tân, Phúc Tân
thành xã Chí Thiện.
Năm 1947, xã Chí Thiện sáp nhập với ba thôn Tranh Đấu, Tầng
Hạ, Đồng Bào thành xã Kiên Trung. Năm 1956, xã Kiên Trung tách thành hai xã. Ba
thôn Tranh Đấu, Tầng Hạ, Đồng Bào hợp thành xã Gia Xuyên. Ba thôn An Tân, Lãng
Xuyên, Phúc Tân hợp nhất thành xã Gia Tân ngày nay (1).
Đình Lãng Xuyên - di tích lịch sử, văn hóa quốc gia - Ảnh:
Minh Của
Đình Lãng Xuyên được gắn với địa danh tên làng, tọa lạc tại
địa điểm thuận lợi của thôn. Làng Lãng Xuyên nằm ở giữa ba thôn, đình làng tọa ở
đầu thôn hướng mặt tiền về phía Tây Nam có cảnh quan phong thủy đẹp, trông ra
con sông Chương.
Từ xưa, nước sông Chương vẫn xuôi dòng quanh co uốn khúc chảy
về hướng Đông ven theo hai thôn An Tân, Lãng Xuyên. Hiện nay, con sông đã thu hẹp
do chặn dòng trị thủy, tuy thay đổi, nhưng cảnh quan vẫn thoáng đẹp nên thơ, với
một nhịp cầu bắc ngang trên sông.
2. Giá trị lịch sử văn hóa dân gian
Trên bia thần tích
năm Đinh Tỵ 1917 thời Khải Định, câu chuyện huyền thoại kể về tinh thần yêu nước
thương dân của vị thiên thần thời Hùng Vương thứ 18, khi giặc Đông Hán phương Bắc
sang xâm chiếm nước ta. Tướng giặc Tô Định đem 10 vạn tinh binh, 8 vạn chiến
thuyền tiến sang xâm lược nước ta, chúng tham tàn bạo ngược làm cho dân chúng đất
trời phẫn uất đau thương.
Trước tình hình đó, cháu gái dòng dõi Hùng Vương là Trưng Trắc
cùng em là Trưng Nhị đã tập hợp dân chúng nhất tề đứng lên dấy binh phất cờ khởi
nghĩa. Hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị là nữ tráng hào kiệt tài đức hơn người,
phẫn phất hùng uy cử binh cự chiến với giặc.
Trước ngày xuất quân, Trưng Nữ Vương làm lễ cầu đào tại cửa
khẩu Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) cầu xin cho quân ta chiến thắng. Cầu khấn xong
bỗng thấy đất trời bốn bề nổi cơn giông tố mưa gió dữ dội cờ xí ngả nghiêng
chao đảo, trên đàn bỗng thấy một người con gái y phục nghiêm trang, trẻ đẹp,
dáng người thon thả, mặt phượng mày ngài sắc như hoa xuân phơi phới, cưỡi mây
giáng thẳng xuống đàn và nói: “Ta vốn là tiên cung tiên phủ giáng xuống trần
gian, ngự tại đình Trang Chương Tuyền (huyện Trường Tân), tự hiệu là Ngọc Hoa
Giao trên trời ngự giá nơi tiên cung kim nguyệt, giúp phúc điềm lành giải cứu
trừ tai ách, nay thấy nữ tướng chiêu binh diệt giặc cứu nước thương dân, ta
nguyện âm phù theo quân đánh giặc”. Nói xong, trong khoảnh khắc trời quang mây
tạnh, Trưng Nữ Vương bèn làm lễ bái tạ.
Hôm đó là ngày 12 tháng 10, Trưng Nữ hạ chiếu truyền cho các
tướng sĩ cử đại binh xuất quân đi đánh Tô Định. Quân giặc thua to, bỏ chạy tán
loạn, ta chém đầu chánh tướng cùng sĩ tốt, thu hồi toàn bộ vũ khí lương thực,
65 thành lũy kiên cố của giặc hết thảy thu về Nam bang cảnh thổ.
Thắng giặc xong trở về kinh đô, Trưng Nữ xưng ngôi tự là
Trưng Nữ Vương cho mở tiệc lớn mừng đại thắng, gia phong cho các tướng sĩ có
công; nhân đó, Trưng Nữ Vương nói với các chư tướng rằng: Quân Tô Định sớm bị
đánh tan cũng nhờ có thần âm phù trợ, rồi ban lệnh cho sứ thần đến Trang Chương
Tuyền, huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng, Đạo Hồng Châu (thôn Lãng Xuyên, huyện Gia
Lộc, tỉnh Hải Dương), loan báo mời các phụ lão đến hỏi sự việc cho rõ ràng:
Trang các ngươi có phụng thờ một vị Âm Thần đúng theo húy tự như vậy chăng? Bản
trang tâu rằng: Quả đúng, Trang của thần dân phụng thờ thần hoàng có húy tự
đúng như vậy.
Sứ thần về tâu với Trưng Nữ Vương sắc phong như nguyên húy tự
Ngọc Hoa Giao, hiệu tự là Thiên Tiên Ngọc Tướng - Quỳnh Nương Công Chúa. Tặng
phong là Nga Hằng Uyển Mỵ Trinh Thục Phu Nhân truyền từ nay về sau linh thiêng
hiển ứng. Phong mỹ tự là Đế Ngọc chuẩn phê cho Trang Chương Tuyền phụng thờ
(2).
Bia Thần tích - Ảnh: MC
Cho đến ngày 15 tháng Giêng năm Thiên Phúc 918, vua Lê Đại
Hành khảo sát cuốn Bách Thần thấy tên một vị phu nhân ghi trong sách nhà vua,
cũng linh thiêng hiển ứng với phu nhân nhà Hùng, bèn cho gia phong mỹ tự là Diệu
Quang Tuệ Tĩnh Đức Hạnh Đoan Trang Phu Nhân, ban cho Trang Chương Tuyền phụng
thờ.
Đến đời vua Lê Thái Tổ, năm 1428, dẹp xong giặc Minh, chém
Liễu Thăng bình thiên hạ, vua gia phong cho phu nhân có mỹ tự là Nhất Vị Công
Chúa Huệ Hòa Gia Hạnh Liệt Tiết Ôn Cung Anh Linh (tức một vị công chúa nhân ái
hòa thuận xinh đẹp, đức hạnh ngay thẳng ôn hòa, cung kính anh linh hiển ứng), sắc
chỉ ban cho Trang Chương Tuyền trùng tu cung điện phụng thờ mãi mãi. Đến năm 1917,
vua Khải Định cho tạc dựng Lãng Xuyên thần tích bi và phụng thờ.
Chuẩn theo điển tích sắc ban đến nay, cứ đến ngày 12 tháng
10 âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ kỷ niệm thành hoàng ghi trên bia thần tích
để tưởng nhớ vị thiên thần có công với nước với dân làng, quy định hai năm một
lần cứ vào ngày 15 tháng Giêng, tổ chức lễ hội long trọng diễn trình rước thành
hoàng làng ngự giá tại đình.
3. Giá trị lịch sử văn hóa đình làng Lãng Xuyên
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, đình Lãng Xuyên gắn liền với
văn hóa tín ngưỡng cộng đồng của người dân địa phương trên bước đường khẩn
hoang xây dựng làng xã, hình thành làng mới.
Đến nay, đình Lãng Xuyên đã qua nhiều lần xây dựng trùng tu
sửa chữa, mở rộng không gian với quy mô bề thế, thể hiện được tính hoành tráng
của kiến trúc ngôi đình hàng trăm năm tuổi. Đình Lãng Xuyên còn phản ánh tư duy
kiến trúc nghệ thuật độc đáo của các nghệ nhân trong thiết kế kiến trúc, nghệ
thuật, kỹ thuật thời kỳ nhà Nguyễn.
Hiện nay, đình còn lưu giữ nhiều di vật cổ quý giá như: đại
tự sơn son thiếp vàng, câu đối, cuốn thư, ngai thờ... cùng với các giá trị văn
hóa phi vật thể biểu hiện qua tín ngưỡng lễ hội dân gian như nghi lễ thờ, lễ rước,
trò chơi dân gian, đấu vật, đánh thó (đánh gậy), buổi tối hát đúm (hát nói, hát
mở mặt, là loại hình dân ca với những giai điệu đối đáp do nhiều người tham
gia, là loại hình ca hát mang tính cộng đồng, cộng cảm một nét đặc trưng của cư
dân ven biển (xưa Lãng Xuyên thuộc vùng biển), hát nhà tơ (gần với ca trù, chỉ
xuất hiện ở đình), hát tuồng chèo... trong sinh hoạt cộng đồng mang nội dung
tinh thần văn hóa phong phú.
Những cổ vật giá trị
được đình lưu giữ là chứng cứ quan trọng trong nghiên cứu sâu về giá trị lịch sử
của đình làng. Đây là nguồn tư liệu giúp các thế hệ sau hiểu được giá trị chân
thiện mỹ của cộng đồng người dân qua các thế hệ; cùng với lịch sử đấu tranh của
người dân địa phương đứng lên chống cường quyền giặc giã giải phóng xây dựng đất
nước.
Thế hệ sau hiểu được lịch sử trong cuộc đấu tranh chống giặc
ngoại xâm phương Bắc thời Hùng Vương, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Hai Bà
Trưng, cũng như công đức vị thần hoàng làng qua văn bia thần tích...
Ban thờ Thần hoàng - Ảnh: MC
Hình tượng vị thiên thần Ngọc Hoa Giao thần hoàng đã ca ngợi
những giá trị đạo đức tốt đẹp với phẩm chất cao thượng có ý nghĩa nhân văn sâu
sắc; Hình tượng vị thiên thần đại diện cho người phụ nữ Việt Nam “anh hùng bất
khuất trung hậu đảm đang”, đồng thời là hình ảnh tiêu biểu sống động người phụ
nữ qua các thời kỳ lịch sử không chịu khuất phục trước giặc ngoại xâm khi đất
nước lâm nguy.
Câu nói: “Ta vốn là tiên cung tiên phủ giáng xuống trần
gian, giúp phúc điềm lành giải cứu trừ tai ách... Ta nguyện âm phù theo quân
đánh giặc” (3) đã ngấm sâu vào lòng tự tôn dân tộc của mỗi người dân yêu nước.
Bà Triệu Thị Trinh “đạp sóng mạnh chém cá kình ở Biển Đông”, những câu nói, lời
thề đã tạo nên khí thế mạnh mẽ, cổ vũ tinh thần yêu nước khích lệ nhân dân
trong các cuộc đấu tranh chống kẻ thù tàn bạo.
Từ TK XVIII - XIX đình Lãng Xuyên là một chứng tích ghi nhận
lịch sử những năm tháng hào hùng của làng xã trong cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp xâm lược.
Thời Pháp, ngôi đình đã từng bị giặc càn quét đốt phá di chứng,
những vết lửa đen hiện hữu được ghi nhận trên đầu cột cái, cột quân vì kèo là
minh chứng cho một thời kỳ lịch sử. Đình Lãng Xuyên từng là nơi che giấu cho
cán bộ cách mạng ẩn nấp khi giặc về càn quét lùng bắt nhiều lần.
Những đại tự, lọng che là lá chắn ngụy trang tự nhiên về một
nơi ẩn nấp lý tưởng mà địch không thể phát hiện ra, những lá chắn này đã nhiều
lần cứu thoát những chiến sĩ cách mạng khỏi sự lùng sục của kẻ thù.
Trong những năm tháng khó khăn khi giặc Pháp mở rộng vùng
càn quét gắt gao nhằm triệt tiêu cách mạng, nơi đây trở thành căn cứ hoạt động
bí mật của các cán bộ chiến sĩ cách mạng nòng cốt, cũng là nơi cất giấu vũ khí
lương thực phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài, là điểm tập luyện quân sự địa
phương dân quân du kích các xã.
Cách mạng Tháng Tám thành công, các đơn vị vệ quốc quân (tiền
thân Quân đội nhân dân Việt Nam) đã có mặt đóng quân tại đình này được dân làng
tận tình ủng hộ giúp đỡ lương thực thực phẩm (4). Cũng trong cuộc kháng chiến
chống Pháp quyết liệt cam go, đình làng Lãng Xuyên là điểm chọn tập kết an toàn
cho các đơn vị bộ đội chính quy dân quân du kích các xã hoạt động, là căn cứ bí
mật chỉ đạo những kế hoạch xuất quân đi đánh đồn diệt bốt giặc.
Trong cuộc vận động phong trào Bình dân Học vụ (xóa mù chữ)
do chính quyền cách mạng phát động, ngay từ những ngày đầu ngôi đình đã trở
thành địa điểm chọn mở lớp học dạy chữ cho con em địa phương.
Tiếp nối truyền thống quê hương cách mạng, trong sự nghiệp
chống Mỹ cứu nước của dân tộc năm 1954 đến 1975, nơi đây trở thành kho thóc để
nhân dân địa phương đóng góp.
Từ đây, thóc vàng được vận chuyển chi viện khắp chiến trường
miền Nam, góp phần vào những chiến công hiển hách của dân tộc và làm rạng rỡ
vùng đất lịch sử cách mạng quê hương Lãng Xuyên.
Đình đã chứng kiến những lớp thanh niên, những người con ưu
tú của quê hương khoác áo lính lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc, phục vụ miền
Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam đánh giặc, thống nhất đất nước.
Trong thời bình, đình làng trở thành trung tâm sinh hoạt văn
hóa tín ngưỡng cộng đồng, nơi thảo luận triển khai các nghị quyết đường lối chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nơi hội họp thống nhất
tuyên truyền chủ trương việc làng tới người dân.
Có thể nói, sự tồn tại của đình làng Lãng Xuyên xưa và nay
mang nhiều ý nghĩa về các giá trị tốt đẹp, một biểu tượng tiêu biểu đình làng
quê Bắc Bộ. Sự trường tồn của nó đã mang lại những giá trị tình cảm, niềm tự
hào về lịch sử văn hóa sâu sắc với người dân địa phương, mang ý nghĩa lớn trong
giáo dục truyền thống quê hương, là nơi bảo tồn giá trị vật thể, phi vật thể và
thực hành tín ngưỡng, nơi thể hiện ý chí đại đoàn kết toàn dân trong cộng đồng
cư dân.
Kết luận
Đình làng Lãng Xuyên là nơi trình diễn nét sinh hoạt văn hóa
cộng đồng đặc trưng, mang tư duy truyền thống thẩm mỹ của người dân Bắc Bộ qua
thể hiện ước vọng tín ngưỡng. Đây cũng là một bảo tàng nhỏ lưu giữ những nét
văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội, hiện vật thờ, phong tục tập quán, kiến
trúc, điêu khắc, âm nhạc, ca vũ, trò dân gian.
Trải qua 3 thế kỷ thăng trầm của lịch sử, ngôi đình đã gắn
bó mật thiết với người dân địa phương, gửi gắm những tình cảm mật thiết, hướng
người dân nhớ cội nguồn cùng với triết lý truyền thống “ăn quả nhớ người trồng
cây”. Đây còn là cõi thiêng hướng lòng tự tôn dân tộc, cũng là nơi mỗi người
dân có trách nhiệm bảo tồn phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng cộng đồng của
mình.
Hiện nay, đình còn là địa điểm sinh hoạt của cán bộ nhân dân
địa phương, vì vậy, đình Lãng Xuyên có ý nghĩa là nơi giáo dục truyền thống
trên quê hương, với phương châm truyền nhân để lại Thần tích anh hùng, Cổ vật
quý báu, Đình ích quốc lợi dân. Người dân quê hương luôn hướng giữ bồi đắp cho
di tích văn hóa đình ngày càng vững đẹp, nêu cao tinh thần “hộ quốc tế dân” của
“Thượng Đẳng Thần”, di tích sẽ trường tồn mãi mãi trong lịch sử hào hùng của
vùng quê thân yêu.
_______________
1, 4. Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Gia Tân từ 1930 đến
1975, tập 1, 1993.
2, 3. Phạm Thanh Tuyền (nhiều tác giả), Những bài viết nhân
dịp lễ hội đón bằng di tích lịch sử, đình làng Lãng Xuyên cấp quốc gia 2006, Lãng
Xuyên, Gia Tân, Gia Lộc, 2006.
Tác giả: Hoàng Minh Của
Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020