Đình Ngự Triều Di Quy nằm gần giữa khu thành Nội, cách đền thờ An Dương Vương khoảng 300m về phía đông, phía trước là một khoảng sân rộng, bên tây là am Mỵ Châu, bên đông là xóm Chợ, phía sau là chùa Bảo Sơn.
Đình Ngự Triều Di Quy nhìn từ bên ngoài (Ảnh chụp thế kỷ 20)
Đình có Nghi môn được xây trát kiểu hai tầng có mái đắp giả
ngói ống, nối vào với ba cửa: một chính hai phụ tiếp liền với tường tạo thành
phần ngăn ở phía trước, bên trái có đường dẫn thẳng vào trước am Mỵ Châu. Tất cả
đều xây trát đơn giản.
Từ Nghi môn qua một sân rộng lát gạch Bát Tràng là tới Đại
Đình, cạnh đó về bên trái là am Mỵ Châu, bên phải là nhà Tả vu mới được phục dựng
năm 2004 - 2005.
Ngôi đình này được gọi theo tên địa danh Cổ Loa nhưng có tên
là “Ngự triều di quy” vì theo tương truyền Đình được dựng trên nền cung điện
thiết triều của vua An Dương Vương. Đây là một kiến trúc khá lớn, có bố cục mặt
bằng hình chữ “Đinh”, (hay còn gọi là kiểu chuôi vồ) gồm 5 gian 2 trái và hậu
cung.
Đại đình, dài 30m, rộng gần 14m, được làm bằng gỗ lim mái lợp
ngói “mũi hài” cùng với những góc đao cong trông thật bề thế. Kết cấu bộ vì nóc
làm theo kiểu “giá chiêng, chồng rường” với 6 hàng chân cột. Các cột cái khá lớn:
cao 5,5m, đường kính 0,5m. Các cột quân cao 4m, đường kính 0,38m. Sáu bộ vì
chia không gian nội thất ra làm 5 gian 2 chái khá rộng (1 gian rộng 4,1m, 2
chái rộng 3,8m). Để có thể làm được 2 chái lớn rộng như vậy, người ra đã làm 2
vì lửng tức là bộ vì trốn cột theo thể thức cổ truyền.
Nói chung, các bộ vì của gian bên cũng làm theo kiểu giá
chiêng nhưng các chi tiết đơn giản hơn gian giữa, kể cả ở các cốn và bộ vì nách.
Mái đình, được đua rộng ra phía trước là nhờ cách sử dụng kẻ bẩy- một thân gỗ
nguyên dài và mập gác mộng ở hai đầu cột quân và cột hiên vươn ra đỡ hoành và tầu
mái. Dưới quá giang của gian giữa có khắc dòng chữ “Thành Thái tam niên”
(1903), đó là năm có cuộc tu bổ lớn.
Các cuộc tu bổ như vậy làm cho di tích có thể vững chắc, tồn
tại lâu hơn với thời gian, nhưng có lẽ những chi tiết, cấu kiện trang trí của
ngôi đình, do hư hỏng cũng không thể giữ lại được.
Đó là lý do khiến ta không còn thấy có nhiều mảng, nhiều chi
tiết trang trí tại phần gỗ của kiến trúc này. Trong lần tu tạo năm 2001 cơ quan
quản lý di tích đã cho phục hồi bộ sàn và cửa bức bàn ở xung quanh bằng gỗ lim
như hiện nay.
Các chạm khắc trên kết cấu gỗ của đình không nhiều mà cũng
không dày đặc, nhưng khá đẹp và tập trung ở các đầu dư, con rường, kẻ và ván
nong.
Mười hai đầu dư ở các cột cái đều được chạm đầu rồng, còn phần
thân rồng bị chìm khuất đi bởi những đao mác dài bay ra từ gáy, mang và hàm. Phần
đầu rồng chiếm một tỷ lệ lớn có đôi mắt tròn to, nổi khối, miệng há mở trông rõ
từng chiếc răng, mang phồng, tai lớn, từ mắt và mang bay ra những vân đao trông
rất sống động. Kỹ thuật chạm tách bằng những đường chỉ chìm kết hợp với kỹ thuật
chạm bong kênh, chạm lộng đã đạt hiệu quả cao, khiến cho đồ án này thật hoàn hảo,
mặc dù chỉ thể hiện chủ yếu là một đầu rồng.
Điều đáng chú ý là các đầu dư trên hai bộ vì gian ngoài đã
được chạm các mặt rồng ngoảnh vào phía giữa Đình, thay vì vươn đầu ra phía trước
như các vì khác trông rất ngộ nghĩnh và vui mắt, đó là một hiện tượng bắt nguồn
từ thế kỷ XVI.
Ở các con rường, trên kẻ hiên và ván nong của bộ vì có các đồ
án “Phượng hàm thư”, “Lân hí cầu”, “Rồng - lân - phượng” và hoa lá kết hợp được
thể hiện khá tinh tế và thanh thoát, nhẹ nhàng khiến ta nhìn vào không còn cảm
thấy sự nặng nề của các cấu kiện gỗ to mập chồng chất lên nhau.
Trong hậu cung, tại hai vì nách cũng được chạm khắc đồ án rồng,
thể hiện khá đặc sắc với phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVIII với các chi tiết
và cách bố cục như nối dòng từ ba ngôi đình Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh
(Tam Canh) thuộc Vĩnh Phúc hay Đình Thổ Tang thuộc tỉnh Phú Thọ.
Một tác phẩm chạm khắc khá nổi bật trong ngôi đình là chiếc
cửa võng sơn son thiếp vàng với các mảng chạm “Tứ linh” (Long - ly - quy - phượng),
và “Tứ quý” (thông - trúc - cúc - mai), và các đề tài phổ biến trong điêu khắc
gỗ cổ truyền.
Chiếc cửa võng này có niên đại tạo tác cùng với năm đại tu
“Thành Thái Quý Mão Xuân” (1903), được ghi ở một ô hộc nhỏ phía trên cửa võng.
Đây là một bộ phận kiến trúc, một tác phẩm nghệ thuật được coi là rất đẹp của nội
thất ngôi đình.
Bức cửa võng chạm Tứ linh – Tứ Quý (Niên đại 1903)
Trong toà đại đình còn có hai đôi câu đối giáp cửa võng:
Câu đối thữ nhất được viết: “Nam thiên cựu lạc vi chư nhất
phương vĩnh cửu lưu cầu phúc; Thế giới đại đồng an kỳ nghiệp vinh hanh lợi đồng
nhân” (tạm dịch: Trời Nam cực lạc làm chủ một phương mãi mưu cầu phúc, tất cả mọi
người ai cũng có việc làm phồn vinh cùng chung nhân nghĩa).
Câu đối thứ hai: “Nhất vương phong trạch do tồn trung nghĩa
dân tâm văn hữu quốc; Thiên lý uy danh tự tại túc ung miếu mạo nghiễm trung
thiên” (Tạm dịch: Một đời vua ân đức hãy còn, chung nghĩa lòng dân tiếng vang
khắp nước; Ngàn dặm thanh danh vẫn đó, miếu đền hoà kính uy nghi muôn đời).
Hậu cung có kích thước 9,5m x 8,5m. Có kết cấu vì nóc theo
kiểu chồng rường đơn giản. Các cột cái có đường kính 0,5m, cột con 0,45m trên
các con rường được chạm bong kênh hình rồng. Mặc dù vẫn sử dụng thân gỗ chịu đựng
nhưng để tăng cờng tính thâm niêm của hậu cung ngời ta đã xây tường gạch bao
kín ba mặt phía trước để hai lối đi thông với Đại Đình.
Chính giữa hậu cung có một khám thờ khá lớn. Trên khám có
ngai thờ An Dương Vương chùm áo Hoàng bào, phía dưới là bài vị thờ tướng Cao Lỗ,
người có công chế ra “Nỏ thần”. Ở phía trên có 4 chữ đề “Ngự triều di quy”, với
ý nghĩa đây là nơi đã từng thiết triều của An Dương Vương vì vậy đình còn được
gọi là đình “Ngự triều di quy”. Theo các cụ ở địa phương cho biết ngôi đình này
được mua tại khu vực Việt Trì và chở về theo dòng sông Hồng, dựng lại vào năm
1892.
Việc thờ phụng Thục Phán An Dương Vương ở đình như một vị
thành hoàng làng và phối thờ tướng Cao Lỗ cho thấy nhân dân hết lòng kính trọng
và tôn thờ vị vua hiền, tướng giỏi thời vua Thục An Dương Vương.