Đình Cổ Tiết còn gọi là Đình Thượng, thuộc khu 5, xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, thờ phụng Ngũ vị Long Vương thời Hùng Vương thứ 5.
Đình Cổ Tiết còn gọi là Đình Thượng, thuộc khu 5, xã Cổ Tiết,
huyện Tam Nông với khuôn viên hơn 2000m2. Đình được xây dựng năm 1725 dưới thời Lê - Mạc, thờ Ngũ vị Long
Vương.
Ngọc phả hiện không còn, hiện chỉ còn 5 long ngai ghi lại:
Ngũ vị Long Vương là năm người con của vua Hung Vương thứ 5, nhưng không ghi rõ
tiểu sử hay công trạng của năm vị long vương này mà chỉ ghi đại thể “Đệ nhất
long vương thượng đẳng tôn thần”, và các ngai đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, đệ ngũ đều
ghi như vậy.
Năm 2000, Đình được công nhận di tích cấp quốc gia. Lễ hội
Đình Cổ Tiết được tổ chức vào ngày 4/10 (âm lịch) hàng năm với phần rước kiệu
bát cống bên trên kiệu có hòm sắc và
nghi thức tế lễ trang trọng. Phần hội được tổ chức với nhiều loại hình văn hóa,
văn nghệ và các trò chơi dân gian như: thả diều; kéo co; chọi gà và thi đấu cờ
tướng,… Lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống hướng về cội
nguồn, tri ân công đức của những người đã có công với dân làng… cầu cho quốc
thái, dân an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Đình được xây dựng theo lối kiến trúc chồng diêm tám mái,
tám đầu đao cong vút, cửa quay về hướng đông. Đình có kiến trúc chữ nhất có 6
hàng với tổng cộng 24 cột tròn được bào nhẵn. Kết cấu đình theo kiểu thước kẻ
truyền, hạ bảng. Hai gian trái do kèo cổ ngỗng, xà mạch, xà dai kèo ba chạc tạo
thành, phía dưới kê những tảng đá xanh hình vuông theo kiểu “Trên tròn, dưới
vuông”.
Hiện nay, đình vẫn còn lưu giữ nhiều di vật quý từ thời nhà
Nguyễn như 5 cỗ long ngai, kiệu bát cống, bộ trống kích (hộ tống hai bên kiệu)
gồm kiếm, long đao trùng, phất trần, mâm bồng, hòm sắc, bức đại tự, trống
chiêng, nồi nhang, nghê đá... Nền được lát bằng gạch đỏ, xung quang có xây tường
và cửa ra vào. Về điêu khắc, trang trí kiến trúc đặc sắc với nhiều bức trạm khắc
từ thế kỷ XIX…
Một giá trị lớn hơn thuộc về lịch sử, di tích văn hóa đình Cổ
Tiết gắn với những sự kiện trọng đại của cách mạng và Bác Hồ. Đình Cổ Tiết là
nơi diễn ra nhiều cuộc nói chuyện của các đồng chí như Trần Huy Liệu – Phó Chủ
tịch Ủy ban giải phóng dân tộc, đồng chí Phan Anh đại diện tổng bộ Việt Minh; đồng
chí Bồ Xuân Luật – Bộ trưởng bộ Thương Binh xã hội... Với nhân dân Cổ Tiết, đây
là nơi chứng kiến trọng đại như: Ra mắt
chính quyền lâm thời huyện Tam Nông, thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, sự ra đời
của trường Đảng đầu tiên của huyện Tam Nông... Đình cũng được trưng dụng làm
kho vũ khí của sự đoàn 316 trong vòng gần 30 năm.
Đặc biệt trong 15 ngày ở và làm việc tại Cổ Tiết, Bác Hồ đã
mở nhiều cuộc dân vận, nói chuyện với nhân dân tại sân đình Cổ Tiết. Chứng kiến
nhiều sự kiện lớn của cách mạng, đình Cổ Tiết càng có giá trị to lớn cả về văn
hóa và lịch sử.
Kiến trúc hậu cung đưa lên gác cao cổ kính
Trải qua những năm tháng của lịch sử, Đình đã được trùng tu
nhiều lần, lần thứ nhất vào năm 1832 được ghi lại ở câu đối thứ 4 kể từ ngoài
vào “ Thiện trị nguyên niên đại tuế, phụng sự nam hải chư linh Hồng bàng Hùng
Vương”. Đến năm 1938, Đình lại được tu sửa cột và hậu cung. Năm 2016, nhân dân
dịa phương đã tự đóng góp lợp lại mái, năm 2017 thay dui mè... Thế nhưng cho đến
nay, đình đã bị xuống cấp, cột kèo, khung xà bị mối mọt, hư hỏng nhiều.
Đình Cổ Tiết có niên đại gần 300 tuổi là nơi lưu giữ nhiều
nét kiến trúc cổ không phải nơi nào cũng có. Sự cổ kính, uy linh của Đình là
minh chứng cho sự trường tồn của dân tộc từ thời cha ông để lại nay đã có phần
xuống cấp cần được sự chung tay, góp sức bảo tồn của các cấp trong việc giữ gìn
giá trị văn hóa lịch sử của nước ta.
Di tích Đình Cổ Tiết đã tồn tại gắn với sự tồn tại và phát
triển của xã Cổ Tiết nói riêng, huyện Tam Nông nói chung, các thế hệ người dân
luôn phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, gìn giữ, bảo tồn và phát huy
các giá trị văn hoá truyền thống của quê hương trong công cuộc xây dựng và phát
triển kinh tế - xã hội ngày nay.
Linh Nguyễn