Đình Cời, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình nằm trên khu đất trụ sở của xã. Như đa phần các di tích vùng xứ Mường Hòa Bình, Đình Cời thờ Tam vị Sơn Thánh Tản Viên và Đức Chúa Bà cai quản rừng núi cho thấy mối quan hệ nguồn gốc xa xưa của xứ Mường Hòa Bình (Vang, Thàng, Bi, Động) và Tản Viên trị thủy Long Môn Thác Bờ.
Đình Cời được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận là di tích lịch sử
văn hóa cấp tỉnh năm 2013. Dưới thời xưa xóm Cời từng là thủ phủ của dòng họ
quan lang giàu có và quyền lực của tỉnh Mường - đó là dòng họ Đinh Công và lịch
sử của Đình Cời gắn liền với một vị quan lang nổi tiếng đó là Đinh Công Thịnh -
Người đã có công chủ trì xây dựng lại ngôi đình bề thế vào những năm đầu thế kỷ
XX, lúc đó ông đang làm Chi Châu Lương Sơn.
Ông Đinh Công Cường, xóm Cời, xã Tân Vinh (Lương Sơn) - người đang lưu giữ 8 bản sắc phong cổ, một
tài liệu vô cùng quý giá để biết được chính xác lịch sử vị thần được thờ và
niên đại của di tích, được coi như một bản lý lịch gốc để xác lập vị trí của di
tích.
Các bản sắc phong cổ đều là các sắc phong của triều Nguyễn,
sắc sớm nhất là sắc niên hiệu Duy Tân năm thứ 3 (năm 1909), sắc muộn nhất là sắc
niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (năm 1924). Giải nghĩa các bản sắc phong để giúp hiểu
hơn về lịch sử đình Cời:
Sắc phong thứ nhất ngày 11/8 năm Duy Tân thứ 3 (năm 1909) với
nội dung “Sắc chỉ ban cho xã Kệ Sơn, châu Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình theo như trước
đây thờ phụng: Mậu huân Long Trạch Hoằng hy Tuỵ Linh Hạo sảng, Tuấn tĩnh Dực Bảo
Trung hưng Cao Sơn Đại Vương Thượng đẳng thần (huý Sùng). Hiệp linh phù chính
Phô uy Đôn tuấn Hùng tuấn Trác vĩ Dực trung hưng Tản Viên Sơn Quốc chủ kiêm Thượng
đẳng thần (huý Tuấn). Cao thông Bác đạt Tĩnh chính tú nghi Dực Bảo trung hưng
Quý Minh đại vương Thượng đẳng thần (huý Hiển). Các thần đã được các triều đại
ban cấp sắc phong; chuẩn định cho phép (dân xã) thờ phụng. Năm Duy Tân nguyên
niên mở lễ lớn, trẫm đã ban chiếu báu ân lớn, long trọng mở lễ nâng bậc. Đặc biệt
chuẩn định cho phép (dân xã) vẫn thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của đất
nước mà kéo dài điển lễ thờ phụng. Kính cẩn thay!”.
Sắc phong thứ bảy ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 (năm 1924):
“Sắc ban cho xã Kệ Sơn, châu Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, thờ phụng Bà chúa cai quản
vùng sơn lâm trước đã tặng sắc là: Trang huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.
Thần đã giúp nước cứu dân rất linh ứng nên đã được các đời ban cấp sắc phong,
chuẩn định cho được thờ phụng. Nay đúng dịp lễ lớn mừng thọ trẫm 40 tuổi đã ban
chiếu báu ân lớn, long trọng mở lễ nâng bậc. Đặc biệt chuẩn cho (xã) được thờ
phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của đất nước mà kéo dài điển lễ thờ phụng.
Kính cẩn thay!”.
Căn cứ vào nội dung của các sắc phong thì đình Cời thờ Tam vị
Tản Viên Sơn Thánh và Đức Chúa Bà cai quản rừng núi hay còn gọi là Bà Chúa Thượng
ngàn. Tam vị Tản Viên Sơn Thánh là ba vị
thần Cao Sơn Đại Vương Thượng Đẳng thần (huý Sùng), Quý Minh Đại Vương Thượng Đẳng
thần (huý Hiển) và Tản Viên Sơn Quốc kiêm Thượng Đẳng thần (huý Tuấn). Các vị
thần này rất linh ứng đã phù giúp nhân dân và đất nước nên được các triều đại
phong kiến tin trọng và ban sắc cho nhân dân khắp nơi được thờ phụng và tôn là
thành hoàng.
Theo lời kể lại của ông Đinh Công Cường và các cụ cao niên
trong làng, thuở ban đầu, đình Cời được dựng lên bằng vật liệu đơn giản tranh,
tre, nứa, lá, cách đình Cời ngày nay khoảng 400 m.
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, khu vực này xảy ra dịch bệnh
triền miên nên nhân dân phải chuyển nơi ở ra bờ sông Bùi và dân làng cũng đã dựng
lại ngôi đình mới tại đó. Cũng theo lời ông Cường, vào khoảng những năm 1890 -
1891, cụ nội là ông Đinh Công Thịnh đang làm Chánh tổng Cư Yên cho đón thợ dưới
đồng bằng lên xây lại đình gồm 3 gian 2 chái, diện tích rộng khoảng 60 m2, xung
quanh đình được xây gạch đá ong, phía trước là tường gỗ và cửa.
Vào những năm 1901 - 1902, ông Đinh Công Thịnh là tri châu
Lương Sơn đi học chữ nho ở đình Cấn - Quốc Oai (Hà Nội). Biết ông có ý định xây
lại đình, người ở nơi đó đã cử những thợ có tay nghề cao từ Cấn - Quốc Oai, Bụa
(khu vực Gốt - Chương Mỹ hiện nay) về Tân Vinh làm gạch xây đình với điều kiện
người dân Cấn, Bụa được phép khai thác than củi, gỗ tại khu vực Tân Vinh. Ông
đi tham khảo khắp nơi và sai thợ xây dựng kiến trúc như đình Trèm, rộng như
đình Cấn. Sau một vài năm công trình đã hoàn thiện.
Đình rộng khoảng 4 ha, xây theo kiểu chữ nội công, ngoại quốc
gồm nhà đại bái, hậu cung, 2 bên có tả vu hữu vu. Năm 1949, đình bị thực dân
Pháp bắn cháy. Các hiện vật, đồ tế tự liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng tại
đình được nhân dân gìn giữ và bảo tồn cho đến ngày nay.
Cũng giống như nhiều nơi, lễ hội đình Cời được tổ chức trong
3 ngày, từ mùng 4 đến mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm. Theo lời ông Đinh
Văn Hềm, Chủ tịch Hội NCT xã Tân Vinh, xưa, để chuẩn bị làm lễ, dân làng phải
làm cỗ để cúng thần, trong ngày mùng 4 phải chuẩn bị cỗ chay, cỗ nhắm và cỗ
cúng ngoài đình.
Các mâm cỗ bao gồm xôi, bánh chưng, gà và các món dân gian của
người Mường. Ngoài những mâm lễ của ngày mùng 4 thì ngày mùng 5 dân làng phải
chuẩn bị một mâm gồm có đầu trâu, bốn chân để sống (đây phải là con trâu to béo
được chọn lựa kỹ càng).
Sang ngày mùng 6 phải có 8 mâm cỗ của 8 gia đình gồm xôi,
gà, rượu, trầu, cau. Cùng với việc chuẩn bị các mâm cỗ theo quy định bắt buộc,
làng phải chọn đội hình tế gồm 18 người, đội hình rước kiệu khoảng 40 người.
Song song với phần lễ, vào các buổi chiều mùng 5 và mùng 6 dân làng tổ chức các
trò chơi dân gian như kéo co, bắn nỏ, đánh đu, bắt trạch trong chum thu hút rất
đông nhân dân tham gia.
Tàn tích còn lại của đình Cời
Ngôi đình hiện nay còn lại 4 trụ cột là nghi môn của đình, 8 sắc
phong hiện đang được lưu giữ tại gia đình ông Đinh Công Cường - chắt nội của
ông Đinh Công Thịnh, cháu nội của ông Đinh Công Huy.
Với giá trị to lớn về
lịch sử và văn hóa, Đình Cời đã được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận là di tích lịch
sử văn hóa cấp tỉnh vào tháng 8/2013.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích đình Cời, HĐND, UBND huyện Lương Sơn đã quyết định đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích đình Cời với tổng mức đầu tư 59,79 tỷ đồng từ guồn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hoá. Trong đó, ngân sách Nhà nước 14,99 tỷ đồng, chiếm 25,07%; nguồn xã hội hoá 44,8 tỷ đồng, chiếm 74,93%.
Đình Cời được tu bổ, tôn tạo trên diện tích đất của ngôi đình cũ và một phần mở rộng nằm trong khuôn viên trụ sở UBND xã Tân Vinh, với tổng diện tích khoảng 10.200 m2, được xây dựng theo lối kiến trúc "nội công ngoại quốc”, gồm các hạng mục: Nghi môn ngoại (kiểu tứ trụ), nghi môn nội (kiểu tam quan); tả vu; hữu vu, phương đình, đại bái + hậu cung và tiểu phương đình. Kết cấu chính là gỗ và đá.
Đến nay, ngoài phần ngân sách Nhà nước, huyện đã kêu gọi được 3 nhà tài trợ chính ủng hộ được khoảng 44 tỷ đồng. Cụ thể: Thầy Thích Đạo Thịnh, trụ trì chùa Khai Nguyên tài trợ xây dựng nhà đại bái khoảng 18 tỷ đồng; Công ty CP phát triển đô thị An Thịnh tài trợ xây dựng nhà tả vu, hữu vu…., tổng mức tài trợ khoảng 14 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Mai Liên, địa chỉ tại 24 Kiến Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội) tài trợ phần vật liệu xây dựng đình khoảng 12,8 tỷ đồng.
Dự kiến, công trình được xây dựng và hoàn thành trong khoảng 24 tháng.