Đình Cống Xuyên, thuộc xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội, thờ phụng ba vị thiên thần đại vương: Lộc Thành Tôn thần, Hoằng Tế đại vương, Hoằng Độ đại vương. Danh tướng Phạm Ngũ Lão và ông tổ nghề nề.
Đầu thế kỷ XIX, làng Nghiêm Xuyên có tên là Trương Xuyên,
thuộc tổng Đông Cứu, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Với
những giá trị về lịch sử và nghệ thuật, đình Cống Xuyên được xếp hạng di tích cấp
Quốc gia năm 1993.
Đình Cống Xuyên tọa lạc trên khu đất cao ở giữa làng gồm
nghi môn, hai dãy tả mạc, hữu mạc, nhà phương đình, nhà đại bái và hậu cung.
Ngôi đại bái là công trình kiến trúc chính của khu di tích, được xây dựng từ thời
Lê, đến nay, đình còn lưu giữ một tấm biển gỗ (mộc biển), khắc dòng chữ Hán năm
Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718) xây dựng đình làng Cống Xuyên.
Dưới triều nhà Nguyễn, đình làng nhiều lần được tu bổ. Lần
tu bổ lớn nhất vào năm 1876, niên hiệu Tự Đức thứ 29. Đến nay, trên thân các cột
đình còn lưu giữ tên và chức vụ của những người cung tiến được khắc trên cột để
lưu danh công đức.
Ngôi nhà đại bái mặt bằng hình chữ Nhất, gồm năm gian hai
chái, tường xây gạch, mái chảy lợp ngói mũi. Kiến trúc bộ khung nhà gỗ kết cấu
trên bốn hàng cột, dưới kê chân tảng có hoa văn. Bốn cột ở gian chính giữa gọi
là tứ trụ, có chu vi rất lớn, to 1,82m đến 1,88m. Bộ vì đặt trên hệ thống đầu cột
có kiến trúc theo kiểu thức thượng giá chiêng chồng rường con nhị; vì hạ kết cấu
theo kiểu thức chồng rường bẩy hiên.
Ngôi nhà hậu cung đấu chữ Đinh vào nhà đại bái kéo dài về
phía sau, chia làm ba gian, về kiến trúc của hậu cung cũng làm theo kiểu của
nhà đại bái nhưng quy mô nhỏ hơn. Hậu cung là nơi đặt bàn thờ Thành hoàng làng
và lưu giữ các đồ thờ tự, hoành phi, câu đối, bát hương, kiệu bát cống, sắc
phong, thần phả và những văn bản khác viết về nghi lễ thờ phụng ở đình.
Đình Cống Xuyên thờ nhiều vị thần trong đó gồm: Ba vị thiên
thần, tổ nghề nề và Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320) là danh tướng thời nhà Trần. Lớp
thần thờ thứ nhất là ba vị thiên thần đại vương: Lộc Thành Tôn thần, Hoằng Tế đại
vương, Hoằng Độ đại vương.
Theo tư liệu cổ và truyền thuyết của nhân dân địa phương thì
các vị thần nay là “Khí thiêng sông núi hun đúc tạo nên” như hoành phi viết “Dữ
thiên hợp đức” (hợp đức từ trời). Dân gian gọi chung là thiên thần.
Lớp thần thờ thứ hai là Phạm Ngũ Lão – một danh tướng nhà Trần.
Ngày xưa có miếu thờ, nay đưa về đình cùng phối thờ. Phạm Ngũ Lão quê ở làng
Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên là danh tướng góp mình vào vô
số chiến công hiển hách của vương triều Trần ở thế kỷ XIII, thời kỳ mà hào khí
Đông A đã phát huy đến đỉnh cao để 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông.
Ông sinh năm Ất Mão (1255), là gia tướng của Hưng Đạo Đại
vương Trần Quốc Tuấn – một vị thánh tướng của dân tộc Việt Nam và thế giới.
Chính những ngày được Trần Quốc Tuấn rèn cặp đã giúp ông trưởng thành toàn diện,
phát huy sở trường văn võ của mình để sau này trở thành vị tướng tài năng kiệt
xuất.
Sách Đại việt sử ký toàn thư viết: “Ngũ Lão xuất thân trong
hàng quân ngũ nhưng rất thích đọc sách, là người phóng khoáng, có chí lớn,
thích ngâm thơ, tựa như không để ý đến việc võ binh. Nhưng quân ông chỉ huy, thực
là đội quân phụ tử, hễ đánh là thắng”.
Với tài năng kiệt xuất lại được Trần Quốc Tuấn rèn cặp, tin
cậy gả con gái yêu là quận chúa Anh Nguyên cho, Phạm Ngũ Lão đã mau chóng trở
thành một trong những vị tướng xuất sắc nhất trong hai lần đánh tan giặc xâm lược
Nguyên – Mông.
Sau này, khi phò tá ba đời vua nhà Trần, ông đã lập những
chiến công xuất sắc, nhiều lần đánh dẹp quân Ai Lao và quân Chiêm Thành cũng
như các tù trưởng phản loạn nơi biên giới. Khi đế quốc Nguyên – Mông đại bại,
Hưng Đạo Đại vương mất thì Phạm Ngũ Lão là một trong những vị lương tướng mà
triều đình vô cùng tin tưởng, ông chính là chỗ dựa quân sự của triều đình.
Đại việt sử ký toàn thư chép: “Ông huấn luyện quân đội rất
có kỷ luật, đối đãi tướng hiệu tựa như người nhà, cùng đồng cam cộng khổ với
binh sĩ. Quân đi tới đâu không ai dám chống, tất cả chiến lợi phẩm thu được đều
xung vào quân, coi của cải như không, là bậc danh tướng của một thời vậy”.
Tháng 11/1320, Điện súy Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão mất tại
phủ đệ vua ban ở vườn cau trong thành, thọ 66 tuổi. Vua nghỉ chầu 5 ngày, đó là
ân điển đặc biệt. Để tưởng nhớ vị tướng tài danh văn võ song toàn, triều đình
đã cho lập đền thờ Phạm Ngũ Lão ngay trên nền nhà cũ của gia đình ông và nhiều
đình trong vùng đã thờ ông.
Bài học lớn về quân sự ông để lại mà “Đại việt sử ký toàn
thư” ca ngợi vẫn còn nguyên giá trị: “Ông chỉ huy quân rất có kỷ luật, đối đãi
với tướng tá như người nhà, đồng cam cộng khổ với binh sĩ, thương yêu nhau như
con một nhà nên đánh đâu được đấy; coi tiền của như không. Thật là bậc danh tướng!”
Khi lựa chọn các “Tướng có danh tiếng và tài giỏi” của đời
Trần, sử gia Phan Huy Chú chỉ chọn ra 4 vị tướng tài, trong đó, xếp Phạm Ngũ
Lão tề danh cùng Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật và Trần Khánh Dư. Sử sách còn
ghi “Phạm Ngũ Lão lập nhiều công to, trước sau giữ trọn danh dự, tiếng tăm rõ rệt.
Tóm lại đều không hổ là bậc nguyên thần”.
Lớp thần thờ thứ ba là vị tổ nghề thợ nề. Ngày xưa có miếu
thờ, nay đưa về đình cùng phối thờ. Làng Công Xuyên từ xưa nay vẫn nổi tiếng có
nghề nề (xây nhà, đắp vẽ bằng vôi vữa). Những người làm thợ nề lập thành phường
nghề, tôn vinh nghề và lấy ngày 10 tháng Giêng là ngày giỗ cụ tổ nghề.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tên húy, chỉ biết rằng ở gian bên
trái hậu cung có ban thờ treo bức tranh vị tổ nghề bằng chất liệu sơn mài,
tranh được ghép bằng ba mảnh lớn. Chính giữa là cụ tổ ngồi xếp bằng tròn trên sập,
đầu chít khăn, nét mặt đôn hậu. Hai bên là hai mặt người nhìn vào cụ Tổ, tay
vung lên, như cảnh đang bẩm báo, bàn bạc công việc.