Đình Cự Chính thờ Đức Thành hoàng là Lã Đại Liệu (Lã Đường), Ngài là tướng của Ngô Quyền, được phong làm Tả tướng quân. Khi nhà Ngô tan rã, Ngài là một trong 12 sứ quân, chiếm cứ miền Tế Giang (nay thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Đình Cự Chính ở địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đình còn có tên là đình “Con Cóc”.
Đình được xây dựng trên một dải rất rộng
với một thế đất đẹp: Ao đình được ví như là đĩa mực, gò trên ao đình là
nghiên mực, con đường phía trước là cây bút gác lên đĩa mực, một thửa
đất bên trái là trang sách mở. Mọi người đều cho là đất kỳ lân, lại có
ao bút, gò nghiên nên đời đời thịnh vượng, làng có nhiều người đỗ đạt,
làm quan to.
Đình thờ Đức Thành hoàng là Lã Đại Liệu (sứ quân Lã Đường),
thuộc dòng dõi nhà hào kiệt, quê ở trang Liễu Chử (sau đổi là Liễu
Lâm), huyện Siêu Loại, nay là xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc
Ninh. Ngài là tướng của Ngô Quyền, được phong làm Tả tướng quân. Khi nhà
Ngô tan rã, Ngài là một trong 12 sứ quân, chiếm cứ miền Tế Giang (nay
thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Chuông đồng cổ trong Đình Cự Chính
Quản tượng trong đình Cự Chính
Do bị tiêu thổ trong kháng chiến chống
Pháp, nên kiến trúc đình bị hư hại nặng, chỉ còn lại một phần kiến trúc
cũ là Hậu cung đình. Những năm 90 của thế kỷ XX, nhờ lòng hảo tâm công
đức của mọi tầng lớp nhân dân, đình được phục dựng lại với kiến trúc to,
rộng, bề thế.
Con cóc trên cột trụ trước đình
Theo dân làng kể lại thì xưa kia ở hai
cột trụ trước cửa đình có đắp nổi hai con Cóc to ngồi đối diện nhau với
ước vọng của dân làng là cầu mưa. Đây là một nét đẹp riêng có của đình
Cự Chính. Lại có thuyết nói rằng: Tương truyền, thời trước dân Hoa Kinh
định xây dựng ngôi đình to, quyên góp suốt hai năm vẫn không đủ tiền,
công việc dở dang chưa biết tính liệu thế nào. Có một trai làng làm quan
võ cùng cha mẹ vui vẻ mang cóc vàng là chiến lợi phẩm của chàng trai ra
đình cung tiến. Dân làng cảm động, biết ơn và quyết định đắp hai con
cóc trước cửa đình để mọi người khi ra vào đều nhìn thấy mà nhớ ơn người
công đức.
Cạnh cổng đình còn có một giếng đá cổ,
miệng giếng được trang trí hoa văn khắc hình cánh sen còn rõ đường nét.
Hai bên trụ cổng còn đôi câu đối:
“Giếng đá cổ, hoa văn còn sắc nét
Nhà lục lăng, đáy nước vẫn in hình”
Một số nhà nghiên cứu căn cứ vào nét chạm khắc trên đá ở miệng giếng, cho rằng giếng đã được đào vào thế kỷ XVII hoặc sớm hơn.
Trước mặt đình có vườn cây, có ao đình
kè đá, giữa ao có nhà Lục lăng, tạo dáng đầu đao cong mềm mại, nền nhà
có đặt bệ đá là nơi tắm Thánh trong ngày lễ hội.
Phía bên trái đình hiện còn một ngôi
miếu nhỏ, theo các cụ ở Ban di tích kể lại, trước kia miếu được quan
Khâm sai Lê Hoan bỏ tiền cho xây dựng lại ở mé trái trước đình, có tên
gọi là Miếu Hai cô. Sau này, khi tiến hành khôi phục lại đình, quy hoạch
cảnh quan chung cho hài hoà và phù hợp, dân làng dời Miếu lui về vị trí
sau đình một chút. Đình và miếu có lối đi chung là cổng đình.
Tương truyền khi nghĩa quân Lam Sơn bao
vây thành Đông Quan (Hà Nội) cuối năm 1426 đầu năm 1427, có một cánh
quân đã đóng bản doanh tại chùa Bồ Đề và đình Cự Chính.
Những ngày tháng 8 năm 1945 lịch sử, Hà
Nội tưng bừng khí thế cách mạng. Tại sân đình Mọc Cự Chính, đồng chí Lê
Đức Vân thay mặt cho Mặt trận Việt Minh tuyên bố xoá bỏ chính quyền cũ,
thành lập chính quyền cách mạng và cử đồng chí Nguyễn Trần Đỗ làm Chủ
tịch lâm thời của làng Chính Kinh.
Hiện nay tại đình Cự Chính còn lưu giữ
nhiều di vật như ngai thờ, kiệu thờ (một phần của bộ kiệu), 21 bia đá và
nhiều đồ thờ tự khác. Hằng năm, đình tổ chức tế lễ vào ngày 12 tháng
Giêng và 18 tháng Mười âm lịch, để tưởng nhớ công đức Thành hoàng Lã Đại
Liệu. Đến ngày 12 tháng Hai năm Đại hội 5 làng thì dân làng Cự Chính
lại tổ chức lễ hội với qui mô lớn (xem thêm chương 2).
Đình làng Cự Chính đã được Bộ Văn hoá và
Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia vào năm 1990.
Ngày 03-10-2008 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định gắn
biển Di tích cách mạng – kháng chiến cho di tích đình Cự Chính.
Nguồn: Di tích lịch sử văn hóa Hà Nội