Đình Cung Sơn thuộc thôn Cung Sơn, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây nay thuộc thành phố Hà Nội. Đình thờ thánh Tản Viên và hai vị thành hoàng nữa là Minh An Vương và Minh Định Vương.
Cung Sơn có tên nôm là làng Me, xưa kia thuộc xã Trạch Mỹ
Lộc, tổng Tường Phiêu, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (cũ), hiện nay thuộc xã
Tích Giang, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Xã Tích Giang có diện tích tự nhiên 640
ha, dân số 2.398 hộ với 8.765 nhân khẩu, phân bố cư trú không đồng đều ở 12 cụm
dân cư.
Đình Cung Sơn nhìn từ sới vật. Ảnh ©NCCong 2021
Ngày 26/4/1946, xã Tích Giang được hợp thành từ 2 làng Tường
Phiêu và Cung Sơn. Địa giới phía đông nam giáp xã Trạch Mỹ Lộc, phía đông bắc
giáp xã Thọ Lộc, cùng thuộc huyện Phúc Thọ. Phía bắc, tây bắc, tây nam và nam của
xã lần lượt tiếp giáp bốn phường của thị xã Sơn Tây là: Viên Sơn, Quang
Trung, Trung Hưng, Trung Sơn Trầm.
Tiền tế đình Cung Sơn. Ảnh ©NCCong 2021
Sông Tích chảy từ thị xã Sơn Tây ngang qua phía nam xã Tích
Giang để sang huyện Thạch Thất. Dọc theo ranh giới phía đông bắc của xã là đường
quốc lộ QL32. Ngày nay, nghề trồng cây cảnh và hoa (đặc biệt hoa lan, hoa
hồng, hoa ly, hoa đồng tiền), đã trở thành một mũi nhọn phát triển kinh tế
nông nghiệp của Tích Giang vốn là một xã thuần nông, trước đây chỉ
chuyên canh lúa nước.
Lược sử di tích
Đình Cung Sơn được lập từ thế kỷ XVII, thời Lê Trung
hưng. Đình thờ Tản Viên sơn thánh và hai vị thành hoàng khác là Minh An Vương,
Minh Định Vương. Gần giống như truyền thuyết bên làng Tường Phiêu, thần
tích kể rằng thánh Tản Viên đã dạy dân làng đánh cá bằng cách rập sào gây
tiếng động xua cá vào lưới. Minh An Vương và Minh Định Vương là những người
đầu tiên học được và truyền lại cho nhân dân địa phương.
Năm 1993, chùa và đình Cung Sơn đã được Bộ Văn hoá và
Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Theo các cụ già người địa phương kể lại, xưa kia quy
mô của đình Cung Sơn khá đồ sộ, cổng nhìn ra ao đình, ở giữa ao có
đắp một gò nổi làm sới vật. Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, ngôi
đình hiện nay vẫn quay mặt về phía tây nam ra sới vật, hai bên hông và
trước cổng là đường làng. Trong khuôn viên không còn cây to, xung quanh
có tường bao, phía đông trổ cửa ngách. Phía tây đình là một ao hình
vuông và có diện tích khá lớn.
Từ đường làng, du khách đi qua cổng xây kiểu nghi môn
với các trụ biểu thân đắp câu đối chữ Hán là đến sân gạch với hai
dãy tả hữu vu đối xứng nhau. Cuối sân là toà tiền tế rộng 5 gian để
trống không có tường, trừ các trụ gạch ở 4 góc, 4 hàng cột tròn đỡ
lấy 4 mái chảy có các đầu đao cong cong, bờ nóc đắp các hình linh
thú. Song song với tiền tế là hậu cung 3 gian, làm thành hình “chữ
Nhị”. Phía sau đình có sân rộng và một cái giếng sâu với dấu vết
khai thác đá ong rất rõ.
Đình có bố cục kiểu chữ Nhất (一), kết cấu theo hình thức 4 hàng cột
chân gỗ với vì nóc kiểu chồng rường. Nội thất gian giữa thờ Tản Viên, 2 gian
bên thờ Minh An Vương và Minh Định Vương. Đình có một số di vật đáng chú ý: một
bát hương cổ bằng đất nung cao 38cm, đường kính miệng 28cm, đắp nổi rồng chầu mặt
nguyệt. Trong đình có một cỗ long ngai chạm nổi rồng với râu tóc hình đao mác,
là dấu ấn nghệ thuật thời Lê, nhưng đã bị tàn phá và được nhân dân tu bổ lại những
năm cuối thế kỷ XX.
Di sản văn hóa
Lễ hội đình làng được tổ chức trong 3 ngày liền từ mồng
4 đến 6 tháng Hai âm lịch hàng năm. Trước kia có lệ làng thả cá thờ vào
mồng 4 tháng Hai là ngày Tản Viên sơn thánh dạy dân làng đánh cá bằng cách rập
sào. Lệ đó đã được tiền nhân khắc ghi vào bia đá. Lễ hội ngày nay bên
cạnh việc tổ chức đánh cá tại ao đình và làm lễ tế thánh long trọng, còn
có các trò chơi dân gian diễn ra theo truyền thống.
Giếng đá ong sau đình Cung Sơn. Ảnh ©NCCong 2021
Trong đình Cung Sơn không còn lưu giữ được nhiều hiện
vật ngoài mấy thứ quý giá như: 01 bát hương cổ bằng đất nung đắp
nổi hình lưỡng long triều nguyệt và 01 cỗ long ngai chạm rồng mang
đậm nét của nghệ thuật trang trí thời Lê Trung hưng.
Đình có bố cục kiểu chữ Nhất (一), kết cấu theo hình thức 4 hàng cột
chân gỗ với vì nóc kiểu chồng rường. Nội thất gian giữa thờ Tản Viên, 2 gian
bên thờ Minh An Vương và Minh Định Vương. Đình có một số di vật đáng chú ý: một
bát hương cổ bằng đất nung cao 38cm, đường kính miệng 28cm, đắp nổi rồng chầu mặt
nguyệt. Trong đình có một cỗ long ngai chạm nổi rồng với râu tóc hình đao mác,
là dấu ấn nghệ thuật thời Lê, nhưng đã bị tàn phá và được nhân dân tu bổ lại những
năm cuối thế kỷ XX.
Lễ hội được tổ chức vào ngày 4 đến mồng 6 tháng 2 âm lịch hàng năm. Hội có tổ
chức đánh cá tại ao đình và lễ tế thánh long trọng, giữ gìn nét đẹp văn hóa của
lễ hội truyền thống.