Đình làng Đa Chất (Phú Xuyên, Hà Nội) - ngôi đình nghìn năm tuổi nằm giữa Thủ đô, thờ Trung Thành Đại Vương Thượng Đẳng phúc thần, người có công giúp vua Hùng Duệ Vương dẹp giặc cứu nước
"Vào cuối đời Hùng, thế nước trở nên suy yếu. Hùng
Vương muốn nhường ngôi cho con rể là Tản Viên, nhưng Tản Viên từ chối. Thục
Vương nghe tin, bèn đem quân sang xâm lược. Trường Công, trấn thủ ở trang Tông
Chất, quận Sơn Nam, gia thần ở đó có 9 họ, chia làm 8 giáp.
Chín họ lúc đó là: Phạm, Lê, Đặng, Bùi, Đỗ, Nguyễn, Hoàng,
Trịnh, Trương đều theo làm gia thần thủ túc, cộng được 289 người đều khoẻ mạnh,
ông cử trong ấp ba người tài giỏi, khoẻ mạnh đứng ra cai quản mọi người, ba người
đó là: Nguyễn Công Minh, Bùi Công Tài, Đặng Công Cán (sau này ba ông mất đều được
phong làm bản thổ thần quan, có lập miếu thờ theo giới hạng)."
Đình làng Đa Chất (Phú Xuyên, Hà Nội) - ngôi đình nghìn năm
tuổi nằm giữa Thủ đô, thờ Trung Thành Đại Vương Thượng Đẳng phúc thần, người có
công giúp vua Hùng Duệ Vương dẹp giặc cứu nước
Qua bài viết "Tín ngưỡng thờ Trung Thành Phổ Tế Đại
vương ở huyện Phú Xuyên, Hà Tây" của tác giả Vũ Quang Dũng, ta có thể có
thêm cơ sở tìm hiểu về cụ viễn tổ Bùi Công Tài - người được phong làm Bản thổ
thần quan từ thời Hùng Vương
Sinh Bạch Hạc, thác Ba Lương - đó là câu truyền ngôn của người dân Đa Chất
thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, nơi thờ Trung Thành Phổ Tế đại
vương làm Thành hoàng làng.
Sách Đại Nam nhất thống chí - tỉnh Hà Nội chép rằng: Đền
thần Trung Thành ở xã Đa Chất, huyện Phú Xuyên. Tương truyền, thần Trung Thành
trước là thuỷ thần ở ngã ba Bạch Hạc.
Đời Lý Thái Tông cầu đảo thường linh ứng được tặng hai chữ “Trung
Thành”, nay các xã Bất Nạo, Đường Xuyên, Lương Xá, Thần Quy, Yên Quái, Văn
Trai,... thuộc bản huyện và các xã Đông Lỗ, Thanh Hội,... thuộc huyện Sơn
Minh(1) có đền thờ”.
Ở bài viết này, chúng tôi tìm hiểu về sự tích, tín ngưỡng thờ
thần Trung Thành Phổ Tế đại vương ở một số làng thuộc huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà
Tây.
Đình làng Đa Chất được ghi lại trong những tài liệu hiếm hoi
còn được lưu giữ xưa kia là một công trình văn hóa đồ sộ
1. Quê hương và sự nghiệp của Trung Thành Phổ Tế đại vương
1.1. Về quê hương và phụ mẫu
Theo thần tích của một số làng ở huyện Phú Xuyên: quê nội của
thần ở trang Cửu Giang, huyện An Lão, phủ Kinh Môn thuộc đất Ái Châu, thân phụ
của thần là người họ Đào, tên húy là Bột (Đào Bột), gia đình danh giá nối đời
làm quan trong triều.
Ở thời Hùng Duệ Vương, ông làm quan tới chức Thiếu phó, rồi
làm chủ bộ Hoan Châu, do có công dẹp loạn ở Hải Dương, nên được phong làm Bộ chủ
quận Hải Dương.
Đào công lấy người vợ thứ nhất là Phạm Thị Điểm, người cùng
bản huyện, vốn dòng thi lễ, tính cách đoan trang, nết na dịu hiền, sau đó mất sớm.
Ông bèn lấy bà Nguyễn Thị Hương (19 tuổi) là con của huyện lệnh huyện Kim Bảng,
phủ Lý Nhân, xứ Sơn Nam.
Vợ chồng sống rất hạnh phúc, ít lâu sau, vợ chồng sinh được
5 người con trai, đặt tên là: Cự Công, Lân Công, Trưởng Công, Khanh Công, Quý
Công(1). Vị thứ ba (Trưởng Công) chính là thần Trung Thành Phổ Tế đại vương, được
một số làng ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng thờ làm Thành hoàng làng.
Mái đình làng Đa Chất cong vút giữa trời xanh sau bao năm
tháng biến cố của dân tộc
1.2. Thân thế sự nghiệp
Trung Thành Phổ Tế đại vương sinh ra trong một gia đình quyền
quý thời Hùng Duệ Vương, năm anh em của ngài đều thông minh, khôi ngô, văn võ
tinh thông, có phép hô phong, hoán vũ, mọi người cho là các vị thiên thánh
giáng trần.
Vì có tài đức thấu đến triều đình, nhà vua bèn xuống chiếu mời
5 anh em vào triều hỏi rằng: Các người quê quán ở đâu?
Theo người dân nơi đây, những cột, kèo của đình làng Đa Chất
trải qua nhiều thế kỷ vẫn còn gần như nguyên vẹn
Năm anh em thưa rằng: Chúng thần vốn cùng một bọc, là
con vị quân trưởng ở bộ Hải Dương tên là Đào Bột. Nhà vua tỏ ý vui mừng, bèn thử
tài nghệ của 5 anh em, rồi phong:
- Cự Công làm Đông Long thái sư
- Lân Công làm Tây Long thái phó
Trưởng Công làm Nam Long Trưởng lệnh, quyền Trưởng Trung Hoa
tể quốc làm Thổ lệnh thống quản đương đầu 50 Thuỷ thần.
Khanh Công làm Bắc Long Thái Bảo thống quản Long Chu - Thạch
Khanh tướng quân.
Quý Công là Thiếu Long, Trưởng long đài chánh ngự
Lại tặng trưởng bộ Đào công là Thân phụ làm Đại vương.
Cụ từ Nguyễn Văn Đoán là người duy nhất trông coi đình làng
Đa Chất
Hồi ấy, thiên hạ đại hạn, lúa má, hoa màu khô héo, nhà vua
sai năm vị long hầu đem năm đạo quân đi kinh lý ở ngũ phương để cầu mưa. Từ khi
các vị long hầu cầu mưa trị thuỷ, mùa màng được tốt tươi, dân chúng mạnh khoẻ
không xảy ra ốm đau bệnh dịch. Nhà vua lệnh cho năm anh em long hầu đi nhậm năm
phương, kiêm trông nom các dải sông biển để giúp dân, trị quốc.
Ban thờ chính thờ Thượng Đẳng Trung Thành Đại Vương
Lúc đó:
Người thứ nhất là Cự Công, giữ thành thuộc quận Hải Dương lập
Hồng Giang Tam Kỳ. Sau đất ấy đều là gia thần sở tại thờ phụng.
Người thứ hai là Hồng Công, chủ quản ở đạo Sơn Tây tới Đào
Giang, Đà Giang, Chiểu Giang ngã ba Hợp Phái, tục gọi là gềnh Ba Châu. Sau đó
dân ở vùng ấy lập đền thờ.
Người thứ ba là Trường Công, trấn ở thành quận Sơn Nam lập tại
trang Tông Chất(1), huyện Phù Vân, phủ Thường Tín, cung thứ bảy ngự tại trán
con rồng ở Tô Giang, Du Giang, Lương Giang ngã ba Hợp Phái thế lưỡng long tranh
châu; địa hình quý cách, nơi sông nước giao nhau, không có núi ngự, là đất linh
thiêng, chính trán con rồng đất, chính hướng quý đinh, rồng nước cùng chầu ở
chính diện, phượng hoàng vỗ cánh ở hai bên nên Trưởng Công, lập cung thành tại
đó.
Người thứ tư là Thạch Khanh Công, lập hành cung tại thành
Kinh Bắc ở Vũ Giang, cung ngự ở chính cục đầu con loan.
Người thứ năm là Quý Lân Công, lập hành cung tại Hải Khẩu
thuộc Vạn Giang, quận Giao Chỉ, đất Nam Chân cung ngự tại đầu con lân.
Các ông đi đến đâu, thấy địa thế tiên quán là nơi quý địa
bèn truyền quân sĩ và nhân dân xây dựng hành cung và mở tiệc khao thưởng linh
đình.
Chuông đồng cổ không rõ niên đại có trong đình Đa Chất
Như vậy, Trưởng Công (Trường Công) Trung Thành thống lĩnh
thiên hạ, nắm giữ các đạo đông, tây, nam, bắc; lập hành cung trên thế đất hữu
tình, là rốn của rồng vàng, kim tinh điểm huyệt, phía trước có tam thai làm án
che.
Vào cuối đời Hùng, thế nước trở nên suy yếu. Hùng Vương muốn
nhường ngôi cho con rể là Tản Viên, nhưng Tản Viên từ chối. Thục Vương nghe
tin, bèn đem quân sang xâm lược. Trường Công, trấn thủ ở trang Tông Chất, quận
Sơn Nam, gia thần ở đó có 9 họ, chia làm 8 giáp.
Chín họ lúc đó là: Phạm, Lê, Đặng, Bùi, Đỗ, Nguyễn, Hoàng,
Trịnh, Trương đều theo làm gia thần thủ túc, cộng được 289 người đều khoẻ mạnh,
ông cử trong ấp ba người tài giỏi, khoẻ mạnh đứng ra cai quản mọi người, ba người
đó là: Nguyễn Công Minh, Bùi Công Tài, Đặng Công Cán (sau này ba ông mất đều được
phong làm bản thổ thần quan, có lập miếu thờ theo giới hạng).
Rồng đá cổ trước cửa đình
Từ đó người dân ở trang Tông Chất đều được dựa vào đại đức của
Trường Công. Nhà nước miễn binh lương trong quận. Người dân Tông Chất tiếng tăm
được lừng lẫy, nhà nhà sung sướng, dân làng phong thịnh, vườn ao ruộng đất đầy
đủ, công đức của ông như núi cao biển rộng, lòng nhân hậu như trời đất vô cùng.
Ngôi đình ba nóc nổi tiếng khắp vùng. Tòa trong hậu cung chiều
rộng 9m, chiều dọc: 8m.
2. Tên gọi và tín ngưỡng thờ thần
2.1. Tên gọi
Trung Thành Phổ Tế đại vương được nhân dân vùng châu thổ
sông Hồng, từ ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ) đến ngã ba Lương (Phú Xuyên
- Hà Tây) và một số vùng phụ cận (Hà Nam, Hưng Yên,...) thờ làm Thành hoàng
làng. Khảo sát trên thư tịch (chữ Hán và chữ Quốc ngữ) về thần tích, thần sắc của
153 làng, xã cũ ở huyện Phú Xuyên(1), thì có 28/153 thôn, làng thờ Trung Thành
Phổ Tế đại vương.
Ban thờ Thượng Đẳng Trung Thành Đại Vương
Tổng Khai Thái có thôn Hạ thuộc xã Vĩnh Xuân
Tổng Lương Xá có các làng: Phú Nhiêu (Bất Nạo), Văn Trai.
Tổng Mỹ Lâm có các thôn, làng: thôn Ứng Thiên thuộc làng Ứng
Hoà, Cổ Chế, Thao Chính (làng Dền), Phong Triều, Phú Mỹ, Ứng Hoà, Phúc Lâm.
Tổng Thịnh Đức Thượng có các làng: Chuyên Mỹ Hạ, Đồng Vinh
(Đồng Bông).
Tổng Thường Xuyên có các làng: thôn Thượng làng Thường
Xuyên, Ba Lai, Cầu Đông (Kiều Đông), Cổ Trai, Đa Chất (Tông Chất), Thường Xuyên
Thái, thôn Trung thuộc làng Ba Lai.
Tổng Tri Chỉ có làng Tri Chỉ (làng Chể).
Tổng Tri Thuỷ có các làng: Bái Đô, Tri Thủy (làng Bìn), Nhân
Sơn (làng Khoi), Kim Quy, Mai Trang (làng Mũ), Thành Lập (làng Sộp), Thần Quy
(làng Tè), Vĩnh Ninh.
Về tên gọi, chúng tôi thấy Trung Thành Phổ Tế đại vương được
người dân Phú Xuyên thờ phụng với những thần hiệu khác nhau:
- Thổ Lệnh Trưởng được các thôn, làng: thôn Hạ (Vĩnh Xuân),
(Q4O 18/II, 5 - VTT(2)), Thao Chính (Q4O 18/II, 80 - VTT), Phong Triều
(AE.a2/42 - VHN(1)), Phú Mỹ (AE.a2/42 - VHN), Chuyên Mỹ Hạ( Q4O 18/II, 44
- VTT), Đồng Vinh (Đông Bông), (Q4O 18/II, 46 - VTT), thôn Thượng (Thường
Xuyên), (AE.a2/44 - VHN), Cổ Trai (Q4O 18/II, 32 - VTT), Đa Chất (AE.a2/44
- VHN), Tri Chỉ (AE.a2/46 - VHN), Kim Quy (AE.a2/47 - VHN), Thành Lập (AE.a2/47
- VHN) ghi làm thần hiệu;
- Trưởng Công được các làng: Cầu Đông (Q4O 18/II, 28 -
VTT), Tri Thuỷ (AE.a2/47 - VHN), Nhân Sơn (AE.a2/47 – VHN, Q4O 18/II, 22 -
VTT), Vĩnh Ninh (AE.a2/46 - VHN) ghi làm thần hiệu;
- Trung Thành đại vương được các thôn, làng: thôn Ứng Thiên
(AE.a2/3 - VHN), Ứng Hoà (Q4O 18/II, 81 - VTT), Phúc Lâm (AE.a2/47 - VHN),
Bái Đô (AE.a2/47 - VHN, Q4O 18/II, 17 - VTT), Thần Quy (AE.a2/47 - VHN)
ghi làm thần hiệu;
- Trung Thành Phổ (Phả) Tế đại vương được các làng: Văn Trai
(Q4O 18/II, 63 - VTT), Mai Trang (Q4O 18/II, 20 - VTT), Cổ Chế
(Q4O 18/II, 87 - VTT) ghi làm thần hiệu;
- Trưởng Lịnh (Lệnh) được làng Phú Nhiêu (AE.a2/41 - VHN,
Q4O 18/II, 22 - VTT) ghi làm thần hiệu;
- Lương Trưởng được các làng: Ba Lai (Q4O 18/II, 27 -
VTT), Thường Xuyên Thái (Q4O 18/II, 25 - VTT), thôn Trung thuộc làng Ba
Lai (Q4O 18/II, 27 - VTT) ghi làm thần hiệu.
Những đường nét cổ xưa của đình Đa Chất vẫn còn được lưu giữ
gần như nguyên vẹn. Đến nay vẫn chưa ai xác định được số tuổi chính xác của
đình Đa Chất.
2.2. Phong tục thờ cúng và kiêng kỵ
Phong tục thờ cúng Trung Thành Phổ Tế đại vương qua các lễ hội
ở tổng Thường Xuyên cũ(2) được thể hiện như sau:
Hằng năm vào ngày mồng 9 tháng 8 âm lịch, các làng Ba Lai,
Đa Chất, Cầu Đông, Cầu Đoài, Thường Xuyên Thượng, Ba Lai, Cổ Trai tưởng niệm
ngài. Các làng nói trên rước bài vị xuống làng Đa Chất hội lễ giao hiếu, chứ
không ăn uống gì cả, và trai gái các làng ấy vẫn lấy được nhau(1).
Theo phong tục, làng Cổ Trai kết nghĩa với làng Thường
Xuyên, Thái Lai và Đa Chất - nơi hoá của Trung Thành Phổ Tế đại vương. Vì vậy,
vào sáng ngày mồng 9 tháng 8, kiệu thánh được rước từ đình Cổ Trai qua đình Thường
Xuyên, tiếp xuống đình Thái Lai, sau đó kiệu thánh của ba làng cùng rước xuống
đình Đa Chất.
Tại đây, bốn làng lần lượt cử đoàn tế của làng vào tế Thành
hoàng làng làng Đa Chất. Khi tế xong, ngày mồng 10, làng Cổ Trai tổ chức rước
kiệu thánh từ đình Đa Chất về đình Cổ Trai, để ngày 11 làm lễ tế chính tại
đây.(2)
Đình Đa Chất là một trong những đình làng hiếm hoi có tuổi đời
đến hơn ngàn năm ở Hà Nội
Qua khảo sát, điền dã, chúng tôi thấy các làng thờ Trung
Thành Phổ Tế đại vương, ngày sinh, ngày hoá cũng có sự khác nhau:
Ví dụ:
- Các làng: Cổ Trai, Đa Chất, (xã Đại Xuyên), ngày sinh 12
tháng 2; ngày hoá 10 tháng 6 năm Đinh Mão (?);
- Làng Phú Nhiêu (xã Quang Trung), ngày sinh 12 tháng 2;
ngày hoá 10 tháng 6.
- Làng Văn Trai (xã Vân Hoàng), ngày sinh 12 tháng 2 năm Đinh
Mão (?); ngày hoá 12 tháng 8;
- Làng Cổ Chế (xã Phúc Tiến), ngày sinh 12 tháng 6; ngày hoá
12 tháng 2;
- Làng Tri Thuỷ (xã Tri Thuỷ), ngày sinh 6 tháng 2 năm Đinh
Mão (?); ngày hoá 10 tháng 6...
Cuối của bản thần tích làng Phú Nhiêu có ghi những kiêng kỵ,
ngày sinh, ngày hoá của Ngài:
Trong năm những ngày sinh, ngày hoá, cũng như ngày khánh hạ,
các tiết, gồm tên huý, sắc phục hành lễ đều cấm.
Tên huý: Trưởng, Lệnh, Thổ, Trung, Thành kỵ ba ngày; phụ mẫu
tên: Bột, Hương cùng màu vàng, tía sắc phục đều cấm.
- Ngày sinh: 12 tháng 2: Lễ nghênh thần từ miếu thờ ngoài
Tam Giang, về hội đồng sở, đường bộ nghênh giá, đường thuỷ ba chiếc thuyền rồng
về đến trước cửa, tổ chức hành lễ: gồm chai nghi, mâm xôi, oản quả, lợn màu
đen, rượu. Tổ chức ca hát, đánh cờ, đánh vật, kéo dài 10 ngày mới nghỉ.
- Ngày hoá: 10 tháng 6: Hành lễ: chai, bàn, trà, oản quả,
bánh tròn màu trắng (bánh dày), xôi, cơm rượu, lợn, kim ngân, đẳng vật.
- Khánh hạ ngày 10 tháng 8: Hành lễ: chai, bàn, xôi, rượu,
ca hát ba ngày, có trâu, lợn cũng được.
- Khánh hạ 15 tháng 8: Hành lễ: chai, bàn, xôi rượu, ca hát
ba ngày.
- Khánh hạ 15 tháng 3: Hành lễ nghênh thần hai chiếc thuyền
rồng đi theo đường thuỷ đến Hội đồng tế sở, ca hát, đánh vật, chai bàn, gà,
xôi, thịt, kéo dài ba ngày.
- Khánh hạ 10 tháng Giêng: Hành lễ chai, bàn, lợn, xôi, rượu,
ca hát ba ngày.
- Khánh hạ 12 tháng 5: Hành lễ tại cung miếu: có thuyền rồng
nghênh hạ, chai, bàn, trâu, lợn, xôi, rượu, bánh tròn màu trắng (bánh dày), ca
hát vui chơi 10 ngày lễ tạ.
- Khánh hạ 10 tháng 1: Hành lễ xôi, rượu, ca hát một ngày.
- Khánh hạ 25 tháng 10: Hành lễ: lợn, xôi, rượu, ca hát ba
ngày.
- Xuân thu nhị kỳ tại cung miếu, ngày hoá: 15 tháng 3 và 15
tháng 8: Hành lễ tam sinh, ca xướng ba ngày.
Có thể nói, tục thờ cúng Thành hoàng làng là một tín ngưỡng
xưa, rất phổ biến ở nông thôn Việt Nam. Mỗi làng thờ một vị hoặc nhiều vị thần
bảo hộ cho thôn, làng, ấp, trang... Thành hoàng có thể là Thiên thần, có thể là
Nhân thần do có công khai dân lập ấp, vốn là những anh hùng võ tướng có công, một
viên quan xuất sắc,... và thường được ghi tiểu sử, công trạng trong các cuốn thần
tích, thần phả (ngọc phả).
Vì vậy, Thành hoàng làng là vị thần ngự trị trong lòng người
dân từ nhiều thế kỷ nay, việc thờ Thành hoàng làng trở thành lệ tục, thể hiện sự
thành tâm của cộng đồng đối với thần thánh, đồng thời là cơ hội để những người
xa quê có dịp trở về gặp mặt bà con họ hàng, do vậy, mái đình và con người nơi
đây có sự gắn bó mật thiết.
V.Q.D
(Theo: Thông báo văn hoá dân gian 2005, Nxb Khoa học
xã hội, Hà Nội, 2006)
(*) Viện Nghiên cứu văn hóa
(1) Nay là huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây.
(1) Thần tích làng
Phú Nhiêu, xã Bất Nạo, tổng Lương Xá, huyện Phú Xuyên (ký hiệu AE.a2/41, Viện
Nghiên cứu Hán Nôm), do các cụ Trần Huy Đĩnh, Vũ Quang Liễn dịch, tài liệu lưu
tại Ban Quản lý di tích Hà Tây.
(1) Tông Chất, tên
gọi xuất hiện muộn nhất vào khoảng thời Hậu Lê, sau đổi thành xã Đa Chất thuộc
tổng Đường Xuyên (Thường Xuyên), huyện Phú Xuyên; nay là thôn Đa Chất thuộc xã
Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên.
(1) Theo: Ngô Vi Liễn
(1928), Nomenclature des communes du Tonkin: Classées par cantons, phủ, huyện
ou châu et par provinces, Imprimerie Mac-Dinh-Tu, Hanoi. Huyện Phú Xuyên gồm 10
tổng: Gia Cầu, Hoàng Trung, Khai Thái, Lương Xá, Mỹ Lâm, Thịnh Đức Hạ, Thịnh Đức
Thượng, Thường Xuyên, Tri Chỉ, Tri Thuỷ. Ở đây, chúng tôi chỉ khảo sát các
thôn, làng, xã của huyện Phú Xuyên cũ (trước năm 1945). Một số thôn, làng, xã
cũ thuộc huyện Thượng Phúc và phủ Thường Tín sáp nhập về huyện Phú Xuyên, chúng
tôi sẽ khảo sát vào một chuyên đề khác.
(2) Ký hiệu tài liệu được lưu trữ tại Viện Thông tin
Khoa học xã hội (VTT).
(1) Ký hiệu tài liệu
được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VHN).
(2) Theo Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thuộc
các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra (các tổng trấn xã danh bị lãm, Dương Thị The, Phạm
Thị Thoa dịch và biên soạn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981. Tổng Đường Xuyên
(Thường Xuyên) có 9 xã, thôn: thôn Thượng thuộc xã Đường Xuyên, thôn Cổ Trai
thuộc xã Đường Xuyên, thôn Cầu Đông thuộc xã Đường Xuyên, thôn Cầu Đoài thuộc
xã Đường Xuyên, thôn Thái thuộc xã Đường Xuyên, Vân Hoàng, Tông Chất, Thượng
An, Từ Điều.
(1) Thần tích - Thần
sắc làng Ba Lai, tổng Thường Xuyên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông, soạn năm
1938, 4 trang chữ Quốc ngữ, lưu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, ký hiệu
Q4O18/II, 27.