Đình Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang thờ phụng Thành hoàng làng là Thánh Chử Đồng Tử và hai phu nhân của Chử Đồng Tử là Tiên Dung và Hồng Vân công chúa.
Đình Đa Ngưu thuộc làng Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn
Giang, tỉnh Hưng Yên. Tên của làng có lẽ gắn với truyền thuyết về Chùa
Chuông (phố Hiến) và chuông chùa Diên Hựu (chùa Một Cột, Hà Nội).
Huyện Văn Giang kề liền với làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện
Gia Lâm, quê hương của Thánh Chử Đồng Tử. Đình Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn
Giang thờ Chử Đồng Tử và hai phu nhân của Chử Đồng Tử là Tiên Dung và Hồng Vân
công chúa.
Chử Đồng Tử là một trong bốn vị thần Tứ bất tử của
Thần đạo Việt Nam.
Có nhiều truyền thuyết về Chử Đồng Tử. Tương truyền, Chử Đồng Tử sống cùng
cha là Chử Cù Vân tại thôn Chử Xá, xã Văn Đức (nay thuộc huyện
Gia Lâm, Hà Nội), ven sông Hồng. Nhà nghèo, 2 cha con chỉ còn lại một chiếc khố,
phải thay nhau mà mặc.
Lúc người cha lâm chung, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ lấy
chiếc khố. Thương cha, Chử Đồng Tử liệm khố cho cha, còn mình chịu cảnh
không khố, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước,
đến gần thuyền để bán cá hoặc xin ăn.
Thời ấy, Hùng Duệ Vương (vị vua Hùng thứ 18) có
con gái tên là Tiên Dung, thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một
hôm, thuyền rồng của Tiên Dung theo sông Hồng đến vùng ven sông gần Chử Xá.
Nghe tiếng huyên náo, Chử Đồng Tử vội vùi mình vào cát lẩn
tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bãi cát
ven sông để tắm. Ngờ đâu đúng ngay chỗ nấp của Chử Đồng Tử. Nước xối
để lộ thân hình Chử Đồng Tử. Tiên Dung kinh ngạc, hỏi han, nghĩ ngợi, rồi xin
được cùng nên duyên vợ chồng.
Hùng vương nghe chuyện thì cả giận và cấm Tiên Dung về cung. Biết ý cha, Tiên
Dung ở lại cùng Chử Đồng Tử. Cả hai làm nghề thương mại. Việc buôn bán không chỉ
trong vùng, mà còn được hai vị nhân thần mở rộng dọc sông Hồng và lập ra các
đoàn thuyền buôn vượt biển ra nước ngoài.
Trên đường buôn bán, Chử Đồng Tử gặp gỡ nhiều hiền tài của
thiên hạ và học hỏi được vô số điều. Khi trở về, Chử Đồng Tử lập bến cảng, mở
chợ đầu mối…Từ đó vùng này chở nên tấp nập, phồn thịnh, (là khởi đầu cho việc
hình thành tuyến giao thương Kẻ Chợ, Thăng Long - Phố Hiến, Hưng Yên sau
này). Đoàn thuyền buôn của Chử Đồng Tử to lớn, lộng lẫy như cung điện
hoàng gia. Ai cũng thần phục Chử Đồng Tử.
Không chỉ là một thương gia giàu có, Chử Đồng Tử cùng Tiên
Dung còn đi khắp nơi truyền bá những tri thức đã học được từ thiên hạ cho mọi
người, từ triết lý về cuộc sống, cách thức chữa bệnh đến ngành nghề mới…Trong
giai đoạn này, Chử Đồng Tử gặp và kết duyên với Tây Nương, người được vua Hùng
gia phong là " Nội trạch Tây cung Tiên nữ – Hồng Vân công chúa", vì
đã chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho vua.
Về việc dân làng chọn Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân làm
Thành hoàng để thờ, có người cho rằng, dân làng mong muốn có vị thế tầm quốc
gia nên chọn vị Thành hoàng tầm quốc gia để thờ’; có người lại cho rằng dân
làng muốn làm theo Thánh Chử Đồng Tử trong việc học và lan truyền các tri thức
của thiên hạ. Ý kiến nào cũng có lý.
Đình Đa Ngưu nhìn về hướng Nam. Phía trước và sau đình là
hai giếng Ngọc. Đình gồm: Nghi môn, Sân đình, Đại đình và các công trình phụ trợ
khác.
Cổng phụ bên phải đình có chữ “Đa văn vi phú”, có thể hiểu
là lấy sự rộng mở về văn hóa, tri thức và kết nối với tiền nhân làm sự thịnh vượng
của làng. Cổng phụ bên trái có chữ “Dân lạc điềm hy”, có thể hiểu là lấy sự no ấm,
an lành, gắn bó và tình thương yêu của cư dân làm sự vững bền lâu dài.
Dân làng Đa Ngưu luôn tự hào là vùng đất có bề dày văn hóa. Đa
Ngưu là quê hương của Phó Đức Chính (1907 -1930), nhà cách mạng Việt Nam kiên
cường chống chế độ thực dân Pháp, một trong những lãnh tụ của Việt Nam quốc dân
Đảng.
Trong đó, có sự kiện nhà cách mạng Phó Đức Chính đã đem tổ
chức của mình về đây gây dựng cơ sở chuẩn bị chống Pháp. Sau khi cuộc khởi
nghĩa Yên Bái thất bại, ông bị thực dân Pháp bắt và oanh liệt hy sinh trên đoạn
đầu đài cùng Nguyễn Thái Học và 11 chiến sĩ.
Đình Đa Ngưu được xây dựng năm 1520. Năm 1706, đình được tôn
tạo thêm và được trùng tu sửa chữa tiếp vào năm 1907. Đình Đa Ngưu là một ngôi
đình độc đáo bởi sự hòa hợp giữa ngôi đình với ngôi đền và bởi cách thức xây dựng
công trình.
Khi khởi dựng, các bô lão trong làng đã mua 101 cây lim và sử dụng 100 cây lim
làm cột, 1 cây chẻ ra làm cán đục và không sử dụng bất cứ một đinh sắt nào. Hiếm
có một ngôi đình, đền nào tại vùng Đồng bằng Bắc Bộ có cấu trúc hiên với hàng cột
bao quanh như đình Đa Ngưu.
Hiện tại, đình Đa Ngưu vẫn còn nguyên vẹn 100 cây cột và
hình thức kiến trúc độc đáo của ngôi đình – đền.
Nghi môn
Nghi môn của đình Đa Ngưu được xây dựng theo lối truyền thống của đình, đền vùng Đồng bằng Bắc Bộ, gồm 4 trụ biểu tạo hành tam quan. Trụ biểu xây bằng gạch.
Hai trụ biểu tại giữa cao, to; hai trụ biểu hai bên nhỏ, thấp. Cả 4 trụ biểu có đỉnh trụ trang trí tứ phượng, thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, giữa là ô trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng.
Giữa hai trụ biểu cao là cổng chính vào đình. Hai bên cổng chính là hai cổng phụ, phía trên có mái che, dạng 4 mái. Xung quanh đình có tường bao.
Nghi môn đình Đa Ngưu, Văn Giang, Hưng Yên
Sân đình
Sân đình rộng 20m, dài 32m, lát gạch Bát Tràng. Giữa sân có một con đường tạo bởi gạch lát cao hơn so với nền sân xung quanh.
Bên trái sân có một tòa Tả vu, là nơi đặt các đồ tế lễ.
Từ cổng chính Nghi môn nhìn vào sân đình Đa Ngưu
Đại đình
Đại đình gồm 2 tòa Tiền điện, Chính điện đặt song song với nhau.
Tiền điện dài 20m, rộng 7,7m, gồm 5 gian, 4 mái, có hành lang rộng 1,4m bao quanh 3 phía.
Tiền điện có cấu trúc của một ngôi đình. Gian chính giữa có sàn thấp gọi là gian lòng thuyền, là nơi tế lễ. 4 gian hai bên đều có sàn cao, là nơi hội họp.
Tiền điện có 40 cột, cột cái cao 4,2m, đường kính rộng 0,45m, cột quân cao 3,1m, đường kính rộng 0,35m. Chính hệ thống cột bố trí dọc theo hành lang làm cho đình có số cột nhiều hơn so với các ngôi đình truyền thống khác.
Phía trước và hai đầu hồi tòa Tiền điện đều có cửa bức bàn cao 2,25m, trên lắp chấn song.
Mặt trước tòa Tiền đường, đình Đa Ngưu
Chính điện có cấu trúc của một ngôi đền với mặt bằng hình chữ “đinh”
hay chữ T, gồm Bái đường và Hậu cung. Bái đường xây dựng áp sát Tiền
đường. Đi trong đình không có sự phân biệt giữa hai tòa.
Tòa Bái
đường thiết kế như Tiền đường với 5 gian, 4 mái, 44 cột. Tại gian giữa
có bức đại tự “Thánh cung vạn tuế” và các bức hoành phi câu đối sơn son
thiếp vàng khảm trai được treo ở các cột và trước ban thờ để ca ngợi các
vị thần được thờ cúng ở đình.
Hậu cung có chiều dài 7,6m, rộng
4,7m, gồm 2 gian, 2 mái, 16 cột. Trong Hậu cung đặt một ban thờ với bài
vị thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung, và Hồng Vân công chúa. Tòa hậu cung xung
quanh ghép ván, phía trước có cửa bức bàn.
Gian chinh giữa tòa Tiền đường, đình Đa Ngưu
Ban thờ bên trong tòa Bái đường, đình Đa Ngưu
Bài vị thờ Thánh Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân tại Hậu cung đình Đa Ngưu
Kiệu lễ đình Đa Ngưu
Chạm khắc trong đình
So với các ngôi đình nổi tiếng, đình Đa Ngưu có ít các bức chạm khắc.Các bức chạm khắc tập trung chủ yếu tại gian trung tâm tòa Tiền điện và Bái đường.
Các bức chạm khắc trong đình Đa Ngưu cũng được thể thiện theo các nhóm theo chủ đề về: Cõi trần và cõi tiên; Tự nhiên, Cảnh lễ hội; Đời sống thường nhật.
6 đầu dư tại 6 cột trung tâm của gian giữa Tiền điện, Bái đường đều được trạm trổ đầu rồng. Các bức đại tự lớn tại gian trung tâm đều được trạm trổ Tứ linh, Tứ quý.
Trang trí tại gian giữa tòa Tiền đường, đình Đa Ngưu
Trang trí tại gian giữa tòa Bái đường, đình Đa Ngưu
Tên làng là Đa Ngưu có thể có nguồn gốc: Khi dời kinh đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về Đại La, Thăng Long,
để khơi thông nguồn lực, năm 1108, vua Lý Nhân Tông (Hoàng
đế thứ 4 triều Lý, trị vì năm 1072-1128) cho đúc một chiếc chuông lớn đặt
tại chùa Diên Hựu, tên là Giác Thế Chung (chuông Thức tỉnh thiên hạ). Đây được
xem là một trong Tứ đại khí của Việt Nam thời Lý, bao gồm: Tháp Báo Thiên, Chuông
Qui Điền, Vạc Phổ Minh và Tượng Phật Quỳnh Lâm.
Chuông chùa thường có hai dạng: Chuông treo trong tháp gọi
là tháp chuông và chuông đặt trên mặt đất trong một tòa nhà gọi là tòa chuông.
Chuông chùa Diên Hựu to nên đặt trên mặt đất, trong tòa chuông, tại rìa chùa.
Rùa ngoài ruộng thường bò vào trú bên trong, nên dân gian gọi đây là chuông Quy
Điền.
Điều kỳ diệu là khi chuông Quy Điền ngân lên, bao nhiêu vàng
bạc, châu báu và hiền tài của thiên hạ theo đó đổ về. Thăng Long thành đất Kinh
kỳ phồn thịnh. Một lần, khi tiếng chuông ngân lên, có một con trâu vàng to lớn
bên xứ Tàu tìm về. Đến Hồ Tây, thì tiếng chuông ngứt, trâu bèn lặn xuống hồ. Vì
vậy hồ Tây còn có tên là hồ Kim Ngưu (hồ Trâu Vàng). Vào lúc đêm thanh vắng,
người ta vẫn thấy Trâu Vàng nổi lên, sáng một góc trời.
Người phương Bắc lo sợ, nhiều lần cử người tìm đến. Dân bèn
mang chuông giấu đi, chỉ cho một số ít người tin cậy biết, để truyền lại cho đời
sau. Đầu thế kỷ 15, nhà Minh xâm lược Đại Việt, quyết cho quân phá chuông
Quy Điền.
Vào thời điểm này, xảy ra một trận đại hồng thủy trên sông Hồng. Tại thôn Nhân
Dục, phường Hiến Nam, Hưng Yên, có một quả chuông trôi vào bãi sông. Dân
làng cho là Trời, Phật mách bảo bèn góp công của dựng chùa, xây tòa đặt chuông,
gọi là Kim Chung Tự - chùa Chuông Vàng.
Khi chuông chùa ngân lên, không chỉ vàng bạc, châu báu mà cả
hiền tài của thiên hạ theo đó đổ về Phố Hiến. Phố Hiến thành đất lành, phồn thịnh.
Tương tự như chuyện Trâu vàng Hồ Tây, một đàn trâu vàng từ phương Bắc nghe
chuông tìm về đây, khi tiếng chuông dứt, đành lặn xuống đoạn sông, mà sau đó
người ta gọi là Ngưu Giang và tên làng được gọi là Đa Ngưu.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn: Bộ môn Kiến trúc Công nghiệp