Đình Đại vốn là ngôi đình cổ ở gần cửa ô Cầu Dền của thành Thăng Long cũ, thờ phụng Thành hoàng Cao Sơn Đại vương, địa chỉ ở cuối ngõ Đình Đại, phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Xưa kia, đình Đại thuộc thôn Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm, huyện
Thọ Xương. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), vì kiêng huý của vua là Hồng Nhậm nên đổi
thành thôn Bạch Mai. Thời Pháp thuộc, năm Khải Định 9 (1924) thì trở thành phường
Bạch Mai, thuộc Đại Lý Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Ngày nay địa danh này lưu lại ở
tên con phố nối phố Huế tại ngã năm Cầu Dền với phố Trương Định ở ngã tư chợ
Mơ.
Theo Lý Khắc Cung, đình Đại nằm trong cụm di tích lịch sử ở
phía Bắc khu vực Bạch Mai, bao gồm chùa Liên Phái và các địa chỉ văn hóa quanh
đấy như: chùa Hương Tuyết, đình Đông, đình Tô Hoàng, chùa Vua, đàn Nam Giao.
Ngay sát cạnh đình từng có con đường Thiên Lý nổi tiếng, nối
liền cửa ô Cầu Dền của thành Thăng Long với các trấn và các tỉnh phía Nam. Xưa
kia đó là một con đường nhỏ, hun hút dài xuyên qua những đồi cây rậm rạp và cả
một rừng mai (mơ). Năm 1592, quân nhà Mạc đã giao tranh với quân nhà Trịnh tại
đây.
Trước kia nơi đây cũng như các đình làng khác vẫn có những
buổi cúng lễ, rước kiệu. Nhưng Đình Đại còn là một nơi tập trung của dân tứ chiếng
từ các ngả đường dẫn tới kinh đô. Thời xưa, cứ cuối buổi chiều là cửa ô Cầu Dền
đóng kín lại, không ai được đi qua, chỉ trừ những người cầm hoả bài “Khẩn cấp”.
Tất cả những kẻ chậm chân đều phải nghỉ lại ở Đình Đại, đợi đến sáng hôm sau,
khi cửa ô mở mới được vào thành. Cũng có một số người buôn bán muốn tranh thủ
thời gian đã vào thành từ lúc 4 giờ chiều, nhưng phải nghỉ lại trong một cái chợ,
ăn uống, ngủ qua đêm và sửa soạn lại hàng để sáng sớm hôm sau đem đi bán ở các
chợ, các phố nội đô. Nơi tập trung đó gọi là chợ Hôm, cái tên cổ được giữ mãi
cho đến tận bây giờ.
Đình Đại không chỉ từng là nơi dừng chân cho mọi lớp người
trong xã hội mà còn là một khu du lịch, vui chơi sầm uất của một thời. Những kẻ
đến đây có thể tuỳ hứng đi thăm các chùa, đền, đình gần đó hoặc xuống các vườn
mơ mát mẻ, rộng rãi với các quán rượu ven đường, hoặc đến các quán ăn ở Vân Hồ.
Rượu làng Mơ và nước mắm Kẻ Đô trước hết được đem bán ở đây rồi mới toả đi khắp
nơi và đã trở nên nổi tiếng.
Đình Đại được xây dựng cách nay khá lâu và đã trải qua nhiều
lần trùng tu, sửa chữa lớn vào những đời Vĩnh Thịnh (1705), Cảnh Hưng (1774),
Minh Mạng (1840), Thành Thái, Khải Định. Ban đầu, ngôi đình chỉ có gian giữa
cao 5m, tương truyền thờ đức Thành hoàng là một trong 50 người con của Lạc Long
Quân theo mẹ lên núi, sau này trở thành thuộc tướng thân cận của Sơn Tinh.
Ngõ Đình Đại phố Bạch Mai. Ảnh NCCong ©2015.
Đình Đại nhìn từ sân. Ảnh NCCong ©2015.
Gian bên trái thờ Âu Cơ, sau ghép với thờ Mẫu Liễu Hạnh.
Gian bên phải thờ các Cô, Cậu của đạo Lão, tức theo xu hướng Tam giáo đồng lưu.
Ngoài ra còn thờ cả hai ông phỗng là những người hầu cận của Đại vương với nét
mặt tươi cười, hóm hỉnh của các vai “hề chèo” xuất hiện sau này.
Trước kia không gian Đình Đại vốn được để mở ra bốn phương
tám hướng chứ không xây gạch kín xung quanh. Mọi người có thể đến thăm đình từ
bất kỳ hướng nào, qua những con đường tắt và đường lớn. Bây giờ làng xóm và đồng
ruộng đều đã thành đô thị, ngôi đình bị lấn lướt nhiều, du khách đi đến tận cổng
mới nhận dạng được.
Ngôi đình này có tòa tiền tế gồm 5 gian quay về hướng
đông-nam, trên bờ nóc có đắp 4 chữ Hán “Bạch Mai Đình Đại”. Hậu cung 3 gian, kết
nối với tiền tế theo hình chuôi vồ. Tất cả bộ mái đình đều lợp ngói ta. Sân
đình xưa rộng, lát gạch cổ, có cổ thụ, vườn hoa và một giếng thơi hình bầu dục.
Khung cửa đình bằng gỗ, làm theo kiểu bức bàn. Kết cấu khung xương được giữ vững
bởi nhiều cột cái, cột quân to và cao, đều thuộc loại gỗ tứ thiết.
Các mảng trang trí được tập trung vào bức cốn nách giữa toà
đại đình. Đề tài trang trí là rồng leo và uốn khúc, vây cá, trăng sao… mang
dáng dấp nghệ thuật thời Lê trung hưng. Bên cạnh có những bức chạm khắc rồng
phượng, âm dương tương xứng với những hoạ tiết sông, nước, mây trời, những bức
cửa võng, cuốn thư, hoành phi, câu đối… Tất cả đều được chạm khắc tỉ mỉ và sơn
son thếp vàng lộng lẫy.
Gian chính giữa phần cung cấm có sập thờ, phía trên đặt ngai
của đức Thành hoàng. Bên cạnh đó là 2 chiếc kiệu bát cống cổ đều vẫn nguyên vẹn.
Những chiếc kiệu này được chạm, khắc và sơn son thếp vàng với rất nhiều hoa văn
sinh động duyên dáng, tiêu biểu của nghệ thuật đời Gia Long. Đình hiện còn 4
bát hương, trong đó có một chiếc làm bằng đá, một bộ bát bửu, một cồng, một
chiêng, 3 chiếc hương án và hai hòm đựng 7 sắc phong ghi niên hiệu từ đời Minh
Mạng (1821) đến Khải Định (1924), ngoài 2 tấm bia đá mang niên hiệu đời Lê Vĩnh
Thịnh (1705) và thời Nguyễn…
Đình cũng lưu giữ được 7 bức hoành phi, cuốn thư, 7 đôi câu
đối. Một trong các câu đối ca ngợi thần Cao Sơn như sau (dịch nghĩa):
Danh truyền văn đức võ công, dòng trôi đá không chuyển
Ơn nhuần cây xưa hoa mới, đường nảy xuân lại về.
Đình Đại là một địa điểm trong quần thể di tích lịch sử văn
hoá và du lịch có giá trị của quận Hai Bà Trưng. Đình đã được Bộ Văn hóa –
Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hoá năm 1996.