Đình Đại Phùng thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, tại trung tâm làng, trải dài ở bờ trái sông Đáy với kiến trúc cổ độc đáo từ thế kỷ thứ 17. Đình thờ Thần Tích Lịch Hỏa quang thời Hùng Vương và Vũ Hùng, một võ tướng triều Trần Nghệ Tông.
Đình Đại Phùng có từ thời vua Trần Nghệ Tông (hoàng đế thứ 8
nhà Trần, trị vì năm 1370- 1372). Qua nhiều lần trùng tu, ngôi đình hiện nay
còn lưu giữ dấu ấn sâu sắc của kiến trúc nghệ thuật thời Lê, thế kỷ 17.
Đình thờ phụng Thần Tích lịch Hỏa quang thời Hùng Vương, một
trong 4 vị thần và đức ông Vũ Hùng, danh tướng đã có công dẹp giặc loạn triều đại
vua Trần Nghệ Tông.
Ông được nhà Trần truy tặng danh hiệu: Trần triều Trung quân
Ngã Bốn, Vũ Hùng Đại Vương. Làng Đại Phùng là nơi ông đã từng đóng quân. Nhớ ơn
ông, dân làng lập đền thờ, lấy ngày 18 tháng Giêng âm lịch làm lễ đản sinh và
ngày 18/1 dương lịch làm lễ hoá thần. Xung quanh đình còn nguyên những tên gọi:
Ao Đồn, Nha Môn, Ngõ Phủ…
Ngoài ra đình còn thờ Tứ Pháp bao gồm Pháp Vân, Pháp Vũ,
Pháp Lôi, Pháp Điện.
Xưa kia, đây là vùng đất trù phú với sự nhộn nhịp của thương
thuyền, thuở sông Hát (Hát Giang) còn mở thông nối sông Đáy với sông Hồng qua cửa
Hát Môn. hiện khu vực này đã bị bồi lấp, nguồn nước cấp cho sông Đáy chủ yếu từ
các nhánh bên hữu ngạn, chảy từ vùng núi Hòa Bình.
Tuyến đường thủy đã giúp vùng đất này thông thương thuận tiện
với Thăng Long, tiếp cận được với cấp độ phát triển cao của văn hóa, kiến trúc,
nghệ thuật thời bấy giờ, sản sinh ra nhiều bậc anh tài trong cả học hành, khoa
cử và kinh doanh.
Sự phát triển thịnh vượng về kinh tế, xã hội và văn hóa thịnh
vượng của vùng Đan Phượng vào thế kỷ 17 đã được các nghệ nhân thể hiện rất sinh
động qua những bức chạm khắc trong đình Đại Phùng.
Đình Đại Phùng có bố cục hướng Tây Bắc, nhìn ra sông Đáy. Kiến
trúc đình Đại Phùng không được làm bằng gỗ mít, gỗ lim như các đình làng khác
mà chủ yếu làm từ gỗ xoan cây nhà lá vườn.
Đình có quy mô lớn, bao gồm nhà Tiền tế và Đại đình, được dựng
song song với nhau. Tòa Tiền tế 3 gian,
2 chái, 4 mái. Hai phía đầu hồi có 2 trụ biểu nhô ra phía trước. Trụ biểu có
hình thức rất điển hình của các trụ biểu, đình, đền chùa Việt Nam thời đó. Trên
đỉnh trụ có nghê chầu, thân trụ là ô lồng đèn, ô trang trí câu đối, chân trụ dạng
thắt cổ bồng.
Tòa Đại đình có mặt bằng hình "chữ đinh" chữ T,
bao gồm Chính điện và Hậu cung. Tòa Chính điện có kết cấu 3 gian, 2 chái, 4
mái, cao hơn tòa Tiền tế. Những người cao tuổi kể lại rằng, ban đầu Đại đình chỉ
có hình "chữ nhất" (-), ban thờ đặt trên gác lửng. Đến thế kỷ 19, Hậu
cung mới được xây thêm để thờ phụng thần Tích lịch Hỏa quang Đại vương và danh
tướng Vũ Hùng triều Trần.
Tòa Tiền đường, đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Đầu hồi tòa Tiền đường và Hậu đường, đình Đại Phùng, Đan Phượng,
Hà Nội
Nội thất tòa Tiền đường, đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Trang trí ban thờ, đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Nghệ thuật chạm khắc ấn tượng của đình Đại Phùng
Trong khuôn viên cùa đình có một giếng cổ, tương truyền do
chính các nghệ nhân Champa xưa đục đẽo chế tác từ đá sa thạch, vẫn còn nguyên vẹn,
là một trong ba giếng cổ trong làng.
Đình Đại Phùng là công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị
tiêu biểu trong giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam vào thế kỷ
17.
Đình nằm trong hệ thống các ngôi đình xứ Đoài (phía Tây Hà Nội)
nổi tiếng, tuy không to lớn, bề thế song lại có những mảng chạm khắc dân gian rất
đặc sắc.
Các mảng chạm khắc như hòa vào làm một với giải pháp kiến
trúc và trở thành bảo tàng sống động về các cung bậc của đời người, từ hệ thống
tư tưởng hay tín ngưỡng thể hiện ước vọng của người dân, các quan niệm về tự
nhiên, hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa đến đời sống thường nhật thanh bình của
cư dân thời bấy giờ; từ những nội dung hết sức nghiêm túc theo quy tắc truyền
thống đến các nội dung mang tính trào lộng.
Tính trào lộng trong các mảng điêu khắc trong đình được cho
là bắt nguồn từ văn hóa “Nói trạng” hay “Nói khoác” được nhiều người biết đến của
làng Đại Phùng.
Đan Phượng là một vùng đất học có nhiều dòng họ khoa bảng, đỗ
đạt cao. “Nói trạng” cũng là một nét văn hóa đặc trưng, mang đến những niềm
vui, bắt nguồn từ những điều tốt đẹp, cho mọi người, cho cộng đồng làng Đại
Phùng.
Các bức chạm có nhiều mảng, khối nhân vật ở trong các tư thế,
hoàn cảnh khác nhau. Các mảng, khối này hầu như ít liên quan đến nhau, thể hiện
rõ nét thủ pháp đồng hiện trong nghệ thuật dân gian.
Mảng chạm khắc về cõi trần và cõi tiên: Tại đây có các chạm
khắc phản ảnh con người và tự nhiên là một, cõi trần và cõi tiên là một. Trên một
góc mái có hình tượng "Cô tiên" dang cánh, như đang đậu xuống cõi trần
để hưởng thụ niềm vui tại hạ giới.
Bức chạm "Cô tiên" với đôi cánh (ghép tạm) dang rộng,
đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Mảng chạm khắc khung cảnh tự nhiên: Tại đây có vô số các chạm
khắc từ các loài linh vật như: Long, ly, quy, phụng, đến các con vật gắn với
chiến binh như ngựa chiến, voi chiến; các loài vật gần gũi với người như trâu,
mèo, chim, cá, thạch sùng… đều được chạm khắc sinh động trên các đầu dư, xà, bẩy
của nội thất ngôi đình.
Bức chạm được nhiều người chú ý là "Mèo ngoạm cá"
với các nét chạm tỷ mỷ đến từng sợi ria mép, vành tai của mèo, từng chiếc vảy,
vây cá. Bức chạm "Rồng và thằn lằn" vui đùa được cho là thể hiện quan
niệm của người xưa về thằn lằn như một linh vật giữ lửa tương tự như rồng.
Trong đình còn có các bức chạm các họa tiết trang trí cây cỏ
phong phú, bố cục đan xen các linh vật, con người.
Mạng chạm khắc "Ổ rồng", đình Đại Phùng, Đan Phượng,
Hà Nội
Chạm khắc hình tượng đầu rồng trên đầu dư (con sơn) kết cấu
mái, đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Chạm khắc hình tượng đầu rồng và ngựa chiến, đình Đại Phùng,
Đan Phượng, Hà Nội
Chạm khắc "Voi chiến và chiến binh", đình Đại
Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Bức chạm "Mèo ngoạm cá", đình Đại Phùng, Đan Phượng,
Hà Nội
Bức chạm "Rồng và thằn lằn", đình Đại Phùng, Đan
Phượng, Hà Nội
Quang cảnh lễ hội: Tại đây có các bức chạm "Lễ hội"
miêu tả những nhân vật trong lễ hội vui xuân ở thời điểm thăng hoa, đó là những
người dân bình thường, hạnh phúc trong ngày lễ hội, hòa cùng với cảnh những con
rồng vui vẻ.
Cảnh “Vinh quy bái tổ” mừng đón quan tân khoa về làng được
chạm với cảnh quan trạng cưỡi ngựa, quân lính mang cờ lọng tháp tùng, nhạc công
chào đón.
Bức chạm "Lễ hội", đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà
Nội
Bức chạm "Vinh quy bái tổ", đình Đại Phùng, Đan
Phượng, Hà Nội
Đời sống thường nhật: nhiều bức chạm thể hiện những sinh hoạt
văn hóa đời sống thông thường, bình dị cũng nhưng trò vui dân dã như cảnh đấu vật,
chèo thuyền, hát ca trù, múa quạt, uống rượu chơi cờ, trai gái tình tự, tắm
tiên đầm sen vô cùng sinh động, phong phú.
Bức chạm "Đấu vật", đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà
Nội
Bức chạm "Thần tiên", đình Đại Phùng, Đan Phượng,
Hà Nội
Nghệ thuật chạm khắc tinh tế của đình Đại Phùng
Mỗi kết cấu tại đình Đại Phùng đều mang đậm nghệ thuật chạm
khắc đỉnh cao. Phần trang trí càng được tập trung vào những chi tiết như đầu
dư, cốn, kẻ, cửa võng và bộ vì nóc để tạo lên nét đẹp hoàn hảo. Những mảng chạm
khắc tinh tế này thể hiện cụ thể những ý tưởng, nội dung có giá trị cao về văn
hóa, nghệ thuật thế kỷ 17.
Tính dân gian và tín ngường được khai thác triệt để trong những
tác phẩm chạm khắc, tập trung vào những đề tài sinh hoạt
văn hóa dân gian, tâm linh và thể hiện ước vọng của nhân dân về một cuộc sống
bình yên, no đủ.
Những bức chạm khảm trong giai đoạn lịch sử này mang giá trị
tinh thần sâu sắc đồng thời toát lên một không gian thanh bình, ổn định của
giai đoạn lịch sử này. Các bức chạm cho thấy một cuộc sống bình yên và êm đềm từ những mảng phù điêu đơn giản nhất.
Đình Đại Phùng như một không gian bảo tàng của nghệ thuật cổ
xưa mang đẫm hồn dân tộc. Bước t chậm và chiêm ngưỡng thật kỹ những bức chạm khắc
với kỹ năng đỉnh cao cho thấy chiều sâu nghệ thuật và tính nhân văn trong tâm hồn
các nghệ nhân cũng như ước vọng giản đơn của họ, đặc biệt trong bức chạm khảm
“Vinh quy bái tổ”.
Tương tự như tất cả các công trình văn hóa tâm linh khác,
các bức chạm đình Đại Phùng đề cập đến những linh vật và những vật nuôi đã được
nâng lên thành sủng vật như Rồng, Phượng, Ngựa, Voi đến các con vật gần gũi với
người như: Mèo, Thạch sùng, Chim, Cá…
Tất cả những họa tiết chạm khắc đều sinh động thể, đầy sức sống,
hiện sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Toàn bộ ngôi đình có thể
coi là tác phẩm điêu khắc đồ sộ, hoành tráng nhất, khắc họa chân thực không
gian sống bình yên, ấm no, đầy sức sống của quê hương chốn thanh bình.
Những mảng chạm khắc cổ xưa, tinh tế đầy sức sống của Đình Đại
Phùng đã giúp ngôi đình có sức hút mạnh mẽ đối với những người hành hương tâm
linh, những người đam mê lịch sử, văn hóa thời cổ và những nhà nghiên cứu văn
hóa, mỹ thuật cũng như các nhà điêu khắc, nghệ nhân. Đình Đại Phùng trở thành một
điểm đến lịch sử, văn hóa và mỹ thuật điển hình của hàng vạn khách nhân trên cả
nước.
Năm 1991, đình Đại Phùng chính thức được Bộ Văn hóa-Thể-thao
và Du lịch công nhận, xếp hạng di tích đặc biệt quan trọng cấp Quốc gia. Năm
2010, trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước, đình được trùng tu
và trang trọng gắn biển “Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.