Đình Đăm (Đình Tây Tựu) thuộc phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đình thờ tướng Đào Trường (tức thánh Bạch Hạc Tam Giang) là người có tài kinh bang võ nghệ cao cường, được tiến cử làm thổ lệnh trường, cai quản quận Sơn Nam.
Đình Tây Tựu là công trình kiến trúc cổ kính được xây dựng từ
thời Lê, do bà Nguyễn Thị Tính, một người phụ nữ tài sắc của quê hương đã trở
thành cung phi thứ 8 (vợ vua Lê Thế Tông), cho dân lấy gỗ, kén thợ giỏi ở kinh
đô về Tây Tựu xây dựng đình làng.
Đình Đăm toạ lạc trên khu đất cao ráo, thoáng đãng giữa tổ
dân phố Trung phường Tây Tựu, hướng chính của đình quay về phía Tây. Đình Đăm
có một địa thế rất lý tưởng, trước mặt là cánh đồng rộng trông sang xứ Đoài,
sau lưng là đầm nước trũng gọi là Thuỷ ác, bên phải có ngọn núi Đống Chay chầu
về, bên trái có dòng sông Nhuệ uốn khúc bao lấy nhà Thuỷ toạ rồi lượn xuống
phía Đông Nam tạo cho đình có thế “Tả thanh long, hữu bạch hổ”, theo quan niệm
truyền thống đây là ngôi đình có vị thế đế vương, là khởi nguồn cho sự thịnh đạt
phát triển của làng quê, là niềm đất tụ linh tích phúc cho nhân khang vật phú.
Đình Đăm không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là một
trong những di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu của Quận Bắc Từ Liêm.
Hội Bơi Đăm truyền thống là một trong những lễ hội đặc sắc nức
tiếng đã đi nhắc đến trong câu ca dao: “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy” hay câu ca
“Làng Đăm có hội đua thuyền. Có lò đánh vật có miền trồng hoa”. Hội Bơi Đăm được
tổ chức từ ngày mùng 9 đến 11 tháng Ba (âm lịch).
Các hoạt động lễ hội như một bảo tàng sống về văn hoá đặc
thù của địa phương, của dân tộc đó được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế kỷ. Lễ
hội truyền thống hàng năm là sự tái hiện không gian văn hoá và chiến thuật luyện
tập và tiến công bằng thuỷ quân của tướng Đào Trường thời Hùng Duệ Vương.
Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hoá, là sản
phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong tiến trình của
lịch sử. Kế thừa và phát huy truyền thống đạo lý dân tộc, lễ hội làng Đăm là sự
kiện quan trọng của địa phương nhằm tôn vinh hình tượng thiêng liêng và tỏ lòng
tri ân công đức đối với vị tướng lĩnh anh hùng – Đức Thánh Bạch Hạc Tam Giang.
Đây cũng là dịp để những người con của quê hương tìm về nguồn
cội và du khách xa gần đến với Tây Tựu, khám phá những nét đẹp truyền thống của
đất và con người nơi đây.
Nguồn: Di tích Lịch sử Văn hóa Hà Nội